Bác sĩ phẫu thuật

Minh bấm OK, từ chiếc điện thoại nhỏ những tiếng khóc nỉ non réo rắt như xoắn chặt lấy lòng người, nghe buồn não cả ruột.

Đây là lần thứ ba rối, từ những cuộc điện thoại của kỹ sư Tuấn trong ngày hôm nay, tiếng khóc của Thư vợ Tuấn lại vang lên nỉ non trong máy như ai oán, như trách móc làm rách nát lòng bác sĩ Minh.

Minh bực cả người tắt ngay điện thoại, chửi thầm không biết mình có tội gì mà tụi nó lại hành hạ mình kiểu này chứ. Thật là cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán. Nếu mẹ của Tuấn không phải mẹ nuôi của Minh thì chắc mọi việc sẽ ầm ĩ cả lên. Tính của Minh nóng lắm, không dễ chịu cảnh người ta mang vòng hoa đến viếng mình trong khi mình vẫn còn sống sờ sờ ra đó.

 Minh họa: An Chi

Minh họa: An Chi

Nghĩ lại cũng thấy buồn, cách đây hơn 20 năm khi mà Minh còn là cậu sinh viên Y khoa, con nhà nghèo, chạy ăn học từng bữa. Nhà Tuấn lúc đó đã là đại phú gia của đất Sài Gòn. Những bữa tiệc tại nhà Tuấn vào chiều Chủ nhật, nói gì đi chăng nữa cũng mang lại cho Minh những nguồn dinh dưỡng đáng kể bồi bổ cho cái sinh lực yếu ớt, đói triền miên của cậu sinh viên trẻ gầy còm mà người ta thường gọi là Minh xì ke, mặc dù cả đời Minh chưa bao giờ biết đến thế nào là một giọt thuốc phiện hay một điếu cần sa.

Mẹ Tuấn, thương cậu sinh viên nghèo hiếu học, thường tìm mọi cách gửi thức ăn cho Minh khi thì gói ruốc lúc cân thịt kho, tình cảm nảy sinh từ những bát cơm, những chén canh của nhà Tuấn. Mẹ Tuấn nhận Minh làm con nuôi và nói thằng này được đấy, sau này dù không làm đến ông này bà nọ cũng lên người. Chỉ mong sau này nó học thành tài ra nghề giúp đỡ cho mọi người bệnh qua được cơn hoạn nạn, cố lên đi con, mẹ Tuấn thường nói với Minh lúc cuối bữa cơm là như vậy.

Năm tháng cứ dần trôi, mặc cho bao khoảng bể dâu của cuộc đời. Giờ đây, Minh đã là một bác sĩ khá có tiếng tăm ở cái thành phố suốt ngày náo nhiệt này. Người khen có, kẻ chê có nhưng phần nhiều là khen. Có không biết bao nhiêu người đã mang ơn cứu mạng của Minh. Cuộc đời cứ thế dần trôi theo một chiều hướng tốt đẹp.

Cách đây cũng dễ hơn 10 năm rồi thì phải, Tuấn và Thư yêu nhau. Một mối tình thật đẹp. Mặc dù mẹ Tuấn ra sức ngăn cản, vì Tuấn là con một họ muốn một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối hơn, một mối tình lãng mạn hơn. Cũng thật là khó hiểu, họ còn cần gì nữa cho một gia đình đầy quyền uy và giàu có của mảnh đất Sài Gòn này. Minh nghĩ, mình nằm mơ đến ba kiếp cũng không được.

Thật là trớ trêu, người ăn không hết kẻ tìm không ra. Nhưng lấy nhau đến năm năm mà vẫn không có con, mẹ Tuấn bảo mày bỏ con Thư đi, mẹ đã chuẩn bị cho mày con bé Bình, con ông thứ trưởng bạn của mẹ mới đi du học ở Anh về, xinh lắm mà tướng tốt lắm, chắc chắn là mắn đẻ. Ít ra cũng phải có một đứa cháu nội cho tao bồng chứ, thế này mãi thì chán chết. Tao thấy con Thư chắc chả đẻ đái gì được, cái ngữ lưng cứ thẳng đuột ra như vậy, có bói suốt ngày chứ chẳng đẻ đái gì được đâu, ông bà xưa đã nói rồi mà, mày chỉ được cái giỏi cãi. Thương vợ, thương mẹ. Tuấn đi tìm mọi thứ thuốc, tìm mọi thầy hay.

Nhưng cứ đến tháng thấy vợ bị đèn đỏ Tuấn lại buồn đến thấu ruột gan. Chắc số mình nó hẩm hưu, Tuấn tâm sự với Minh trong những bữa nhậu say đến bét nhè mỗi buổi chiều Chủ nhật bên những quán cóc ven đường. Rồi hai đứa lại ôm nhau và khóc, ông trời đôi lúc cũng khổ thật nhưng cũng hơi công bằng đấy chứ, có cho ai đủ hết mọi cái bao giờ. Cuộc đời bao giờ cũng phải thiếu thiếu một cái gì đó mới là cuộc đời.

Một hôm, Tuấn gọi điện thoại cho Minh. Bận mổ, Minh nói lát gọi lại, tao không thể trả lời điện thoại được. Trong vòng có một tiếng đồng hồ, Tuấn gọi cho Minh đến 6 lần, mặc dù biết không thể nhận được nhưng Tuấn cứ gọi. Ca mổ vừa xong, lột đôi găng thấm đầy máu, không kịp ghi tường trình phẫu thuật. Minh đã cầm ngay chiếc điện thoại và đi vội ra ngoài hành lang, nơi sóng điện thoại còn khá mạnh.

Tuấn, có gì mà gọi điện thoại dữ vậy, mày không biết tao đang mổ à? Mẹ bệnh hay sao? Không, mẹ không bệnh, bà vẫn khỏe như vâm. Nhưng vợ tao bệnh. Bệnh gì vậy Tuấn? Vợ tao bị ung thư tuyến giáp Minh ạ, thế mới có chết không cơ chứ. Giọng Tuấn như lạc cả đi. Từ từ, có gì thì nói, để tao xem.

Chiều hôm đó, Minh xin phép bác sĩ trưởng khoa về sớm, đến tận nhà xem cho vợ Tuấn. Vợ tao vẫn chưa biết gì, chỉ biết bị bệnh bướu cổ thôi, đi bệnh viện, người ta chọc cái kim vào và lấy một miếng nhỏ ra làm giải phẫu bệnh, phẫu biếc gì đó. Sáng nay họ hẹn tao đến lấy kết quả và dặn không được để cho vợ biết. Ung thư mày ạ, Tuấn thì thầm bên tai Minh. Mẹ kiếp cứ bình tĩnh, mày cứ làm ầm lên liệu có giải quyết được vấn đề gì, cứ nhặng xị cả lên. Thư nó mà biết nó nhẩy lầu mày ráng chịu nhé. Không Thư vẫn chưa biết. Thế thì được rồi, để tao liệu cho.

Xem bệnh thật kỹ cho Thư, Minh nói không có việc gì đâu Thư và Tuấn cứ yên tâm, bướu cổ loại thường ấy mà, chỉ cần mổ cắt phéng khối u đi là xong là vẫn lại đẹp như xưa. Tuy nhiên, tối hôm đó Minh vẫn bỏ cả khám ở phòng mạch và rủ Tuấn đi nhậu vài ly. Nói thật với Tuấn, Thư bị ung thư tuyến giáp rồi, phải mổ thôi.

Tuấn nức nở bên ly rượu, có sao không Minh, vợ tao có chết không, giữa lúc này ư khi mà không có đứa con nào, vợ tao mong có một đứa con hơn cả tính mạng mình. Không có con thì cuộc sống vợ chồng tao như địa ngục, sao ông trời lại lỡ bất công với tao thế.

Minh nói với Tuấn, ung thư tuyến giáp là một loại ung thư lành tính, có những bệnh nhân mắc bệnh 20 - 30 năm nếu điều trị tốt họ vẫn sống và có nhiều người chết vì bệnh khác trước khi chết vì ung thư. Trong khi những loại ung thư khác như ung thư phổi, ung thư gan, bệnh nhân chết nhanh lắm có khi chỉ sau vài tháng mà thôi. Thế thì mày mổ cho vợ tao đi. Mổ thế nào nhỉ. Minh đắn đo suy nghĩ, mình là phẫu thuật viên hay là bác sĩ phẫu thuật. Từ ngữ thì giống nhau nhưng ý nghĩa của công việc thì lại khác nhau, thầy của Minh một giáo sư nổi tiếng đã nói như vậy.

Phẫu thuật viên là thợ mổ, cái gì cũng mổ, mổ rất tốt mổ rất đẹp được nhiều đồng nghiệp khen ngợi trầm trồ thật tuyệt vời thật đẹp. Nhưng họ chỉ là người chữa bệnh chứ không phải là chữa người bị bệnh, kết quả tức thời là tốt đẹp như vậy còn về sau, còn những số mệnh còn những hậu quả cho mỗi người, mỗi gia đình và cho cả xã hội thì chỉ có trời mới biết. Và chỉ có những người trong nghề mới biết.

Còn bác sĩ phẫu thuật là những người thầy thuốc giỏi có kinh nghiệm và đầy những suy tư ngẫm nghĩ của cuộc đời. Họ luôn mổ bệnh nhân bằng đôi tay lão luyện và bằng cái đầu đầy kinh nghiệm với tấm lòng nhân ái. Họ chữa cho người bệnh chứ không phải chỉ chữa bệnh.

Minh mang hết mọi tâm sự của mình ra nói chuyện với Tuấn. Hay thế này Tuấn ạ, mình sẽ mổ cho Thư, mình sẽ mổ cắt hết một thùy tuyến giáp cho Thư thay vì phải cắt hết tuyến giáp, sau đó xạ trị tiếp. Nếu làm như vậy Thư sẽ vĩnh viễn không bao giờ có con, tùy ông thôi tính sao thì tính, chứ tôi thấy nếu không có con, vợ chồng ông có sống cũng như chết. Ông suy nghĩ đi, tùy ông quyết định thế nào, ngày mai gọi điện thoại cho tôi nhé. Sáng hôm sau, Tuấn đồng ý và ca mổ thành công tốt đẹp.

Cuối năm. Tuấn lại rủ Minh đi nhậu, vợ tao có thai rồi Minh ạ. Chúc mừng mày, một đứa con trai giống bố như đúc mang lại niềm vui vô bờ bến cho cả gia đình, bà nội cháu mẹ nuôi của Minh nói chắc như đinh đóng cột gia tài cả nhà này là của thằng Duy cháu nội tôi. Của đáng tội thằng bé càng lớn càng giống bà nội, tiếng cười luôn vang khắp cả căn nhà.

Lần này thì chịu thua, bảy năm sau cục bướu giáp tái phát. Minh nói với Tuấn, có lẽ lần này Mình sẽ cắt hết tuyến giáp và sau đó xạ trị cho Thư. Thế là ổn thôi, có gì đâu mà phải ầm ĩ lên thế, ung thư tuyến giáp là ung thư lành tính mà. Thư năm nay cũng hơn 40 rồi, sống thêm 40 năm nữa là quá tốt, thế gian thì dài, nhưng đời người là hữu hạn, có ai tránh được cái chết đâu. Rồi không biết thế nào tờ kết quả giải phẫu bệnh kết luận bị ung thư lọt vào tay Thư và như thế là suốt ngày như một kẻ tội đồ bất đắc dĩ, thậm chí có lúc như là một kẻ đã gây ra bệnh ung thư cho người thân.

Minh một ngày nhận không biết bao nhiêu cuộc điện thoại từ Thư từ Tuấn và từ cả mẹ nuôi nữa. Họ đã trách Minh sao lại giấu chuyện này, thật là không hiểu nổi, cả Tuấn nữa cũng giả ngu giả điếc mặc dù đã không dưới 10 lần đồng ý với giải pháp điều trị của Minh. Thật là điên rồ hết chỗ nói, tại sao hồi đó mình lại làm như thế nhỉ.

Tại sao họ chỉ nghĩ đến họ mà không nghĩ đến đứa con xinh đẹp mà nếu cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và xạ trị cho Thư thì đứa con ấy chắc còn đang ở một xứ sở đầy mộng mơ và không có thực nào đó. Bao nhiêu tội lỗi đổ lên đầu Minh, thế này thì chịu hết nổi rồi, tại sao hồi đó mình lại làm một việc điên rồ như vậy. Mình là phẫu thuật viên hay là bác sĩ phẫu thuật. Là cái gì mà như thế này thì cũng chịu hết nổi rồi, họ đang đưa ma mình mặc dù mình đang sống sờ sờ ra đấy.

Tối, cơn mưa tầm tã cuối mùa Hè vẫn như trút nước xuống mái tôn. Tuấn gọi điện thoại: Ngày mai tao đưa Thư đi Singapore, người ta nói chỉ có bên ấy mới chữa hết bệnh ung thư. Đặt nhẹ chiếc điện thoại xuống bàn, Minh thở dài, thôi cũng đành vậy. Còn hai bệnh nhân đang chờ ngoài phòng mạch, họ chờ Minh suốt buổi chiều. Một người mang hộp bánh Trung thu đến cám ơn về ca mổ ngày hôm qua. Trung thu đến sớm thế cơ à, mưa còn đang rơi nặng hạt ngoài hiên.

Nhà văn Nguyễn Hoài Nam

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/truyen-ngan-bac-si-phau-thuat-349316.html