Bác sĩ bị hành hung: Nhìn từ góc độ giao tiếp ứng xử giữa hai bên

Vụ bác sĩ ở Bệnh viện Saint Paul bị bố bệnh nhi hành hung cần nhìn rộng hơn ở góc độ giao tiếp ứng xử giữa hai bên.

Vụ việc bác sĩ Vũ Hồng Chiến, khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Saint Paul bị bố bệnh nhi hành hung đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Vẫn biết rằng, hành vi đánh người khác là vi phạm pháp luật nhưng từ khi cơ quan điều tra cho rằng “bác sỹ đã quá nguyên tắc” đã dấy lên nghi vấn về cách giao tiếp ứng xử của bác sĩ Chiến, nhất là tại buổi họp báo diễn ra trưa qua, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Saint Paul cho rằng do một bức xúc nào đó mà bố bệnh nhi đã đánh bác sĩ Chiến.

Người trong ngành Y nói gì về vụ việc này và kỹ năng giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế đóng vai trò như thế nào để hạn chế những xung đột, mâu thuẫn có thể nảy sinh giữa y, bác sỹ với người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân?

Phóng viên VOV phỏng vấn bác sỹ Trần Vũ Quang, khoa Phụ sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương về vấn đề này.

Người nhà bệnh nhi bất ngờ tấn công khiến bác sĩ Vũ Hồng Chiến không kịp phản ứng (Ảnh cắt từ Clip)

PV: Thưa bác sỹ Trần Vũ Quang, bác sĩ nhìn nhận về vụ việc một bác sĩ của bệnh viện Saint Paul bị người nhà bệnh nhân hành hung như thế nào?

Bác sỹ Trần Vũ Quang: Câu chuyện về bác sĩ của Bệnh viện Saint Paul bị hành hung, dưới góc độ người trong ngành, tôi thấy người nhà bệnh nhân đã sai và câu chuyện này đã dấy lên một nỗi lo về nạn bạo hành trong nghề Y. Đây là một trong những trường hợp mà người nhà bệnh nhân cố tình tấn công bác sĩ với lý do chỉ là bức xúc thông thường trong quá trình điều trị, thăm khám.

PV: Bác sĩ cảm thấy mình bị ảnh hưởng như thế nào sau những vụ việc nhân viên y tế bị hành hung xảy ra liên tiếp thời gian qua?

Bác sỹ Trần Vũ Quang: Ảnh hưởng là điều hiển nhiên rồi. Với trường hợp của bác sĩ trẻ kia thì sự việc xảy ra hoàn toàn trở thành một cú sốc tâm lý trong quá trình hành nghề. Đó cũng chính là hình ảnh bản thân tôi là một bác sĩ cũng đã khá nhiều năm đứng ở vị trí cấp cứu và thăm khám cho bệnh nhân thì tôi nhìn thấy hình bóng của mình trong đó.

Có những trường hợp mình đúng là đã chịu trận với cách cư xử của người nhà bệnh nhân, nhưng đó là những kí ức thực sự làm cho người bác sĩ có tâm đều bị tổn thương và trở thành nỗi lo lắng trong quá trình làm nghề và càng ngày các bác sĩ càng trở thấy nó làm ảnh hưởng đến lòng yêu nghề. Đó là một trong những thực trạng hiện nay mà chúng tôi từng trải nghiệm.

PV: Trở lại với vụ việc tại Bệnh viện Saint Paul, tại cuộc họp báo vừa diễn ra, Bệnh viện xác nhận là bác sĩ Vũ Hồng Chiến bị bố của bệnh nhi đánh lúc đang trao đổi, giải thích cho người này. Nội dung của cuộc trao đổi chưa được làm rõ, nhưng ông có thể cho biết, kỹ năng giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế có vai trò như thế nào trong việc hạn chế những xung đột, mẫu thuẫn giữa 2 bên?

Bác sỹ Trần Vũ Quang: Lý lẽ của tôi không nghiêng về bảo vệ bác sĩ hay bảo vệ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mà chúng ta cần tìm ra một tiếng nói chung làm sao mà giải quyết được vấn đề- nạn bạo hành trong ngành Y. Đối với những bác sĩ trẻ khi ra trường hoặc những bác sĩ đã có một chút kinh nghiệm rồi nhưng trong quá trình làm việc, không thể nào tránh khỏi những tình huống như vậy.

Để hạn chế nạn bạo hành trong ngành y thì bản thân những nhân viên y tế tùy từng hoàn cảnh phải cực kỳ khéo léo, nắm bắt được tâm lý người nhà bệnh nhân mong muốn điều gì. Tất nhiên có những yếu tố khách quan như sự quá tải của bệnh viện thì người nhà bệnh nhân cũng phải thông cảm cho bệnh viện, bác sĩ. Song là người bác sĩ, chúng ta phải biết việc nào nên xử lý trước và việc nào xử lý sau cho hợp lý. Sự việc xảy ra là bài học cho chính những bác sĩ trẻ, làm sao cho mình hoàn thiện hơn kỹ năng giao tiếp, tế nhị, khéo léo… qua đó hoàn thiện chính mình.

Bác sĩ Vũ Hồng Chiến (ảnh: VTV)

PV: Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về 1 số kỹ năng giao tiếp, ứng xử mà bác sĩ đang áp dụng?

Bác sỹ Trần Vũ Quang: Những ngày đầu đi làm, tôi cũng từng gặp những trường hợp như vậy và việc giải quyết vấn đề đơn giản nhất chính là nụ cười của người bác sĩ. Các bác sĩ trước tiên khi tiếp đón bệnh nhân phải bằng nụ cười và thái độ niềm nở. Tuy nhiên, không tránh khỏi những lúc chúng ta mệt mỏi, song chúng ta phải kìm chế cảm xúc cá nhân trong quá trình làm việc và tạo cho bệnh nhân một không khí vui vẻ, thoải mái khi được thăm khám, đó chính là bước đầu tiên mà chúng ta cần thực hiện được.

Ngoài vấn đề chuyên môn thì cũng phải hiểu được những mong muốn của bệnh nhân cần trước tiên là gì, chứ không phải cứ đến bệnh viện là chúng ta hùng hục điều trị cho bệnh nhân. Vấn đề ở đây là cần điều trị cả về tâm lý cho bệnh nhân. Theo tôi, y, bác sỹ còn phải thường xuyên tương tác với người nhà bệnh nhân nhiều hơn bằng cách giao tiếp nhiều hơn chứ không phải chỉ chăm chăm làm chuyên môn. Nếu chúng ta không giải quyết được thì nên kêu gọi sự hỗ trợ, đó cũng là một giải pháp hay giúp hoàn thành tốt công việc của mình.

PV: Vâng, như lúc đầu bác sĩ đã đề cập việc hành hung nhân viên y tế là sai trái, vậy theo bác sĩ cần có hành lang pháp lý như thế nào để bảo vệ nhân viên y tế?

Bác sỹ Trần Vũ Quang: Chúng ta phải có những chế tài chặt chẽ hơn và ở mức độ nặng hơn để giúp cho tình trạng bạo hành không được diễn ra một cách thường xuyên như thời gian vừa qua. Thực sự trong những năm gần đây, tần số bạo hành y tế ngày càng cao hơn, do đó cần có những pháp chế chặt chẽ hơn để bảo vệ nhân viên y tế.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!/.

Văn Hải/VOV1 -

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/bac-si-bi-hanh-hung-nhin-tu-goc-do-giao-tiep-ung-xu-giua-hai-ben-753695.vov