Bác sĩ điều trị vô sinh, hiếm muộn: 'Nếu còn trứng, còn tinh trùng thì không lý gì không có con cả'

'Những ca cứ đặt cược vào lần đó, lúc nào cũng mang tâm trạng lo lắng, dừng hết mọi công việc, chỉ nằm ở nhà thì dễ bị hỏng còn những ca có tinh thần lạc quan, đi làm bình thường thì lại dễ thành công...'

Bắt xe từ tỉnh Ninh Bình tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, vợ chồng anh Nam tìm tới khoa Hỗ trợ sinh sản để tự cho mình thêm cơ hội được làm cha, làm mẹ.

Đã 10 năm nay, anh chị chạy chữa khắp nơi bằng cách uống thuốc với số tiền mà anh chồng bảo “Có khi quá cả số tiền 70 triệu đồng thụ tinh trong ống nghiệm, chả cái dại nào bằng cái dại nào”.

Năm nay chị 41 tuổi còn anh đã 50 tuổi. Sau 4 năm chào đón sự ra đời của cậu con trai, anh chị muốn sinh thêm đứa nữa. Tuy nhiên, trong 10 năm nay, đáp lại sự mong mỏi đó của anh chị chỉ là nỗi thất vọng tràn trề.

“Tôi đi khám và dùng thuốc ở nhiều nơi nhưng vẫn thấy chưa có con. Đã 10 năm rồi! Hôm nay, tôi và chồng tới đây để khám và lắng nghe lời tư vấn của bác sĩ”, vợ anh Nam tâm sự.

- Em đi khám bác sĩ bảo buồng trứng không làm sao cả mà không hiểu sao lại không có con!

- Không làm sao không có nghĩa là mình không làm gì cả. Không làm sao tức là mình có cơ hội có con…

Vợ chồng anh Nam chỉ là một trong nhiều cặp vợ chồng tìm tới Khoa Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với khao khát được làm bố, làm mẹ.

Hơn 12 năm đồng hành với các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, BS CKII Phạm Thúy Nga chia sẻ Gia Đình Mới về những trăn trở, niềm vui, nỗi buồn của những người khát khao được làm cha mẹ.

Là trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, bà đánh giá như thế nào về thực trạng vô sinh, hiếm muộn ở Việt Nam hiện nay?

- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo: vô sinh và hiếm muộn là vấn đề lớn thứ 3 của ngành y tế, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21 và căn bệnh này dần trở nên phổ biến ở các nước Châu Á trong đó có Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Y tế thì tỷ lệ vô sinh hiếm muộn chiếm 7-10%, tương đương với 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Đáng báo động, 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30; 7,7% là tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

Bà có thể cho biết tỷ lệ vô sinh ở nam giới và nữ giới? Nguyên nhân nào gây nên tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở hai giới?

- Ngày nay, nhờ những tiến bộ khoa học, nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn dần được làm rõ. Trong đó các nhà khoa học thấy rằng tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở nam và nữ ngang nhau (tỷ lệ là: 40% – 40%), 10% là nguyên nhân kết hợp vô sinh do cả vợ và chồng, còn lại 10% là vô sinh không rõ nguyên nhân.

Đối với nữ giới, những nguyên nhân có thể kể đến do vòi tử cung, buồng tử cung, rối loạn phóng noãn, viêm nhiễm âm đạo, lạc nội mạc tử cung…

Còn với nam giới, người chồng có thể bị bất thường về chất và số lượng tinh trùng, thiếu hụt nội tiết, tắc ống dẫn tinh, khó xuất tinh, xuất tinh sớm hoặc ngược dòng…

Có nhiều nguyên nhân gây vô sinh nam, tất cả đều dẫn đến một trong 3 tình trạng sau: giảm số lượng tinh trùng, giảm khả năng vận động của tinh trùng và giảm khả năng thụ tinh cho noãn. Mới đây, nhiều nguyên nhân gây vô sinh rơi vào trường hợp tinh trùng bị đứt gãy ADN.

Bà nhắc tới nguyên nhân tinh trùng của chồng bị đứt gãy ADN. Bà có thể giải thích rõ hơn về điều này?

- Các nguyên nhân gây đứt gãy ADN tinh trùng gồm: nguyên nhân tại hệ sinh dục nam (nhiễm trùng tuyến sinh dục, tinh trùng ở lâu trong mào tinh và ống dẫn tinh,…), yếu tố môi trường, lối sống (thuốc lá, môi trường và phóng xạ), bệnh hệ thống (đái tháo đường, ung thư, nhiễm trùng toàn thân).

Đặc biệt, chúng tôi gặp nhiều trường hợp đàn ông bị đứt gãy ADN tinh trùng làm giảm khả năng thụ tinh, giảm chất lượng phôi thai, từ đó làm giảm hiệu quả điều trị vô sinh.

Vậy, với trường hợp tinh trùng của chồng bị đứt gãy ADN, khả năng có con của họ như thế nào, thưa bà?

- Với trường hợp tinh trùng bị đứt gãy ADN, các cặp vợ chồng vẫn có thể có con. Tuy nhiên, người chồng cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để tăng cường sức khỏe tổng thể, tăng khả năng sinh sản.

Trong ăn uống, người chồng nên chú ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là kẽm (có nhiều trong hàu, thịt bò), uống acid folic liều 1 – 5mg, vitamin C (có nhiều trong cam, bưởi), vitamin E (rau cải xanh, hạnh nhân, bơ, hạt dẻ), Coenzyme Q10 (có trong dầu cá, như cá hồi, cá ngừ).

Những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn tìm tới Khoa Hỗ trợ Sinh sản trong tâm trạng như thế nào?

- Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn còn e ngại, trì hoãn điều trị hoặc không đủ thông tin để xác định mình cần phải điều trị. Ngoài ra, các cặp vợ chồng trẻ chưa có thói quen khám sức khỏe trước khi kết hôn để tầm soát vô sinh, hiếm muộn.

Khi đã kết hôn được một thời gian mà thấy chưa có bầu trong khi mọi sinh hoạt đều bình thường, họ mới chạy chữa. Khao khát một ngày được làm bố, làm mẹ thúc giục họ tìm tới chúng tôi để can thiệp. Để từ đó, tỷ lệ thành công khi can thiệp sẽ cao hơn.

Bà chia sẻ, nhiều cặp vợ chồng không đủ thông tin để xác định mình cần phải điều trị. Vậy thì, lời khuyên cho những cặp vợ chồng đó là gì, thưa bác sĩ?

- Các cặp vợ chồng dưới 35 tuổi, đang muốn có con, không sử dụng các biện pháp tránh thai mà không có thai trong vòng 1 năm; hoặc cặp vợ chồng hơn 35 tuổi, cố gắng có con trong 6 tháng mà chưa có thì nên sớm nhận ra tình trạng của mình, đến các cơ sở chuyên khoa về vô sinh, hiếm muộn để được khám và tư vấn.

Nhìn họ như vậy, bà cảm thấy thế nào?

- Mỗi lần đồng hành với các cặp vợ chồng từ khi họ tìm tới chúng tôi trong sự âu lo xen lẫn hy vọng, họ trao gửi niềm tin tới chúng tôi, cả quá trình hồi hộp chờ tin, rồi nghe tiếng khóc đứa trẻ chào đời là những hành trình đáng nhớ trong cuộc đời của tôi.

Bệnh nhân đã bỏ ra một số tiền không nhỏ, khoảng 50 – 70 triệu, đặc biệt những người ở nơi khác đến, nhà có bao nhiêu tiền của cũng mang đi hết, chỉ mong cầu số phận mỉm cười với mình. Nhìn vào họ, tôi tự nhủ phải làm tốt nhất có thể để tìm ra phương pháp hỗ trợ hiệu quả nhất giúp họ hoàn thành giấc mơ.

4 năm làm việc tại Khoa đẻ và hơn 12 năm làm việc tại Khoa Hỗ trợ sinh sản, bà có thấy khác biệt nhiều không?

- Mỗi khoa lại có những công việc hoàn toàn khác nhau. Nếu khi làm việc tại Khoa đẻ, tôi theo dõi sản phụ chuyển dạ, làm công việc đỡ đẻ để làm sao đảm bảo an toàn cho mẹ con còn khi chữa vô sinh, hiếm muộn cho các cặp vợ chồng, công việc lại kéo dài trong nhiều năm.

Dù làm việc tại Khoa đẻ hay Khoa Hỗ trợ sinh sản thì niềm vui của tôi vẫn là khi nhìn những đứa trẻ chào đời. Chỉ khác, khi làm việc tại Khoa Hỗ trợ sinh sản, tôi đỡ chính “tác phẩm” của mình.

Tôi có cảm giác mình làm được nhiều hơn tại nơi đây, khi mà tôi chăm chút cho họ từ lúc họ đang mong mỏi có con, thất vọng trước những lần phôi không thành, rồi lại nuôi dưỡng hy vọng, rồi có mầm sống lớn lên trong cơ thể người mẹ và cuối cùng vỡ òa trong niệm hạnh phúc.

Công việc này rất ý nghĩa với tôi. Tôi muốn làm được nhiều hơn nữa, giúp được nhiều hơn những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Trong thâm tâm mình, tôi chỉ muốn tạo ra chứ không muốn bỏ một sinh linh bé bỏng nào cả.

Như vậy, niềm vui tại Khoa Hỗ trợ sinh sản khó kiếm tìm hơn?

- Mỗi lần nhân tin bệnh nhân có bầu, chúng tôi vui lắm! Niềm vui của chúng tôi được nhân lên khi chứng kiến và cảm nhận được niềm hạnh phúc của các cặp vợ chồng đó.

Thậm chí, khi que thử thai lên 2 vạch, họ còn không ngủ được, chỉ chờ đến trời sáng để tới bệnh viện xác nhận chính xác. Niềm vui đó cũng được lan tỏa sang các cặp vợ chồng khác.

Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở nam và nữ ngang nhau (tỷ lệ là: 40% – 40%), 10% là nguyên nhân kết hợp vô sinh do cả vợ và chồng, còn lại 10% là vô sinh không rõ nguyên nhân.

Bà có thế chia sẻ một vài câu chuyện khiến bà nhớ mãi?

- Tôi nhớ tới trường hợp một bệnh nhân nữ kiên trì làm mấy lần mới có thai. Lần đầu tiên, sau khi trứng và tinh trùng được thụ tinh, phôi được chuyển vào cơ thể bạn ấy nhưng kết quả không có thai. Lần thứ hai, vẫn không có thai.

Đến lần thứ 3, trong thời gian hồi hộp đợi kết quả, hơn 11h đêm, bệnh nhân gọi điện cho tôi, khóc trong sự tuyệt vọng: “Cháu chỉ còn đúng 3 phôi. Nếu lần này không được nữa thì có lẽ cháu sẽ dừng lại vì cháu không có tiền. Kinh tế của cả gia đình cháu chỉ trông chờ vào mỗi cháu thôi”.

Nghe những gì bạn ấy nói, tôi thấy mình có lỗi. Tôi động viên bạn ấy giữ vững tinh thần. Cuối cùng, bệnh nhân mang song thai. Bây giờ, bạn ấy có hai đứa con hơn 1 tuổi rất kháu khỉnh.

Hoặc có bệnh nhân chạy chữa trong thời gian dài đến khi có thai rồi thì lại bị chửa ngoài hai lần rồi mới thành. Đó cũng là bệnh nhân lâu nhất tại khoa tôi, khoảng 12-13 năm.

Những tin vui như vậy được lan tỏa như thế nào?

- Như là việc trong một ngày, tôi nhận được tin vui từ 3 bệnh nhân đều có thai. Tôi đứng lặng lẽ quan sát 3 bệnh nhân nói cười rôm rả với nhau. Tôi cảm giác, phải rất lâu rồi các bạn ấy mới đón nhận một điều gì vui như vậy.

Tôi nhìn họ di chuyển trong sự hân hoan của những ngày đầu có một mầm sống đang lớn lên trong chính cơ thể mình – điều mà bấy lâu nay họ ao ước. Bình thường họ đi đứng nhanh nhẹn bao nhiêu thì bỗng nhiên lại nhẹ nhàng, nâng niu bấy nhiêu.

Thế còn những nỗi buồn thì sao, thưa bà?

- Có thể nói khoảnh khắc khó khăn nhất với chúng tôi là khi thông báo kết quả họ không có thai. Bệnh nhân đau khổ, tuyệt vọng, buồn nhưng họ chỉ im lặng. Một không khí nặng nề bao trùm.

Những lúc như vậy, chúng tôi động viên bệnh nhân tiếp tục đi tiếp hành trình gian nan này. Việc lấy lại niềm tin và động lực cho bệnh nhân là điều khó khăn với chúng tôi. Tôi nghĩ, chỉ có cách động viên họ bằng chuyên môn thôi chứ động viên suông thì rất khó để vực họ dậy. Rất may, bệnh nhân cũng là những người nghe theo lời khuyên của chúng tôi.

Với những cặp vợ chồng vì lý do nào đó mà phải bỏ cuộc thì thật sự đáng tiếc. Kỹ thuật tốt lên nhiều, tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công ngày càng tăng. Với những người không có biểu hiện bất thường về di chuyền, sàng lọc phôi bình thường thì tỷ lệ thành công lên đến khoảng 70%.

Tính trên tổng số bệnh nhân tại khoa, kết quả thụ thai trong ống nghiệm thành công chiếm khoảng 50%. Tôi nghĩ đó không phải là một con số nhỏ.

“Nếu bạn còn trứng, chồng bạn còn tinh trùng thì không lý gì bạn không có con cả. Vấn đề là bạn có đi đến cùng hay không? Sự may mắn có thể chưa đến với bạn lúc này nhưng cũng đừng quá đau buồn mà hãy lạc quan lên. Lần này chưa thành công thì lần sau mình chọn lựa tốt hơn nữa đến khi nào làm được thì thôi”. Tôi hay nói với các cặp vợ chồng như vậy.

Sự thay đổi nhận thức về việc thụ tinh trong ống nghiệm đã thay đổi như thế nào, thưa bác sĩ?

- Nhận thức của mọi người hiện nay cũng văn minh hơn trước rất nhiều. Nếu như trước đây, bệnh nhân có tinh trùng yếu quá, hai vòi trứng tắc quá thì chúng tôi chỉ định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thì bây giờ có nhiều cặp vợ chồng chủ động đề nghị làm thụ tinh trong ống nghiệm, đặc biệt là những cặp vợ chồng lớn tuổi.

Trước đây, nhiều người phụ nữ gắn mình vào suy nghĩ cố hữu “Cây độc không trái. Gái độc không con” mà quá mặc cảm vì bị hiếm muộn, vô sinh và sợ điều tiếng từ những người xung quanh nên họ giữ kín việc đi khám bệnh. Còn bệnh nhân nam, khi nghe kết quả tinh trùng yếu, họ ngạc nhiên “Thế á!”, “Tại sao lại thế?”… Nhưng bây giờ họ đã chấp nhận, cởi mở hơn và lắng nghe chúng tôi giải thích, tư vấn.

Cách đây 5-7 năm, cứ chồng đến trước khám xong xuôi rồi vợ mới đến khám sau hoặc ngược lại. Bây giờ thì các cặp vợ chồng đã đi khám cùng nhau. Điều này giúp khâu tư vấn, đưa ra phương pháp điều trị hợp lý được tiến hành dễ dàng hơn.

Ví dụ mới đây, tôi tư vấn cho một cặp vợ chồng trong không khí rất thoải mái. Tinh trùng của chồng yếu, anh ấy quay sang nói với vợ “Tại anh!” nhưng vợ lại động viên chồng “Không phải do anh đâu, anh đã rất cố gắng rồi!”…

Vai trò của sự thống nhất của hai vợ chồng trên hành trình này như thế nào?

- Sự thống nhất và đồng hành của hai vợ chồng vô cùng quan trọng, vì phải có trứng của vợ, tinh trùng của chồng thì chúng tôi mới có thể thực hiện được. Trong quá trình tư vấn, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp hai vợ chồng không thống nhất được quan điểm để đưa ra quyết định.

Chúng tôi khuyên nên có mặt cả hai vợ chồng khi đi khám và điều trị, vì đây là lúc cả hai cùng cần được bác sĩ tư vấn và giải thích mọi vấn đề liên quan. Việc điều trị thành công phần lớn sẽ đạt được ở những cặp vợ chồng đồng tâm nhất trí, luôn hỗ trợ động viên nhau và kiên trì điều trị.

Theo bà, điều gì khiến họ chưa thống nhất được?

- Hơn 12 năm làm việc tại đây, tôi thấy người quyết định có thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm hay không phần lớn là đàn ông. Để làm thụ tinh ống nghiệm, cả người chồng và người vợ đều phải trải qua một thời gian làm các xét nghiệm rồi mới lấy trứng và tinh trùng để cấy ghép phôi.

Nhiều ông chồng lo lắng việc cấy nhầm lẫn tinh trùng, sợ chúng tôi can thiệp vào tinh trùng. Nhưng thực ra, tinh trùng của ai cũng có có mã vạch đầy đủ. Chúng tôi bỏ đi các chất cặn bã, lọc đi những con tinh trùng yếu, xấu, chết, chỉ còn toàn con tốt, cô đặc lại trong một thể tích rất nhỏ để bơm vào để nâng cao tỷ lệ thành công.

Dù nguyên nhân do ai thì vợ chồng vẫn cần phải có sự đồng tâm nhất trí, sự cảm thông tối đa của người bạn đời trong hành trình này.

Bà chia sẻ, phần lớn quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm là người đàn ông. Có phải, người phụ nữ chịu nhiều áp lực hơn nên họ nhanh chóng đồng ý?

- Phụ nữ bao giờ cũng bị tâm lý hơn đàn ông trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Chúng tôi chưa có thống kê nào đánh giá sự lo lắng của vợ chồng ảnh hưởng tới cuộc chuyển phôi nhưng theo kinh nghiệm của tôi, với những ca cứ đặt cược vào lần đó, lúc nào cũng mang tâm trạng lo lắng, dừng hết mọi công việc, chỉ nằm ở nhà thì dễ bị hỏng còn những ca có tinh thần lạc quan, đi làm bình thường thì lại dễ thành công.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/bac-si-dieu-tri-vo-sinh-hiem-muon-neu-con-trung-con-tinh-trung-thi-khong-ly-gi-khong-co-con-ca-d7032.html