Bác sĩ trả lời: Chóng mặt, cảm giác cơ thể lắc lư, mất thăng bằng có nguy hiểm đến sức khỏe không?

* Cách đây 1,5 năm, cháu bị tai nạn xe, bị đập đầu mạnh và được đưa đi cấp cứu. Sau khi ra viện, sức khỏe cháu hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khoảng 7 tháng sau, cháu bị mệt mỏi, toát mồ hôi, tay chân lạnh ngắt và có cảm giác châm chích toàn thân. Cháu đi chụp CT thì không có vấn đề bất thường.

Tuy nhiên, đến ngày hôm sau thì tình trạng chóng mặt diễn biến nặng hơn. Sau khi điều trị khoảng 2 tuần, cháu có cảm giác cơ thể lắc lư, mất thăng bằng. Tình trạng này kéo dài đến nay đã được hơn nửa năm nay. Xin hỏi bác sĩ như vậy có nguy hiểm không và cháu cần phải làm gì ạ?

(Anh Trọng Khang, 32 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc)

Bác sĩ trả lời:

Chào anh Trọng Khang!

Chóng mặt là nhận thức của hệ tiền đình và chóng mặt là một triệu chứng gặp trong rất nhiều bệnh. Về phương diện y khoa, người ta phân chóng mặt thành 2 nhóm chính là chóng mặt tiền đình ngoại biên và chóng mặt tiền đình trung ương.

Đối với nhóm ngoại biên thì chóng mặt là triệu chứng nổi trội và đa số là thể chóng mặt dạng xoay tròn, có thể kèm theo nôn, buồn nôn, mất thăng bằng, ù tai, đau trong tai, giảm thính lực. Còn nhóm chóng mặt trung ương có thể có ảo giác chuyển động ít buồn nôn nhẹ, có thể kèm theo khiếm khuyết về thần kinh như: sụp mi, liệt tay chân hoặc rung giật nhãn cầu, mắt nhìn đôi, cảm giác mất thăng bằng nổi trội…

Nhóm chóng mặt trung ương thường rất nguy hiểm do các bệnh gây ra thường nặng nề: u thần kinh VIII, viêm màng não, đột quỵ... Nên chóng mặt thuốc nhóm này, bệnh nhân nên vào viện gấp để được khám và làm các xét nghiệm thêm.

Ảnh minh họa

Trường hợp của anh thì có một nhóm bệnh “chóng mặt tư thế kịch phát” ở người dưới 50 tuổi nguyên nhân thường gặp là do chấn thương đầu còn ở người trên 50 tuổi thường liên quan đến nhiễm trùng hoặc thoái hóa hệ thống tiền đình. Thường thì nhóm này điều trị được và có thể hết bệnh. Tuy nhiên vẫn cần vào viện khám chuyên khoa nội thần kinh kèm ngoại thần kinh để làm đầy đủ các xét nghiệm loại trừ các tổn thương thực thể và uống thuốc theo toa bác sĩ.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất… là những cơ sở khám ngoại thần kinh sọ não để anh thăm khám.

Thân ái!

Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Ngọc Bun,

Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202403/bac-si-tra-loi-chong-mat-cam-giac-co-the-lac-lu-mat-thang-bang-co-nguy-hiem-den-suc-khoe-khong-2b41835/