Bác sĩ kiêm thợ lặn Australia và chiến dịch giải cứu đội bóng nhí Thái Lan

Richard Harris, 53 tuổi, không chỉ là bác sĩ chuyên khoa gây mê mà còn là thợ lặn giỏi có hơn 30 năm kinh nghiệm trong giải cứu người bị nạn trong hang động. Trong chiến dịch giải cứu đội bóng đá thiếu niên Thái Lan, Richard Harris chính là người đóng vai trò chủ chốt.

Sau khi lặn vào hang tối Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai, Harris trực tiếp kiểm tra sức khỏe các thiếu niên đồng thời thảo ra kế hoạch giải cứu theo trình tự hợp lý - trong cuộc giải cứu đầu tiên, người sức khỏe yếu được ưu tiên đưa ra khỏi hang trước. Sau khi chiến dịch giải cứu thành công, bác sĩ Harris - cũng được gọi Harry - là người ra ngoài sau cùng. Nhưng, đó cũng là lúc Harris nhận được tin cha ông vừa mất.

Chính sự kết hợp hiếm hoi giữa kinh nghiệm trong lĩnh vực y khoa và kỹ năng lặn sâu mà bác sĩ Richard Harris, người Australia, trở thành "người được chọn" trong cuộc giải cứu thần kỳ đội bóng thiếu niên Thái Lan và huấn luyện viên ra khỏi hang Tham Luang trong thời gian vừa qua.

Bác sĩ Richard Harris.

Sau khi nhận được thông tin kêu gọi trợ giúp từ chính quyền Thái Lan, Richard Harris quyết định hủy bỏ kỳ nghỉ phép của mình tại nước này và tình nguyện tham gia chiến dịch giải cứu phức tạp. Harris nằm trong đội gồm 20 người Australia - bao gồm cả cảnh sát và người nhái hải quân - tham gia chiến dịch. Richard Harris gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm Không quân Australia (SAS) năm 1998 sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên khoa gây mê ở thành phố Adelaide (Australia) Anh và New Zealand.

Vào những năm sau đó, Harris tiếp tục hoàn thiện kỹ năng của mình, đặc biệt đối với kỹ thuật gây mê trong phẫu thuật lồng ngực và thần kinh. Không chỉ theo đuổi ngành y, Harris còn đam mê phiêu lưu mạo hiểm và chụp ảnh dưới nước. Harris làm việc trong Bệnh viện Cấp cứu và Phục hồi (MedSTAR) ở vị trí cố vấn ngành y học hàng không vũ trụ.

Harris đặc biệt quan tâm công việc chăm sóc y tế cho những bệnh nhân vùng hẻo lánh hay sống trong những môi trường khắc nghiệt. Harris làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) ở đảo quốc Thái Bình Dương Cộng hòa Vanuatu trong thời gian 2 năm, cung cấp các dịch vụ gây mê và chăm sóc tích cực nhằm hỗ trợ nước này phát triển hệ thống y khoa. Do đam mê khám phá thế giới ngầm dưới nước, Richard Harris có cơ hội hợp tác với mạng truyền hình Mỹ National Geographic để cung cấp nhiều phim tài liệu về hang động có giá trị.

Harris còn là thành viên Câu lạc bộ Những nhà thám hiểm ở thành phố New York (Mỹ) và mới đây được trao tặng giải thưởng của Australia cho "Những đóng góp nổi bật trong khám phá hang động". Trước khi tham gia chiến dịch ở Thái Lan, Harris từng thực hiện vài cuộc lặn thám hiểm sâu trong những hang động ở Australia, New Zealand, Christmas Island (vùng lãnh thổ của Australia nằm ở Ấn Độ Dương) và Trung Quốc.

Năm 2011, Richard Harris mạo hiểm tính mạng khi tìm kiếm thi thể nữ thợ lặn Agnes Milowka và cũng là bạn gái của ông. Khi thám hiểm hang động ngập nước Tank nằm gần ngọn núi Gambier ở Nam Australia, Agnes Milowkak bất ngờ bị hết dưỡng khí và bi kịch ập đến. Khi gặp nạn tử vong, nữ thợ lặn Milowka nhận đóng vai mạo hiểm cho bộ phim lặn sâu 3D tựa đề "Sanctum" của đạo diễn người Mỹ gốc Canada James Cameron.

Nữ thợ lặn Agnes Milowka.

Với kinh nghiệm lặn thám hiểm hang động trong hơn 30 năm, bác sĩ Richard Harris được quốc tế công nhận là "chuyên gia hàng đầu trong giải cứu hang động". Trong 2 năm 2011 và 2012, Richard Harris lãnh đạo nhóm thợ lặn Australia lập kỷ lục lặn sâu 194 và 221 mét trong những hang ngập nước lạnh giá khi tìm kiếm nguồn con sông Pearse ở New Zealand. Nhiệm vụ đòi hỏi nhóm thợ lặn phải được huấn luyện một loạt kỹ năng sống còn dưới nước lạnh gần độ đóng băng - trải nghiệm vô giá cho chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan kẹt trong hang Tham Luang.

Bác sĩ Michael Eaton, đồng nghiệp và bạn lâu năm của Harris, đánh giá tài năng của Harris là "không ai sánh nổi" trên thế giới. Eaton kể: "Tôi biết Harris từng giúp đỡ cứu nạn ở Trung Quốc vài lần, trong đó có 1 lần theo yêu cầu từ chính quyền nước này". Eaton cũng cho biết Harris là người "nhân từ" và "sâu sắc".

Trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop phát biểu đóng góp của nhóm thợ lặn Australia tham gia giải cứu đội bóng nhí ở Thái Lan cần được công nhận và khen thưởng. Tuy nhiên, Bishop còn nhấn mạnh thêm: "Đây là kết quả của nỗ lực mà trong đó bác sĩ Harris đóng vai trò rất quan trọng".

Ngày 11-7-2018, hàng trăm công dân mạng xã hội Australia đề nghị chính phủ trao tặng cho bác sĩ Richard Harris danh hiệu "Người Australia của năm" - danh hiệu cao quý nhất dành cho công dân ở Australia - vì những đóng góp vô cùng quan trọng của ông trong cuộc giải cứu ở Thái Lan.

Một tài khoản Twitter viết: "Bác sĩ Harris xứng đáng nhận danh hiệu "Người Australia của năm" vì đã thể hiện đúng tinh thần của đất nước". Một dòng tweet ca ngợi bác sĩ Richard Harris: "Không có ngôn từ nào có thể diễn tả nổi niềm tự hào của tôi đối với người đàn ông đã làm cho tôi cảm thấy mình là người Australia".

Thiên Minh (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/bac-si-kiem-tho-lan-australia-va-chien-dich-giai-cuu-doi-bong-nhi-thai-lan-501859/