Bác sĩ biến hóa xương chân thành xương hàm, chiếc lưỡi từ da tay

Khi khối bướu lớn trên đầu cổ được cắt đi, một khoảng trống hoác sẽ xuất hiện. Bác sĩ Khôi tiếp tục cuộc mổ khác, lấp đầy sự mất mát này.

 Bác sĩ Nguyễn Anh Khôi trong một ca phẫu thuật cắt khối bướu ung thư kết hợp vi phẫu tái tạo bộ phận bị khuyết hổng cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Nguyễn Anh Khôi trong một ca phẫu thuật cắt khối bướu ung thư kết hợp vi phẫu tái tạo bộ phận bị khuyết hổng cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Khôi bước vào phòng bệnh, nhẹ nhàng đặt hai tay lên má bé Như, nhìn kỹ vết khâu trong hốc miệng cô bé.

Cuộc mổ cắt bỏ khối bướu tuyến nước bọt ác tính để lại vùng thành bên họng một khoảng trống lớn. Bác sĩ Khôi đã lấy vạt da khác đắp vào, tỉ mỉ nối lại từng mạch máu, tạo hình lại vùng họng cho cô bé.

“Ổn rồi con. Vết thương rất tốt”, ông trìu mến nói với bệnh nhi ung thư 10 tuổi.

Nhiều năm qua, TS.BS Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ - Hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, miệt mài đảm nhiệm cả vai trò bác sĩ phẫu thuật ung thư lẫn chuyên gia tạo hình, vi phẫu tái tạo, mang lại cuộc đời tươi sáng tưởng chừng chỉ còn những “khoảng trống” cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư.

Khoảng trống sau cuộc mổ cắt khối u

Nói theo cách đơn giản, khi một bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ cần được phẫu thuật để cắt bỏ khối bướu, một khoảng trống lớn để lại có thể khiến họ mất đi hoàn toàn chức năng sống cơ bản.

Do đó, sau khi cắt bướu, bác sĩ Khôi sẽ lấy đi một vùng da hoặc xương nơi khác, lắp đầy vào khoảng trống đó. Sau đó, nối từng mạch máu để hai bộ phận tưởng chừng không liên quan này “sống” trở lại, phục hồi lại chức năng và thẩm mỹ cho người bệnh.

Ung thư đầu cổ vốn là thuật ngữ chỉ các là bệnh lý ung thư nằm ở vùng đầu và cổ, ngoại trừ não, bao gồm vùng mặt, da đầu, xoang cạnh mũi, hốc mũi, hốc miệng, hầu - thanh quản và các tuyến nước bọt. Đây là ngành chuyên biệt và phức tạp nhất trong bệnh lý phẫu thuật đầu cổ mà không phải bác sĩ nào cũng kiên trì theo đuổi.

Bác sĩ Khôi đã lấy vùng da khác để lắp đầy khuyết hổng trong thành họng bé Như, giúp bệnh nhân ung thư 10 tuổi phục hồi chức năng nhai, nói. Ảnh: Bích Huệ.

“Giải phẫu ung thư đầu cổ luôn phức tạp, bởi những ca mổ mang tính chất tàn phá. Đôi khi, người bệnh buộc phải cắt cả chiếc mũi, cắt đi lưỡi, mắt, thanh quản, xương hàm, xương sọ. Do đó, một khi đã cắt đi, chắc chắn phải có biện pháp tái tạo bộ phận này cho bệnh nhân”, bác sĩ Khôi nói.

Tuy nhiên, trong những năm trước 2011, bệnh nhân ung thư đầu cổ mang khối bướu to, phức tạp không may mắn trải qua thêm cuộc vi phẫu “vá” lại cuộc đời như thế. Biện pháp duy nhất cho họ là xạ trị tạm thời để duy trì sự sống ít ỏi.

Xương hàm từ xương mác, chiếc lưỡi từ da tay

Những năm 2008, khi cùng đàn anh tất bật cả ngày trong phòng mổ, bác sĩ nội trú Nguyễn Anh Khôi không ngừng băn khoăn về vấn đề tái tạo để thay thế các bộ phận buộc phải cắt đi của người bệnh ung thư.

Hy vọng ngày một lớn dần, đến năm 2010, bác sĩ Khôi mạnh dạn xin phép lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cùng TS Bùi Xuân Trường (nguyên Trưởng khoa) sang Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM học vi phẫu.

Tuy nhiên, bệnh viện bạn không có những ca vi phẫu vùng đầu cổ. Tất cả kỹ thuật được học dừng lại ở kiến thức vỡ lòng.

Bác sĩ Khôi tiếp tục tìm y văn, gửi email trao đổi với chuyên gia nước ngoài. Từng có thời điểm, ông bỏ ra 650 USD để mua một tài liệu của Mỹ, số tiền bằng cả tháng lương bác sĩ.

Năm 2011, cậu bé 14 tuổi, bị nghịch sản sợi khiến toàn bộ xương hàm biến thành mô sợi, là ca đầu tiên bước lên bàn mổ với kỹ thuật mới.

“Sau khi cắt khối bướu, chúng tôi lấy xương mác dưới chân để tạo hình lại xương hàm cho đứa bé. Nhờ thao tác này, gương mặt bé trai gần như trở lại ban đầu. Cảm xúc không diễn tả thành lời, bởi đó là niềm vui bác sĩ ngoại ung thư chưa bao giờ tưởng tượng được”, bác sĩ Khôi kể lại.

TS.BS Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ - Hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: Bích Huệ.

Ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ này cũng chính thức mở ra chặng đường tươi sáng và hy vọng tái sinh gương mặt cho những bệnh nhân ung thư đầu cổ.

Sau thành công của những trường hợp tạo hình xương hàm, tái tạo lưỡi tiếp tục được nghiên cứu. Ban đầu là tạo hình cho người bệnh bị cắt nửa lưỡi, sau đó ghép toàn bộ chiếc lưỡi mới.

Năm 2012, người đàn ông 45 tuổi đến bệnh viện với khối ung thư lưỡi to tướng. Khối bướu ăn đến gần sát mạch máu lên nuôi não. Lựa chọn tốt nhất là lúc này cắt gần toàn bộ lưỡi của người bệnh.

“Chúng tôi dùng vạt da cẳng tay để thay thế lưỡi. Tết năm nay, tức sau 12 năm phẫu thuật, anh ấy gọi chúc Tết tôi và vẫn tiếp tục làm giáo viên tiếng Anh. Người bình thường khi nghe tiếng, chắc chắn không nhận ra bệnh nhân này đang dùng chiếc lưỡi phiên bản từ da thịt ở cẳng tay", bác sĩ Khôi vui vẻ nói.

Nơi phẫu thuật ung thư đầu cổ lớn nhất phía nam

Năm 2017, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM áp dụng công nghệ 3D trong tái tạo xương hàm cho người bệnh ung thư.

Chiếc xương định hình bằng hợp kim titan được in ra từ bản vẽ, được phác thảo với sự góp sức của bác sĩ Bệnh viện Ung bướu và các chuyên gia 3D của Australia.

Bản vẽ được thiết kế riêng cho từng người bệnh này đã mở ra cơ hội tối ưu hóa chức năng và thẩm mỹ sau tái tạo của người. Đây cũng là một trong những nơi đầu tiên trên thế giới có thể thực hiện được kỹ thuật này.

Từ khi áp dụng thành công kỹ thuật mới, khoa Ngoại đầu cổ - Hàm mặt trở thành nơi tiếp nhận hầu hết ca ung thư đầu cổ cần được tái tạo bằng kỹ thuật vi phẫu ở khu vực phía nam.

Mỗi ngày, khoa Ngoại đầu cổ - Hàm mặt tiếp nhận 2-3 trường hợp nặng cần đại phẫu, siêu phẫu. Ảnh: Quỳnh Danh.

Mỗi tháng, đơn vị này tiếp nhận khoảng 250 bệnh nhân mới, trong đó, có đến 50-60 ca trong tuần phải phẫu thuật. Trung bình mỗi ngày 2-3 ca nặng cần đại phẫu, thậm chí siêu phẫu. Khoảng 150 trường hợp được tái tạo vi phẫu mỗi năm. Con số này tương đương trung tâm tái tạo lớn ở New York (Mỹ).

“Cắt khối bướu đã là một sự giải thoát khỏi đau đớn cho người bệnh ung thư, tái tạo song song đó giúp giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, phục hồi chức năng và thẩm mỹ tốt nhất cho người bệnh”, ông nói thêm.

Chi phí cho một ca phẫu thuật ung thư đầu cổ dao động không quá 20 triệu đồng, gần như không thu thêm tiền đối với những ca tái tạo hay vi phẫu. Ở nước ngoài, mức phí này có thể lên đến hàng tỷ đồng.

“Nhưng chúng tôi cam đoan đang làm rất tốt kỹ thuật này, tỷ lệ thành công cho lần mổ đầu tiên là 98%”, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi tự hào nói.

Từ một bác sĩ dám bỏ ra một tháng lương để mua tài liệu học, hiện tại, bác sĩ Khôi vẫn miệt mài với những ca phẫu thuật - tái tạo khó, nhận thù lao 400.000 đồng cho một trường hợp tái tạo vi phẫu. Bên cạnh đó, ông cũng là giảng viên tâm huyết với đào tạo thế hệ phẫu thuật viên tái tạo đầu cổ trẻ.

Năm 2018, bài báo đầu tiên của bác sĩ khoa Ngoại đầu cổ - Hàm mặt được đăng tải trên tạp chí y khoa thuộc NXB Elsevier. Đến nay, ông có tổng cộng 9 bài báo được đăng tải, thành quả mới nhất là “Mười hai năm thiết lập chiến lược tái tạo lưỡi cho bệnh nhân ung thư”. Con số này dự kiến chưa dừng lại.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bac-si-bien-hoa-xuong-chan-thanh-xuong-ham-chiec-luoi-tu-da-tay-post1406044.html