Bác sĩ giả

Tôi đã xem rất kỹ đoạn video y sĩ Hiền ở Hưng Yên thực hiện thủ thuật nong tách bao quy đầu cho một cháu bé.

Tôi cũng xem kỹ video y sĩ Hiền trả lời các nhà báo, xem cả đoạn các ông bố bà mẹ tố “bác sĩ” Hiền, đọc hết các bài viết liên quan đến vụ việc. Đó là một vụ việc kiến tôi đau lòng và phẫn nộ.

Là một bác sĩ đã từng làm ngoại khoa tiết niệu, từng khám và xử trí không ít trẻ bị hẹp bao quy đầu, tôi thấy việc làm của y sĩ Hiền là không thể chấp nhận được. Nhưng tôi cũng muốn nhắc nhở các ông bố bà mẹ đã mang con đến “bác sĩ” Hiền, rằng chúng ta đang sống ở thời điểm năm 2017, chứ không phải là năm 1917.

Da bao quy đầu, nó cũng giống như hầu hết các bộ phận khác trên cơ thể, sinh ra để đảm nhiệm những chức năng rất quan trọng, như bảo vệ quy đầu, tăng nhạy cảm tình dục, tăng kích thích trong quá trình giao hợp. Bởi vậy mà việc cắt bao quy đầu là không cần thiết, chỉ cắt trong một số trường hợp rất hiếm, khi bác sĩ không thể bảo tồn.

Vậy tại sao lại có phong trào cắt da bao quy đầu như cắt tóc?

Hãy nghe một bà mẹ có con 3 tháng tuổi kể lại với báo chí. Chị thấy hàng xóm đưa con đến “bác sĩ” Hiền, nên cũng sốt ruột và nhờ sang khám giúp. Sau khi nghe hàng xóm kết luận bé cũng bị hẹp bao quy đầu, người mẹ trẻ tuy lo lắng nhưng vẫn muốn đợi con lớn thêm chút nữa. Vậy mà, chỉ tại mọi người xung quanh cứ “nói ra nói vào”, nên chị sốt ruột quá, phải đưa con đến gặp ngay “bác sĩ” Hiền. Kết quả là con chị đã phải đi viện 15 lần để điều trị sùi mào gà, đến nay vẫn chưa biết khi nào mới ổn.

Những đứa trẻ mang bệnh sùi mào gà ấy có thể khổ suốt đời, khổ cho cả vợ con. Khi nghĩ đến điều đó, cảm giác phẫn nộ trào lên trong tôi.

Làm bác sĩ, tôi đã gặp không ít bệnh nhân như thế. Họ là những người thích nghe lời đồn thối, xem nhẹ bản thân, không biết lắng nghe lời khuyên từ người có chuyên môn, mê tín dị đoan, tin vào thầy mo chứ không tin bác sĩ, chấp nhận uống bùa ngải chứ không chịu uống thuốc.

Mấy tháng trước, tôi gặp một bệnh nhân bị u tế bào khổng lồ cánh tay. Bệnh nhân đã đi viện, bác sĩ chỉ định mổ sớm sẽ ổn. Nhưng ông bố không nghe, về đi đắp bã thuốc ông lang ở tận trên dân tộc. Đúng 3 tháng sau, khi bệnh đã trở nặng ông bố mới đưa con quay lại bệnh viện, bác sĩ chỉ định tháo khớp vai mà chưa chưa chắc đã cứu được tính mạng.

Có một nguyên nhân quan trọng khác, là giá cả khám chữa bệnh cao hơn mức thu nhập của nhiều hộ gia đình khó khăn, làm cho họ có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho sức khỏe. Cùng với đó, là vấn đề chuyên môn của y tế tuyến dưới chưa tạo được niềm tin, nếu tự bỏ lên tuyến trên sẽ phải chấp nhận chi phí rất tốn kém. Vì thế mà hầu hết những người nghèo khi bị ốm, họ sẽ chọn cách lao thẳng đến những người hành nghề khám chữa bệnh chui, thậm chí biết họ là y sĩ tự phong “bác sĩ” nhưng vẫn nhắm mắt cho qua. Họ sẽ tự an ủi động viên, rằng bệnh chưa đến mức phải gặp bác sĩ.

Tôi đã đi nhiều cơ sở y tế ở các miền quê, các thị trấn, thị xã, cho đến các thành phố. Những nơi tôi đến, nếu là y tế tuyến dưới thì chuyên môn không đảm bảo, ở tuyến trên thì người bệnh thiếu kiên nhẫn vì quá tải nên không thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu. Y tế tư nhân đã thay thế khoảng trống ấy, phòng khám tư luôn biết cách lấp đầy những mong muốn của người bệnh.

Nhưng tôi quan sát và gặp gỡ, trong số những nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân, sẽ có rất nhiều thứ hoàn toàn không có thật. Có những người chỉ làm y sĩ nhưng lại tự xưng là bác sĩ, trong khi họ không được đào tạo, thậm chí là sử dụng bằng cấp giả để ngang nhiên khám chữa bệnh thay vì phải khám chui. Rồi lại có những phòng khám lấy tên bác sĩ hẳn hoi, nhưng người ngồi khám và kê đơn chỉ là y tá hay kỹ thuật viên, mà những kiến thức họ học dù có giỏi đến mấy cũng không thể áp dụng được vào khám bệnh.

Không thể có thống kê cho “bác sĩ giả mạo”. Nhưng tôi tin họ không ít, đặc biệt ở các địa phương xa trung tâm. Đó là những người tàn nhẫn vô minh, lợi dụng sự tin tưởng của bệnh nhân theo cách nào đó, như khai thác những hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sự nhút nhát, tình trạng bệnh tật hay sự tuyệt vọng; để họ có thể dễ dàng thực hiện khám chữa bệnh như một chuyên gia.

Vai trò thanh kiểm tra của chính quyền, để kiểm soát “bác sĩ giả”, tất nhiên phải được đặt ra trước những sự việc như 37 đứa trẻ nhiễm bệnh ở Hưng Yên. Nhưng chính quyền không thể bao phủ hết mọi hoạt động của đời sống, khi mà “bác sĩ giả” được cộng hưởng bởi thói quen tùy tiện khi khám chữa bệnh của nhiều người Việt Nam.

Bác sĩ giả mạo, hay bệnh nhân với niềm tin mù quáng, đều nguy hiểm ngang nhau. Tôi không tin ai dám bước lên một chiếc máy bay mà người phi công không có bằng lái. Nhưng tôi thấy quá nhiều người trao số mệnh cho những “bác sĩ giả” không có chuyên môn.

Cho dù đào tạo bác sĩ tốn thời gian và công sức gấp nhiều lần đào tạo một phi công.

Theo VnExpress

Nguồn ANTT: http://antt.vn/bac-si-gia-203048.htm