Bác sĩ nhãn khoa: Dung dịch hạt na không khác gì hóa chất bắn vào mắt

'Nếu bệnh nhân bị dính dung dịch hạt na vào mắt mà không được xử lý và điều trị kịp thời bằng thuốc sẽ phải chịu tổn thương nặng nề'- BS Bùi Cẩm Hương khẳng định.

ThS.BS Bùi Cẩm Hương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội cho biết, rất nhiều bệnh nhân đến viện khám trong tình trạng mắt bị bỏng, bỏng mô giác mạc, giác mạc cương tụ, phù biểu mô…

Đây đều là những biểu hiện giống như mắt bị bỏng hóa chất, nhưng đến khi khai thác bệnh sử thì được biết bệnh nhân bị nước đun hạt na chảy vào mắt dẫn đến bị bỏng, tổn thương mắt.

Nước hạt na khi vào mắt có thể gây bỏng mắt, tổn thương mắt dẫn đến mù lòa. Ảnh minh họa

“Nhiều người dân ở các vùng quê vẫn còn giữ thói quen sử dụng hạt na rang, giã nhỏ và đun nước gội đầu để trị chấy, ngâm quần áo trị rận.

Trong lúc sử dụng sơ ý làm dung dịch hạt na dính vào mắt gây tổn thương mắt. Chất trong hạt na giống như chất kiềm, khi vào mắt sẽ làm cho mắt bị tổn thương.

Trong khi đó, đôi mắt của con người rất tinh vi và dễ bị tổn thương, bất kỳ một dung dịch gì vào mắt cũng có thể gây ra nhiều tác hại mà chúng ta không thể lường trước được.

Tổn thương nhẹ có thể là dị ứng gây ngứa mắt, đỏ mắt, nặng có thể gây tổn thương tổ chức của nhãn cầu, gây độc cho các tế bào ở sâu bên trong mắt dẫn đến hỏng mắt, mù mắt.

Dung dịch hạt na rớt vào mắt cũng giống như rớt hóa chất vào mắt. Mức độ bỏng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào: Thời gian dung dịch ở trong mắt (càng lâu bỏng càng nặng); Độ đậm đặc của dung dịch, đặc sẽ gây bỏng nặng, dung dịch pha loãng sẽ làm tổn thương nhẹ hơn; Tác dụng nhiều hay ít, nông hay sâu tới các protein.

Thông thường, nếu bệnh nhân bị dính dung dịch hạt na vào mắt, được xử lý và điều trị kịp thời bằng thuốc thì sẽ không gây nguy hại gì. Nhưng nếu bệnh nhân không đi thăm khám, tự ý điều trị bằng thuốc sẽ gây những hậu quả nặng nề.

(Ảnh minh họa)

Cách tốt nhất khi lỡ bị dung dịch hạt na dính vào mắt là kịp thời rửa mắt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, rửa càng nhiều càng tốt, không được dùng bất cứ vật gì dụi vào mắt. Người bệnh cũng cần tới bệnh viện cấp cứu và chữa trị kịp thời, đúng cách” – BS Cẩm Hương chia sẻ.

Và khi xảy ra các tổn thương ở mắt, đau mắt vì bất kỳ lý do gì, các bác sĩ nhãn khoa cũng khuyến cáo không được tự ý điều trị bằng mẹo, các biện pháp dân gian.

Bởi không ít trường hợp bệnh nhân phải vào viện điều trị vì biến chứng của việc tự chữa bệnh, tự ý nhỏ các dung dịch không rõ nguồn gốc vào mắt để điều trị bệnh.

Đến khi mắt bị tổn thương tăng nặng hơn, viêm nhiễm, đau rát, giảm thị lực… mới quay lại với bác sĩ nhãn khoa.

Với những trường hợp như vậy, tình trạng bệnh nhẹ và mới thì việc điều trị sẽ mất ít thời gian, khả năng phục hồi nhanh hơn. Nhưng với những trường hợp bị tổn thương nặng, mắt có thể không phục hồi, dẫn tới mù lòa vĩnh viễn.

L.Minh

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/bac-si-nhan-khoa-dung-dich-hat-na-khong-khac-gi-hoa-chat-ban-vao-mat-d12208.html