Bác sĩ rời trạm

Tôi ở gần nhà một bác sĩ trưởng trạm y tế phường nhiều năm nhưng chưa bao giờ nghe chị phàn nàn việc phải thường xuyên thức đêm trực trạm, cũng không thấy chị kêu ca vì những buổi tiêm chủng quá tải, tiếng trẻ con gào khóc đến đinh tai. Chị cũng không ngại đêm hôm vào tận nhà dân để khám cho những bệnh nhân đặc biệt. Hình ảnh của chị trong tôi là rất đẹp.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trách nhiệm với công việc, nhưng cuộc sống kinh tế gia đình chị thì chưa bao giờ dễ chịu cả khi các con đều đang ở tuổi ăn học, thu nhập chỉ có lương. Cùng với xu hướng bác sĩ mở phòng khám tư, chị cũng đã chọn làm việc bán thời gian tại nhà sau giờ làm việc chiều để có thể trang trải cuộc sống gia đình.

Rồi tôi chuyển nhà đến khu dân cư khác, lần gần đây có việc qua trạm y tế phường cũ, hỏi thì biết chị không còn công tác ở đây nữa. Chị xin chuyển sang làm công tác giảng dạy cho một cơ sở đào tạo y tế của doanh nghiệp tư nhân, rồi cuối cùng xin nghỉ hẳn để chuyên tâm làm việc tại phòng khám tư. Hỏi lý do, đồng nghiệp cũ của chị ở trạm y tế phường cứ ấp a, ấp úng. Thực ra không hỏi thì tôi cũng biết lý do chị rời trạm y tế phường không ngoài vấn đề thu nhập và áp lực công việc như rất nhiều người đã rời trạm thời gian qua mà ngành y tế công bố.

Sẽ rất khó để giữ chân người cũ và thu hút những bác sĩ có trình độ, tay nghề cao cho y tế cơ sở. Bởi một lẽ rất đơn giản rằng, khối lượng công việc ở tuyến y tế này nhiều đến mức không thể lượng hóa được. Một bác sỹ chuyên khoa nhưng phải thực hiện phần việc của bác sĩ đa khoa, thậm chí còn làm cả sản khoa.

Tôi hỏi một nhân viên y tế ở phường về thu nhập hàng tháng ngoài lương, chị cười bảo: Trạm y tế thì chỉ có vắc xin, bông băng, kim tiêm. Những thứ ấy không thể đem bán để cải thiện đời sống được. Còn tiền bồi dưỡng ư? Tôi công tác ở đây mười mấy năm rồi mà chưa thấy ai bồi dưỡng cả. Người có điều kiện đều khám và điều trị ở tuyến trên. Còn khám bệnh bảo hiểm y tế thì chủ yếu là cán bộ ở phường, đều là những người quen biết...

Đọc báo, tôi tiếp nhận thêm một thông tin không vui rằng, theo quy định của Bộ Y tế, để đảm bảo hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn, thì tỉnh Thanh Hóa phải có 3.414 cán bộ, nhân viên y tế và mỗi đơn vị phải có ít nhất 1 bác sĩ. Thế nhưng toàn tỉnh mới có hơn 2.700 cán bộ, nhân viên làm việc tại trạm y tế, và có tới 80 trạm y tế chưa có bác sĩ.

Y tế cơ sở là tuyến khám, chữa bệnh gần nhất, nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Nếu nhân lực y tế cơ sở không được cải thiện, thì ai sẽ lo cho người bệnh. Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII đang diễn ra, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quang Hải đã báo kết quả giám sát việc tổ chức và hoạt động của hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022, trong đó nêu lên một số khó khăn mà y tế cơ sở đang phải đối mặt và đề nghị tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách phát triển y tế cơ sở phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hy vọng những “nút thắt” hiện tại của y tế cơ sở sẽ sớm được tháo gỡ.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/bac-si-roi-tram/174641.htm