Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương 22 năm gắn bó với bệnh nhi ung thư: 'Cái chết không do con người tạo ra nhưng sự sống thì có thể'

'Nếu không đồng ý mất con, em có muốn đồng hành cùng chị giành giật cho bé từng ngày sống. Còn nếu xác định mất con thì mất trong tay em hay trong tay chị, mất ở nhà hay ở viện có khác gì nhau?'... là những lời tâm huyết BS Phạm Thị Việt Hương thuyết phục cha mẹ cho bệnh nhân nhi tiếp tục điêu trị.

Gần 4h chiều ở khoa Nhi bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều (Hà Nội), dù thời gian làm việc hành chính đã sắp hết nhưng TS - BS. Phạm Thị Việt Hương vẫn rất bận rộn. Ở khoa Nhi, không phải gia đình nào cũng xác định tinh thần chiến đấu ngay từ đầu. Có nhiều bậc cha mẹ, ngay sau khi bác sĩ thông báo tình hình hoặc thậm chí sắp đến ngày truyền hóa chất lại đổi ý, muốn đưa con về quê trị thuốc nam hoặc là nằm một chỗ chấp nhận cái chết.

Trong suy nghĩ của họ, ung thư đồng nghĩa với cái chết. Đó là căn bệnh vô phương cứu chữa.. Sớm muộn gì rồi đứa trẻ ấy cũng phải ra đi. Nếu vậy, chi bằng để con mất ở nhà, để con sống mà ít bị nỗi đau hóa chất, xạ trị dày vò sẽ tốt hơn. Có nhiều người nghĩ thế và khi đối diện với cách nghĩ ấy, BS Hương lại cảm thấy chạnh lòng xót xa.

22 năm gắn bó với bệnh nhi ung thư cũng là chừng ấy năm BS Hương nỗ lực từng ngày để cộng đồng hiểu rằng, ung thư không phải là cái chết và chúng ta chỉ chết nếu thực sự chấp nhận buông xuôi.

“Tôi đã thấy rất nhiều bệnh nhi sống khỏe hơn 10 năm sau khi điều trị ung thư”

BS Hương nói rằng, bây giờ những ai còn nghĩ ung thư đồng nghĩa với cái chết thì có lẽ họ vẫn còn lạc hậu và chưa có đầy đủ thông tin. Vì sự hạn chế ấy, họ đã tự nghiêm trọng hóa bệnh ung thư và có cái nhìn bi quan không đáng về nó. Có nhiều người, khi phát hiện bệnh, thay vì nghĩ đến chuyện đi bệnh viện điều trị lại chọn cách chấp nhận cái chết vì nghĩ, ung thư là một án tử treo trên đầu.

Thực tế, ung thư không phải là một bệnh mà là một tổ hợp của hơn 200 bệnh khác nhau, trong mỗi bệnh lại chia ra nhiều nhóm, mỗi nhóm có tiên lượng riêng. Điều đáng mừng là rất nhiều bệnh ung thư đến nay đã có thể chữa khỏi.

“Ví như u nguyên bào thần kinh, ung thư vú, dạ dày, đại - trực tràng, ung thư tuyến giáp… là những bệnh có thể chữa khỏi. Riêng bệnh ung thư tuyến giáp đang được đề xuất loại khỏi danh sách bệnh ung thư và xếp vào bệnh nội tiết.

“Ví như u nguyên bào thần kinh, ung thư vú, dạ dày, đại - trực tràng, ung thư tuyến giáp… là những bệnh có thể chữa khỏi. Riêng bệnh ung thư tuyến giáp đang được đề xuất loại khỏi danh sách bệnh ung thư và xếp vào bệnh nội tiết.

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã chứng minh, nhiều bệnh ung thư như u nguyên bào võng mạc tỷ lệ sống thêm 5 năm lên tới 95%, bệnh bạch cầu cấp ở trẻ em dòng lympho tỷ lệ sống 5 năm lên tới khoảng 98%, 5-10 năm là từ 85-90%.

22 năm học tập, nghiên cứu và làm việc trong linh vực điều trị bệnh ung thư, tôi nhận thấy nó giống như một bức tranh nhiều màu. Ở đó, màu đen của cái chết thật ra chỉ chiếm lĩnh một khoảng trống không nhiều. Phần lớn là có thể trị khỏi, đẩy lùi hoặc giảm thiểu. Những mảng màu ấy tôi gọi là màu vàng, đỏ và xanh của hy vọng. Nhiệm vụ của bác sĩ là phải thu hẹp khoảng màu đen đó ngày càng nhỏ lại”.

Bác sĩ Hương nói khi chị khẳng định “Ung thư không phải là án tử” thì đó chính là đúc kết, chiêm nghiệm qua cả công tác nghiên cứu lẫn những ca bệnh thực tế. Nhiều năm qua, tại khoa Nhi viện K Tân Triều đã có rất nhiều đứa trẻ được hồi sinh, ra viện 7 năm, 10 năm, 16 năm… Nghĩa là có những đứa trẻ hoàn toàn khỏi bệnh. Đã có những đứa trẻ trở về cuộc sống đời thường, lớn lên, đi học, xây dựng gia đình.

Chị nhớ nhất bệnh nhân tên N.T.N vào viện lúc 5 tuổi trong tình trạng sốt cao 39-40 độ, xuất huyết toàn thân, gan, lách to, tiểu cầu hạ cực thấp và được chẩn đoán bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (một loại ung thư hệ thống tạo huyết - PV). Sau khi điều trị, bé đã ra viện khỏe mạnh tới nay tròn 13 năm.

Hoặc 1 trường hợp khác của bé N.Q.C nhập viện lúc 3-4 tuổi vì bệnh ung thư nhưng sau khi điều trị, 9 năm qua bé vẫn khỏe mạnh và năm nào cũng theo mẹ từ Thường Tín lên nhà chị chúc Tết”, BS Hương kể

Đối với chị Hương, những ca bệnh thành công ấy chính là niềm vui và động lực để chị phấn đấu mỗi ngày. Vì đã từng chứng kiến nhiều bệnh nhân vượt thoát bệnh ung thư nên chị Hương luôn tin, mắc ung thư không phải là một dấu chấm hết.

Cũng chính nhờ niềm tin ấy, một người phụ nữ như chị bỗng trở nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn bao giờ hết. Không chỉ làm việc ngày đêm, nỗ lực cứu sống bệnh nhân mà đối với tất cả các ca bệnh có ý định nản chí, chị Hương luôn là người kiên trì thuyết phục.

“Giữa 2 con đường sống và chết, vì sao chưa thử đi con đường dẫn đến sự sống chúng ta lại chấp nhận buông xuôi tìm cái chết?”

Em có chấp nhận mất con không”? - Đó là câu hỏi đầu tiên BS Hương gửi tới các bậc phụ huynh có con mắc ung thư giai đoạn muộn mới kịp phát hiện. Một câu hỏi đóng nhưng thực chất lại là mở ra nhiều suy nghĩ. Là người làm cha mẹ, liệu có mấy ai chấp nhận việc mất con?

“Vậy nếu em không muốn mất con thì em có muốn đồng hành cùng chị, từng ngày giành giật sự sống cho con? Em hãy yên tâm rằng trong hành trình chinh chiến ấy, em không hề đơn độc vì sẽ luôn có các bác sĩ, điều dưỡng ở đây.

…Còn nếu em chấp nhận mất con thì mất trong tay chị hay trong tay em, mất ở nhà hay ở viện có gì khác nhau? Nếu em để con ở nhà chắc chắn 100% con sẽ chết vì em không phải bác sĩ, em không biết cách điều trị nhưng nếu em giao con cho chị, ít nhất tỷ lệ của cái chết không thể là 100%.

…Nếu em nghĩ 99% là thua thì hãy cho chị 1% để cố gắng cứu con em. Chị và em cùng nhân lên cơ hội sống, biết đâu đấy sẽ đến lúc nó là 100%”.

Những câu nói đầy xúc động ấy của BS Hương khiến nhiều bậc phụ huynh không cầm nổi nước mắt. Sinh con ra, liệu có mấy ai chấp nhận để con mình đi tới chỗ chết. Nghe những lời chị Hương nói, họ chợt hiểu rằng, cho dù ung thư có thật sự là án tử, cái chết thực sự đã treo trên đầu thì vẫn chẳng có lý do gì để từ chối điều trị bởi ít nhất, được điều trị là có cơ hội kéo dài mạng sống hoặc chấp nhận chết với tư thế ngẩng cao đầu rằng chí ít, chúng ta đã nỗ lực hết mình.

Nói đến đây, BS Hương chợt nhớ đến một bệnh nhi tên L.V.T, 5 tuổi, vào viện vì bệnh u nguyên bào thận giai đoạn 4, khôi u đã chiếm toàn bộ ổ bụng, di căn vào tủy xương. Gia đình đồng ý điều trị nhưng vào đêm trước ngày truyền hóa chất lại xin về vì lo sợ, mắc ung thư, trước sau gì cũng chết.

“Lúc ấy chị mới hỏi rằng: “Nếu bố T bị bệnh như T thì bố có muốn về quê chờ chết không hay ở lại bệnh viện để tìm cách chạy chữa”. Bố cháu bé nghe xong lặng đi, không nói gì. Chị nói tiếp rằng nếu em không đồng ý chọn cái chết thì tại sao lại chọn cho con con đường ấy. Bị ung thư đâu phải là án tử, chỉ là lúc này mình đang đứng ở giữa 2 con đường. Em chưa thử đi đường sống sao đã vội chọn chỗ chết cho con, thế có khác nào là vô tình giết người? Tại sao chưa chiến đấu, em đã mặc nhiên là con mình thua cuộc”, BS Hương kể.

Chia sẻ thẳng thắn, chân thành với phụ huynh bệnh nhân bằng tất cả tấm lòng của người đang làm mẹ, chị Hương thực sự đã chạm tới tận trái tim họ. Nghe những lời ấy, chắc chắn phải là người gan góc lắm mới giấu nổi nước mắt. Cuối cùng nhờ có BS Hương khuyên can, cháu T sau 4 ngày truyền hóa chất đã đẩy lùi khối u. Hiện tại, cháu kết thúc đợt điều trị đầu tiên và đang về nhà nghỉ ngơi chờ điều trị tiếp.

Nhìn thấy đứa con tưởng như sắp bị tử thần cướp đi nay lại vui khỏe, chạy nhảy nói cười, bố mẹ và gia đình cháu bé hạnh phúc hơn bao giờ hết. Thế nhưng thực tế đôi khi cũng rất tàn nhẫn và không phải ca bệnh nào cũng may mắn đáp ứng tốt với phác đồ điều trị như T. Có nhiều bệnh nhân, dù BS Hương và tập thể các BS đã rất nỗ lực vẫn rơi vào vòng tay tử thần.

Mỗi lần chứng kiến cái chết của bệnh nhi ung thư, BS Hương lại cảm thấy trống rỗng, hụt hẫng và day dứt không thể nào nguoi ngoai. Thế nhưng, những cái chết ấy phải hiểu thế nào cho đúng để người ta không nghĩ rằng, ung thư là chết, điều trị thêm làm chi cho tốn tiền rồi tiền hết thì người cũng mất luôn là bài toán khiến BS Hương phải trăn trở.

“Sự sống là hữu hạn mà cái chết thì vô cùng”

Không giống như những lĩnh vực khác, sản phẩm của nghề Y lại là tính mạng con người: Thành là sống, thua là chết. Thế nên BS Hương vẫn tâm niệm, đỉnh cao của y đức phải là giỏi chuyên môn, cứu được người. Muốn thế, người làm bác sĩ phải trau dồi từng ngày, từng giờ. Nhưng dù đã cố gắng đến đâu, BS giỏi đến mấy cũng không thể cứu tất cả bệnh nhân. Có những trường hợp y học thế giới cũng phải bó tay hay vì sự hạn chế của y học nước nhà, của cơ sở vật chất, BS không thể cứu được người.

Mỗi lần như thế, mỗi khi hay tin bệnh nhân của mình đã ra đi, cho dù lỗi không phải tại chị thì chị vẫn thấy rất đau lòng, tiếc nuối, day dứt, trống rỗng mà cái khoảng trống ấy lại không thể bù đắp. Đó là một cảm giác bất lực, tự trách rất khó diễn tả, rất khó chấp nhận và không biết chia sẻ cùng ai.

Cho đến khi người nhà bệnh nhân cũng tạm lắng nỗi đau thì chính bác sĩ vẫn còn nhớ nỗi buồn cũ và có thể sẽ nhớ rất lâu, sẽ gặm nhấm nỗi buồn của mình, tự mình kết tội mình.

Giống như gần đây nhất, có một bệnh nhân mất vì bệnh ung thư tuyến mồ hôi - một bệnh hiếm gặp. Dù gia đình không hề có nửa lời trách móc nhưng chị vẫn day dứt ân hận, thậm chí còn phải mất khá lâu mới dám đối mặt với điều ấy”, chị Hương kể.

Những ngày mới vào nghề, sự mất mát ấy khiến chị Hương nhiều lần buồn thiu đến nỗi không còn sức làm việc nhưng rồi thời gian trôi qua, chị dần hiểu ra rằng, cái chết đến khi ta đã nỗ lực hết sức không thể gọi là thua cuộc, đó chỉ là một kết quả sau 1 chặng đường dài đã đi.

Nhiều năm qua, chị Hương tự chiêm nghiệm rằng sự sống vốn là hữu hạn. Cho dù có sống 50 hay 100 năm thì đó vẫn là con số đong đếm được nhưng một khi đã chết nghĩa là vĩnh viễn mất đi, không bao giờ tồn tại. Con người đến với trần thế cũng là cái duyên nhưng mối duyên dài ngắn đến đâu lại không thể biết trước. Người làm bác sĩ hóa ra cũng chẳng thể biến cái hữu hạn thành vô hạn. Có đôi khi, chúng ta phải học cách chấp nhận!

Sự ra đi là điều không ai mong muốn nhưng nếu vì thế mà từ chối điều trị, nghĩ rằng bệnh nặng, tiên lượng xấu thì thà chờ chết lại là một quan điểm thật sai lầm. BS Hương thường nói, cái chết không do mình tạo ra. Mỗi người dù khỏe mạnh vẫn không thể nói trước sống chết của ngày mai. Bởi vậy, tất cả chúng ta không kể bệnh nhân ung thư, còn sống ngày nào thì phải nỗ lực sống tốt ngày đó.

“Giữa 2 con đường sống và chết, tôi thấy buồn vì nhiều người chưa kịp chiến đấu đã tự nhận mình là kẻ chiến bại. Thay vì chết một cách hèn nhát, đáng tiếc, ngu muội thì sao chúng ta không chọn một cách ra đi thanh thản, ngẩng cao đầu. Đối với tất cả mọi người, ai cũng có quyền chăm sóc y tế, nhất là trẻ em dưới 6 tuổi còn được điều trị miễn phí thì vì sao lại bỏ cuộc?”, BS Hương nói. “Tôi muốn giúp nhiều bậc cha mẹ thay đổi nhận thức về ung thư và về cả cái chết do ung thư gây ra”.

Ung thư không phải là án tử, chắc chắn rồi vì nhiều bệnh ung thư đã có thể chữa khỏi. Nhưng cho dù bệnh nặng, tiên lượng chỉ còn 2-3 tuần sẽ chết thì việc được thăm khám, điều trị và chuẩn bị sẵn tâm lý cũng giúp bệnh nhân ra đi ở tư thế chủ động, làm hết những việc cần làm trước khi mất để an lòng đi về nơi xa xôi. Và hơn hết, được sống thêm ngày nào là hạnh phúc thêm ngày đó cũng như được điều trị, có nghĩa là chúng ta đã vượt lên chính mình.

Nếu ai cũng nghĩ ung thư đồng nghĩa với cái chết và không làm gì thì đúng là nó sẽ thành cái chết, thành bệnh không chữa được. Nhưng nếu chúng ta cố gắng đẩy lùi, kéo dài mạng sống thì biết đâu vài năm nữa, căn bệnh ung thư khó chữa ấy lại có một phương pháp mới giúp trị khỏi.

Điều cuối cùng tôi chỉ muốn nói rằng, những bậc cha mẹ nào đang chấp nhận mất con vì nghĩ ung thư không thể chữa khỏi, ung thư là án tử thì hãy trao cho chúng tôi 1% cơ hội thôi, dù chỉ còn chút hy vọng le lói, chúng tôi vẫn có niềm tin vào ánh sáng cuối đường hầm và nỗ lực hết mình để cứu bệnh nhân thoát khỏi tay tử thần”.

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/bac-si-pham-thi-viet-huong-22-nam-gan-bo-voi-benh-nhi-k-cai-chet-khong-do-con-nguoi-tao-ra-nhung-su-song-thi-co-the-4725647.html