Bác sĩ kể phút 'báo động xin máu hiếm' cứu sống sản phụ trong cơn thập tử nhất sinh

Sau bốn ngày được cấp cứu do biến chứng băng huyết ồ ạt sau sinh, sức khỏe sản phụ P.T.X.T (34 tuổi, ngụ Bến Tre) đã ổn định, có thể trò chuyện về cuộc vượt cạn thập tử nhất sinh của mình.

Sản phụ kể, hai vợ chồng có con đầu lòng đến nay đã 14 tuổi, thời điểm đó chị sinh nở bình thường nên không hề hay biết mình mang loại máu hiếm AB/Rh-. Lần mang thai thứ 2 thì bác sĩ thông báo tình trạng này, căn dặn cẩn thận phải khám thai định kỳ để có hướng xử lý phù hợp, khi nào chuyển dạ sẽ chuyển tới bệnh viện có máu hiếm để sinh đề phòng bất trắc.

Ngày 1/11, chị T. đau bụng, có dấu hiệu chuyển dạ nên chồng vội đưa tới bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre). Bác sĩ nhận định trường hợp của sản phụ này có khả năng bị băng huyết sau sinh rất cao, sản phụ lại thuộc nhóm máu hiếm trong khi bệnh viện không có để truyền.

Các bác sĩ cấp cứu sản phụ T. mang nhóm máu hiếm bị băng huyết sau sinh

“Đáng lẽ tôi phải nhập viện trước khi dự sinh để được khám và chuyển tuyến tới bệnh viện có nhóm máu hiếm nhưng vì hai vợ chồng chủ quan. Lúc được đưa vào bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, cửa mình mở 7 phân, không thể chuyển viện nên bác sĩ quyết định đỡ đẻ tại đây”, chị T. nhớ lại.

Sản phụ này sinh được bé gái nặng 3kg, khỏe mạnh nhưng ngay sau đó chị T. bị băng huyết, máu chảy rất nhiều. Do đã tiên lượng được tình hình, bác sĩ tiến hành cầm máu tạm thời và khẩn trương chuyển bệnh nhân lên bệnh viện Từ Dũ cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng - Quyền trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp bệnh viện Từ Dũ cho biết, chiều 1/11, Khoa Gây mê – Hồi sức bệnh viện Từ Dũ đã tiếp nhận sản phụ T. trong tình trạng nguy kịch, thiếu khối lượng tuần hoàn máu do không có máu bù, mạch và huyết áp gần như không đo được. Ngay lập tức, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào phòng mổ của khoa Gây mê - Hồi sức.

Toàn bộ nhân viên của khoa này lập tức được huy động cấp cứu cho sản phụ. Các bác sĩ lập tức sử dụng nhiều biện pháp cấp cứu và báo động xin máu đồng thời mời các bác sĩ Tim mạch, Huyết học cùng hội chẩn, cấp cứu cho bệnh nhân.

Sau 35 phút hồi sức tích cực, sử dụng thuốc vận mạch liều cao, sử dụng một đơn vị máu 350ml đầu tiên và 4 đơn vị kết tủa lạnh từ sự hỗ trợ khẩn cấp của Ngân hàng máu bệnh viện Từ Dũ, bệnh nhân được cấp cứu qua cơn nguy kịch. Đến tối cùng ngày, sản phụ T. tiếp xúc được qua ánh mắt và tự thở tốt sau khi rút nội khí quản.

Sản phụ T. đã ổn định sức khỏe, gửi lời cảm ơn các y bác sĩ

Bác sĩ Lê Minh Hoài An - Trưởng khoa xét nghiệm bệnh viện Từ Dũ nhớ lại: “Chúng tôi đã tiến hành sử dụng bịch máu tươi với 350 ml và 4 chế phẩm từ máu dự trữ truyền khẩn cấp cho bệnh nhân. Cùng lúc này, bệnh viện liên hệ với các đơn vị có nguồn máu hiếm như bệnh viện Truyền máu - Huyết học và bệnh viện Chợ Rẫy để hỗ trợ thêm máu hiếm”

"Tôi xin cảm ơn các y bác sĩ bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, bệnh viện Từ Dũ và nhưng người hiến máu tình nguyện. Vợ tôi được cứu sống, con tôi vẫn còn mẹ.... Chân thành cảm ơn mọi người", anh Nguyễn Tiến Bảo, chồng chị T. xúc động nói.

Sản phụ có máu hiếm nên xử lý thế nào?

BS chuyên khoa II Lê Minh Hoài An - Trưởng Khoa Xét nghiệm bệnh viện Từ Dũ cho biết, mỗi tháng có khoảng 15 sản phụ nhóm máu hiếm đến sinh nở tại đây. Với phụ nữ thuộc nhóm máu hiếm khi mắc bệnh nói chung và khi mang thai nói riêng nên khám kiểm tra tầm soát sức khỏe, thai nhi đều đặn để được bác sĩ tư vấn. Khi sinh cần chủ động thời gian và tới những cơ sở y tế, bệnh viện có nguồn máu hiếm để dự phòng khi cần thiết.

Người có máu hiếm muốn tham gia cứu người có thể đăng ký tại bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM, các Hội Chữ thập đỏ để trở thành một "ngân hàng máu sống”. Do máu tươi không thể để quá lâu (chỉ khoảng 35 ngày), còn máu đông lạnh cần 2-4 giờ rã đông nên vai trò của các "ngân hàng máu sống" rất quan trọng. Khi có bệnh nhân có nhu cầu máu tại, bệnh viện sẽ liên hệ với ngân hàng máu cũng như các đơn vị khác có máu.

Tiến Đạt

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/bac-si-ke-phut-bao-dong-xin-mau-hiem-cuu-song-san-phu-trong-con-thap-tu-nhat-sinh-c2a301687.html