Bác sĩ sản khoa khuyên mẹ 5 điều nếu muốn đẻ thường sau khi sinh mổ

Sau sinh mổ, mẹ vẫn có thể đẻ thường. Tuy nhiên, nếu muốn thai kỳ thành công, quá trình vượt cạn suôn sẻ, mẹ phải ghi nhớ 5 lời khuyên dưới đây của bác sĩ sản khoa.

Một trong những nguyên tắc phổ biến trong sinh đẻ theo quan niệm của nhiều người là “một lần sinh mổ, mãi mãi sinh mổ”. Điều này có nghĩa không khuyến cáo mẹ áp dụng VBAC. Theo khoa học, VBAC (Vaginal Birth After Previous Cesarean) là cụm từ viết tắt của thuật ngữ “Sinh con qua đường âm đạo sau lần sinh mổ”.

Nguy cơ vở tử cung có thể xảy ra là một trong những lý do vì sao nhiều người lo lắng nếu chọn đẻ thường sau lần sinh mổ. Thậm chí, ngay cả khi mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh thì phương pháp sinh thường vẫn không thể đảm bảo những rủi ro sẽ không thể xảy ra. Vết sẹo tử cung do sinh mổ có thể rách trong quá trình đẻ thường, mẹ có thế phải đối mặt với nguy cơ vỡ tử cung bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, mức độ rủi ro chỉ chiếm 1 - 2%. Thực tế, nếu mẹ muốn lựa chọn sinh thường, điều này không phải là không thể.

Chị Hà Anh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Nhớ lại lần sinh con thứ 2 vừa qua, đó là một thử thách rất lớn với bản thân tôi. Lần mang thai đầu vì ngôi thai không thuận nên tôi được chỉ định sinh mổ, dù khi đó tôi vẫn mong muốn con được sinh thường. 2 năm sau, tôi có bé thứ 2. Tôi may mắn có một thai kỳ khỏe mạnh, em bé lần này quay đầu về đúng vị trị. Tất cả đều thuận lợi cho việc đẻ thường. Dù vậy, bản thân tôi vẫn không khỏi lo lắng. Vết sẹo tử cung của lần mổ trước là nỗi lo lớn nhất trong tôi mặc dù vết sẹo này đã được hồi phục rất tốt. Cuối cùng, tôi vẫn quyết định sinh thường vì muốn tốt cho con, tôi chẳng biết lúc đó có phải mình quá liều lĩnh hay chăng. Ngày bước vào phòng sinh, dù đau đớn mấy tôi cũng cố chịu. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ ngoài sự mong đợi. Từ lúc đau chuyển dạ đến khi nghe con cất tiếng khóc oa oa chào đời chỉ trong 3 giờ. Cảm ơn vì tất cả e kip khi đó đã giúp “mẹ tròn con vuông”, cảm ơn vì con đã đến bên mẹ khỏe mạnh, bình an”.

Với sự tiến bộ của công nghệ y tế, mẹ hoàn toàn có thể an tâm sinh thường sau lần sinh mổ nếu đảm bảo đủ các điều kiện cho một ca đẻ thường. Hơn nữa, dù trong bất kỳ tình huống nào, đội ngũ bác sĩ cũng hỗ trợ nếu chẳng may rủi ro xảy đến. Do vậy, mẹ có thể an tâm sinh thường sau lần sinh mổ. Theo Tiến sĩ Rinku Sengupta, Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học Sitaram Bhartia, làm theo một số điều sau sẽ giúp mẹ gia tăng cơ hội sinh thường sau lần sinh mổ.

Chọn một thành viên hỗ trợ

Vai trò của người chồng trong quá trình vượt cạn là rất quan trọng. Đôi khi chỉ là những lời động viên, một cái nắm tay thật chặt sẽ giúp mẹ vượt qua những cơn đau đớn trong lúc sinh một cách dễ dàng.

Nhiều bằng chứng y học đã cho thấy sự hỗ trợ của người chồng dù đã có kinh nghiệm hoặc chưa trong quá trình từ lúc người vợ chuyển dạ đến lúc trước khi em bé chào đời giúp giảm khả năng phải mổ lấy thai.

Tập thể dục

Thể trạng tốt là một trong những điều kiện giúp mẹ vượt cạn suôn sẻ trong ca sinh thường. Tập thể dục thường xuyên là cách giúp mẹ tăng cường thể chất, tăng cường sự săn chắc cho các cơ bắp, quan trọng nhất là tăng sức chịu đựng trong cơn đau đẻ. Mỗi ngày, mẹ nên dành khoảng 30 - 40 phút cho các bài tập thể dục như đi bộ, tập yoga. Hơn nữa, việc thường xuyên tập luyện trong thời gian mang thai sẽ giúp giảm những triệu chứng đau lưng, chuột rút ở chân, hỗ trợ quá trình vượt cạn thuận lợi hơn.

Theo tiến sĩ Rinku: “Khi quá trình chuyển dạ bắt đầu, những thay đổi sinh lý trong cơ thể là rất lớn, đòi hỏi năng lượng và sức chịu đựng của mẹ. Nếu được rèn luyện thể lực và khả năng chịu đựng, mẹ sẽ vượt qua những cơn đau đẻ này tốt hơn, có thể phải áp dụng một số bài tập ngay trong lúc chuyển dạ”

Chọn bệnh viện và bác sĩ một cách khôn ngoan

Một bệnh viện tốt với đầy đủ các trang thiết bị y tế cùng đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp là những điều kiện thuận lợi cho một ca sinh thành công. Hãy chắc chắn rằng, mẹ được hỗ trợ tốt nhất từ ê kíp giàu kinh nghiệm về VBAC trong phòng sinh.

Một ca sinh thường sau lần sinh mổ thành công đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải cùng nhau làm việc, luôn sẵn sàng đối phó kịp thời trong trường hợp khẩn cấp. Không giống những lần sinh khác, VBAC cần sự giám sát chuyên môn sâu hơn.

Các bác sĩ sản khoa khuyến cáo mẹ bầu nên tham gia lớp học tiền sản để chuẩn bị quá trình sinh nở được tốt nhất, cần biết khi nào đến viện, cách đối phó với những cơn đau đẻ.

Không tăng cân quá mức

Theo các chuyên gia, mức tăng cân hợp lý cho mẹ trong suốt thai kỳ là 12 - 15 kg. Mẹ cần áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng các thành phần dinh dưỡng. Đó là điều kiện quan trọng để đảm bảo mẹ không tăng cân quá mức nhưng vẫn đảm bảo thai nhi phát triển tốt nhất. Tăng cân quá mức sẽ làm giảm đi cơ hội thành công của VBAC. Hơn nữa, nó còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe như tăng huyết áp, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường,... Cần phải khám thai và kiểm tra thường xuyên, tránh trường hợp thai làm tổ tại vết sẹo cũ vì nguy vỡ tử cung cao và làm tăng tỷ lệ thất bại của VBAC.

Khoảng cách giữa các lần mang thai

Giữ khoảng cách giữa 2 lần mang thai là điều kiện giúp tăng cơ hội thành công cho lần đẻ thường sau lần sinh mổ trước đó. Một khi được chỉ định mổ bắt thai vì một lý do nào đó, mẹ nên cố gắng giữ khoảng cách với lần mang thai trước đó ít nhất 2 - 3 năm. Tiến sĩ Rinku giải thích thêm: “Nguy cơ sinh mổ có thể lặp lại nếu thời gian mang thai giữa 2 lần dưới 18 tháng".

Tóm lại, sau lần sinh mổ, mẹ hoàn toàn có thể sinh thường nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện cũng như thực hiện tốt 5 lời khuyên trên đây. Tất cả là những yếu tố giúp mẹ tăng cơ hội vượt cạn suôn sẻ.

Theo Webtretho

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/bac-si-san-khoa-khuyen-me-5-dieu-neu-muon-de-thuong-sau-khi-sinh-mo-20180907090641948.htm