Bác sĩ Bàn Thị Cảnh: Tấm gương y đức và người mẹ của những đứa trẻ mồ côi

Sáng ngày 26/2, cán bộ phóng viên Tạp chí điện tử Văn hiến VN, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển cùng một số đại diện doanh nghiệp phối hợp chính quyền địa phương xã Đồng Lâm, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đến thăm và tặng quà gia đình bác sĩ Bàn Thị Cảnh, một tấm gương y đức đã có nhiều việc làm ý nghĩa, nhân văn sâu sắc trong nhiều năm sau khi đã về nghỉ hưu.

Cán bộ địa phương và các doanh nghiệp đến thăm và tặng quà gia đình bác sĩ Bàn Thị Cảnh nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Bác sĩ Bàn Thị Cảnh (ở giữa mặc áo len màu đỏ), bên phải bác sĩ là người con gái nuôi Đặng Thị Ngà. Tiếp đến là ôngPhạm Kỳ Anh (TGĐ -công ty Unilife Air Fresh Việt Nam) và bà Phùng Giang Quỳnh (Giám đốc thương hiệu Quynh PG & Academy)

Bác sĩ Bàn Thị Cảnh đã có thời gian công tác và cống hiến trong ngành y tại các khu vực vùng cao và hải đảo trên dưới 30 năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (gồm bệnh viện huyện Ba Chẽ, bệnh viện Hoành Bồ, Vân Đồn, Cô Tô...). Trong những năm thuộc thập kỷ 90, bác sĩ Cảnh phối hợp và nhận nuôi dạy trẻ mồ côi sơ sinh cùng Trại trẻ mồ côi của tỉnh Quảng Ninh.

Năm 1997, bà nghỉ hưu, gia đình bà chuyển về thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ, quê chồng bà. Đây là một huyện miền núi với nhiều dân tộc phân bố tại các xã vùng cao. Khu vực thôn Đồng Quặng là nơi cư dân đồng bào dân tộc Dao sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn, đường xá giao thông bất tiện, điện lưới chưa có, văn hóa dân trí còn thấp và nhiều hủ tục. Sau một vài tháng sinh hoạt gia đình tại địa phương, bà nhận thấy người dân rất khổ, hay ốm đau, bệnh tật, phương tiện đi lại, đường xá bất tiện, bác sĩ quyết định mở tủ thuốc và khám chữa bệnh tại nhà.

Năm 1999, biết tin có một trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngoài rừng, bác sĩ đã nhanh chóng tìm tới nơi để tìm hiểu. Đây là một trường hợp thai phụ được đỡ tại nhà, không đưa đi viện do đường xá khó khăn, không có phương tiện đưa đi, người nhà để ở nhà tự đỡ đẻ. Người đỡ đẻ là bà ngoại của bé sơ sinh. Do không có nghiệp vụ đỡ đẻ, trường hợp trẻ sơ sinh lại ngược ngôi, chân ra trước nên bà ngoại bất cẩn đã khiến sản phụ băng huyết, không cầm được máu dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, em bé được sinh ra vẫn khỏe mạnh. Việc sản phụ tử vong, gia đình kiêng nuôi trẻ là nguyên nhân dẫn đến cái chết của mẹ nên đã đem cháu cùng nhau thai bỏ ngoài bìa rừng và tập trung làm lễ chôn cất cho sản phụ. Khi bác sĩ Cảnh biết tin và tìm đến nơi đã là qua 1 ngày đêm. Lúc phát hiện ra bé hơn 1 ngày tuổi bỏ đói ngoài rừng, không 1 mảnh vải che thân, cháu toàn thân tím tái, bị dằm cắm đầy người, khóc không lên tiếng. Toàn bộ nhau của cháu có dấu hiêu mới bị thú ăn còn lại dấu vết. Bác sĩ đã hà hơi, ủ ấm, sơ cứu nhanh tạm thời với hy vọng cứu sống được cháu. Khi thấy dấu hiệu còn hy vọng, bác sĩ đã đưa về nhà để tiếp tục chăm sóc và cứu chữa…

Hôm chúng tôi có mặt tại đây cũng là lúc đứa trẻ năm nao được đã sang tuổi 21, xinh đẹp khỏe mạnh, mời mọi người uống nước. Mỗi lần hỏi về cảm nghĩ của em về mẹ, em chỉ biết khóc và không nói lên thành lời, chỉ biết cảm ơn các anh chị đã đến thăm và động viên mẹ em. Mẹ không những có ơn cứu mạng, mà mẹ còn nuôi dưỡng em trưởng thành tới bây giờ…Mẹ là tất cả đối với em…

Không chỉ riêng trường hợp của em Đặng Thị Ngà như nói ở trên, một trường hợp khác là chị Triệu Thị Lan, 34 tuổi, cũng được bác sĩ Cảnh nhận nuôi và chăm sóc từ khi còn là trẻ lang thang cơ nhỡ trên vùng cao từ năm 2001, khi Lan mới hơn 10 tuổi. Do bị bỏ rơi, không nơi nương tựa từ bé nên Lan phải đi ở đợ, lang thang bữa no bữa đói, đi chăn trâu, làm cỏ để xin bữa cơm, thường xuyên bị bỏ đói đánh đập. Khi tìm về với nhà Bác sĩ Cảnh và xin ở lại, lúc này em cũng kiệt sức vì đói, cơ thể nhiều vết thương, bệnh lí do bị đánh đập, ngược đãi từ những chủ cũ, bác sĩ Cảnh đã cứu chữa và nhận nuôi đến tuổi trưởng thành. Nay chị Lan đã lập gia đình và có 2 con, cũng thường xuyên về thăm mẹ nuôi.

Được biết bác sĩ Cảnh có 1 tủ thuốc từ thiện, phát thuốc miễn phí cho người nghèo hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Những việc làm ý nghĩa nhân văn đó của bác sĩ Bàn Thị Cảnh đã lay động đến nhiều người. Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, vừa qua (26/2/2020), hai đại diện doanh nghiệp: ông Phạm Kỳ Anh (TGĐ - Công ty Unilife Air Fresh Việt Nam) và bà Phùng Giang Quỳnh (Giám đốc thương hiệu Quynh PG & Academy) đã đề xuất trong thời gian tới sẽ dành thời gian để tham gia đồng hành cùng các hoạt động của bác sĩ Bàn Thị Cảnh tại địa phương. Trong đó chị Phùng Giang Quỳnh đã đăng ký với Tạp chí điện tử Văn hiến (http://vanhien.vn/), Diễn đàn văn hóa và đời sống (http://vanhoavadoisong.vn/) đề tài viết chuyên sâu về bác sĩ Cảnh – tấm gương với những việc làm nhân văn và ý nghĩa sâu sắc.

Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi gặp mặt và tặng quà gia đình bác sĩ Cảnh nhân dịp Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2-2020:

Đại Dương

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-si-ban-thi-canh-tam-guong-y-duc-va-nguoi-me-cua-nhung-dua-tre-mo-coi-74964