Bác sĩ bị tố hiếp dâm: LS đề nghị điều tra lại

Vụ việc liên quan đến bác sĩ Phương còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên cần được trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Ngày 27/11/2020, TAND TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục với phiên tòa xét xử bị cáo Lê Quang Huy Phương (37 tuổi; trú khu tập thể Đống Đa, TP.Huế) bị cáo buộc 3 tội danh: "Hiếp dâm", "Cố ý gây thương tích" và "Bắt giữ người trái pháp luật".

Phát biểu tại tòa, đại diện VKSND TP. Huế cho rằng trong suốt quá trình điều tra, truy tố và tại tòa, bị cáo Phương không nhận tội. Phương cho rằng không có hành vi hiếp dâm chị Dương Huỳnh Thu T. (24 tuổi), việc đánh chị T, là do chị T. nói xấu Phương về việc nhận tiền và xin việc, chuyện trai gái…

Với các tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập: lời khai bị hại, biên bản xem xét dấu vết trên thân thể bị hại, bản Kết luận giám định của Viện khoa học hình sự của bộ công an về file ghi âm nội dung cuộc hội thoại giữa bị cáo và bị hại có thời lượng 1h13 phút 1s, bản dịch nội dung âm thanh, Kết luận giám định pháp y về tổn thương cơ thể của Trung tâm pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện VKS cho rằng bị cáo Phương có hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.

Do đó, đại diện VKSND TP. Huế đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phương 5 năm - 5 năm 6 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích, 2 năm 6 tháng – 3 năm tù về tội Hiếp dâm và 9 tháng – 1 năm tù về tội Bắt giữ người trái pháp luật. Tổng hợp chung cho cả 3 tội là từ 8 năm 3 tháng – 9 năm 6 tháng.

Đối đáp lại, luật sư bào chữa Trương Quốc Hòe cho rằng việc bị cáo Phương có mặt tại phiên tòa ngày hôm nay hoàn toàn dựa theo hướng điều tra thiếu khách quan của cơ quan điều tra. Theo luật sư, suốt quá trình điều tra lấy lời khai, toàn bộ hồ sơ tài liệu đều thể hiện rõ cơ quan điều tra, VKSND TP. Huế đã không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội cho bị cáo mà đều đi theo hướng buộc tội.

Theo luật sư Hòe đưa ra dẫn chứng, trước đó ở phần hỏi của vị đại diện VKSND TP. Huế với bị hại, kiểm sát viên có hỏi chị T. về hành vi nắm giữ bộ phận sinh dục của bị cáo thì chị T. ấp úng không trả lời.

Đại diện VKSND liền hỏi có phải đây là một phương pháp phản kháng hay không. Dựa vào câu hỏi này của kiểm sát viên, chị T. khẳng định “đây là sự phản kháng để nhằm giảm bớt sự chống cự của anh Phương”.

Đối với giám định thương tích về mắt, luật sư Hòe cho biết quy trình để kiểm tra, đánh giá thị lực là phải đo thị lực. Vậy nhưng phương pháp đo ở đây không được nêu trên kết luận. Do vậy, luật sư đề nghị HĐXX không công nhận kết quả giám định kết luận việc chị T. mất 31% thị lực. Từ việc bác sỹ không đo thị lực của chị T. dẫn đến sai lệch hoàn toàn hồ sơ vụ án.

Đối với việc bắt giữ Phương ở thời điểm chị T. thương tích 9%, luật sư cho rằng, sau khi bắt Phương với tình tiết côn đồ, cơ quan điều tra nhận ra là căn cứ không vững chắc nên củng cố thêm một giám định bổ sung với kết luận 31%. Việc này làm thay đổi cục diện toàn bộ vụ án, thay đổi toàn bộ số phận của Phương.

Luật sư bào chữa tại phiên tòa

Luật sư bào chữa tại phiên tòa

Về băng ghi âm, luật sư Hòe cho biết tại tòa, HĐXX đã hỏi giám định viên, giám định viên cũng khẳng định trong trường hợp bổ sung thêm người, phương tiện kĩ thuật có thể giám định lại được. Như vậy, giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an còn chưa làm rõ được hành vi phạm tội của anh Phương. Hơn nữa, băng ghi âm được thu thập không đúng trình tự, thủ tục. “Như vậy, băng ghi âm có phải tài liệu chứng cứ không, mong HĐXX xem xét”, luật sư Hòe nói.

Bổ sung thêm phần bào chữa cho bị cáo, luật sư Đỗ Văn Nhặn cho biết, sau khi có kết luận giám định xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể của bị hại là 37%, có tài liệu chứng minh mắt của bị hại Dương Huỳnh Thu T. bình thường, thị lực không thể giảm đến mức 3/10 như kết luận giám định.

Một số tài liệu giao nộp cho cơ quan quan điều tra như: Bảng tổng hợp điểm thi lý thuyết hội thi tay nghề điều dưỡng, hộ sinh năm 2019, ngày thi 23/11/2019 (BL 1343); Danh sách điều dưỡng, hộ sinh dự thi (BL 1344); 11 bức ảnh chụp hình bị hại Dương Huỳnh Thu T. (BL 1375- 1385). Tuy nhiên, CQĐT đã không điều tra làm rõ, thu thập chứng cứ gỡ tội mà mà Lan đã giao nộp.

Luật sư Nhặn cho rằng trong vụ án này, CQĐT chỉ thu thập các chứng cứ buộc tội, không thu thập các chứng cứ gỡ tội sẽ dẫn đến không làm rõ được sự thật khách quan của vụ án. Việc thu thập chứng cứ như vậy trái với “Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án” được quy định tại Điều 15 Bộ luật tố tụng Hình sự.

Còn luật sư Hoàng Văn Hướng nhận định, trong vụ án này, Phương có đánh bị hại nhưng không phải để giao cấu. Tất cả các tài liệu không có từ nào là hiếp dâm.“Anh sẽ hại em, sẽ hại đời em thì chúng ta không có quyền suy diễn về thuật ngữ, về từ ngữ hướng tới việc hiếp dâm”, luật sư Hướng nói và cho biết hại có nhiều cách hại.

Theo luật sư Hướng, trong tài liệu họ thu thập được ở Trung tâm giám định dân sự còn có việc chị T. và Phương nói chuyện với nhau rất bình thường, còn cười. Đặc biệt còn có hành vi bị hại nữ còn sờ vào bộ phận nhạy cảm của người nam coi như bình thường, hoàn toàn không bị cưỡng ép.

Đối với tội Bắt giữ người trái pháp luật, theo luật sư Hướng, việc đến phòng 203 hoàn toàn là ý chí của chị T. Lời khai của chị Thủy về việc lúc ra về cũng mâu thuẫn.Luật sư khẳng định không thể là tội bắt giữ người trái pháp luật được mà đây là quan hệ dân sự kiểu như ông đến nhà đồng nghiệp chơi, khi ra về chủ nhà đóng cổng lại bảo anh ở lại uống rượu với em.

Từ đó, luật sư Hướng đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Nói lời sau cùng, Phương xin lỗi chị T. vì đã đánh chị nhập viện.

Trong khi đó chị T. yêu cầu tòa phải đòi lại công bằng, danh dự, nhân phẩm cho mình bằng một bản án nghiêm minh với bị cáo.

Sau khi hội ý, chủ tọa phiên tòa tuyên bố đây là một vụ án phức tạp, cần thêm thời gian nghị án nên tòa sẽ tuyên án vào ngày 1-12 tới.

Quốc Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/phap-dinh/bac-si-bi-to-hiep-dam-ls-de-nghi-dieu-tra-lai-3423329/