Bác sĩ Vang đuổi 'ma rừng'

Sinh ra ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, BSCKI người Mông Sùng A Vang từ nhỏ đã nghe nhiều những câu chuyện về các bà mẹ trẻ tự sinh tại nhà, cắt dây rốn bằng dao nứa hơ qua trên ngọn lửa đốt củi thông. Và anh quyết theo nghề y để đổi thay hủ tục.

Trên khắp những bản làng, non cao hùng vĩ huyện Trạm Tấu, Yên Bái đâu đâu cũng trắng trời hoa mận. Tiếng sáo, tiếng khèn bản Mông vang vọng bay khắp những con đường đèo, đổ vào lòng bất cứ ai đến với Trạm Tấu những bản tình ca.

BSCKI Sùng A Vang (đứng thứ 2 từ trái sang phải) là 1 trong 67 thầy thuốc, cán bộ y tế tiêu biểu được tôn vinh tại Phủ Chủ tịch ngày 23/2 vừa qua. (Trong ảnh: Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các thầy thuốc, cán bộ y tế tiêu biểu toàn quốc)

Hát lên những bài tình ca

Bản tình ca này có giai điệu từ cuộc sống ngày càng ấm no của bà con dân bản, từ ruộng Lẩu Cáy mẩy hạt, nương khoai sọ dẻo bùi. Ngoài những âm thanh rộn ràng ươm màu để trù phú đó, khúc nhạc non cao này còn có thêm cả tiếng khóc rắn rỏi như đá của những đứa trẻ thơ vừa lọt lòng vuông tròn, tiếng hát ru của những bà mẹ khỏe mạnh sau mỗi lần "vượt cạn" an toàn.

BS CKI Sùng A Vang - Trưởng khoa Chăm sóc Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái chính là một trong những người góp những nốt nhạc đẹp vào bản tình ca rực rỡ đó của núi rừng.

BS Sùng A Vang thăm hỏi người bệnh

BS Sùng A Vang thăm hỏi người bệnh

Bằng sự cống hiến của mình đối với quê hương trong lĩnh vực y tế, vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023), BS CKI Sùng A Vang – vinh dự đại diện ngành Y tế Yên Bái là 1 trong 67 thầy thuốc trên cả nước được tôn vinh tại Phủ Chủ tịch năm 2023.

Là người con sinh ra và lớn lên tại bản Mông ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, bác sĩ Vang là người thấu hiểu nhất nếp sống từ bao đời nay của người dân vùng cao. Từ nhỏ anh đã nghe nhiều những câu chuyện về các bà mẹ trẻ tự sinh đẻ tại nhà, cắt dây rốn bằng dao nứa hơ qua trên ngọn lửa đốt củi thông, hay sát trùng bằng những chậu nước suối được đun vội.

Đã bao lần cả bản làng phải rơi nước mắt thay vì những nụ cười vui khi đón chào một thành viên mới, đã có bao bà mẹ khóc ngất vì mất con, bao người chồng khóc ròng vì mất vợ.

Thấm thía nỗi đau tận cùng của những người dân bản mình, anh Vang quyết tâm nuôi mơ ước sẽ trở thành một bác sỹ sản khoa để mang y học về với làng nghèo, bản khó của mình.

Năm 2003, chàng thanh niên người Mông chất phác bỏ lại bản làng mang theo ước mơ để nhập học trường Đại học Y Thái Nguyên theo hệ cử tuyển. 6 năm miệt mài tích lũy kiến thức trên giảng đường đại học, sống và học tập ở nơi phố thị phồn hoa nhưng chưa bao giờ chàng trai Sùng A Vang quên đi sứ mệnh của mình với quê hương bản quán.

Năm 2009, bác sĩ Vang tốt nghiệp ra trường, anh gạt bỏ mọi lời mời làm việc tại thành phố và các vùng thấp để mang tấm bằng đại học, kiến thức và tình yêu quê hương về nhận công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Trạm Tấu nay là Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu.

14 năm công tác tại huyện Trạm Tấu, BSCKI Sùng A Vang đã mang hết kiến thức, tấm lòng, tâm huyết của mình với chuyên khoa Sản để phục vụ người dân nơi reo cao này.

Bác sĩ nam thân thiết với phụ nữ người Mông

Huyện Trạm Tấu là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, dân tộc Mông chiếm gần 80% dân số. Đời sống của bà con còn có nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, vậy nên những năm trước đây người dân đến cơ sở y tế thăm khám sức khỏe còn rất hạn chế, đặc biệt với trẻ em, phụ nữ có thai và sản phụ.

Bác sĩ Sùng A Vang thực hiện ca phẫu thuật sản khoa tại Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu, Yên Bái

Người Mông trước kia quan niệm khi ốm đau bệnh tật là do con "ma rừng" nó hành, việc sinh đẻ phải ở tại nhà để tổ tiên và con "ma nhà" làm chứng nên vậy bao năm người dân tộc thiểu số Trạm Tấu vẫn sinh đẻ tại nhà. Ngày đó, bác sĩ trẻ Sùng A Vang không quản ngại khó khăn, đi "tận ngõ, gõ tận nhà" để vận động phụ nữ sinh đẻ, thăm, khám thai định kỳ tại cơ sở y tế.

Với tình cảm chân thành và lợi thế là người dân tộc bản địa, bác sĩ Vang không nhớ nổi là đã đi bao nhiêu nhà, gặp bao nhiều người để tuyên truyền, vận động người dân về sức khỏe sinh sản.

Trong quá trình khám, chữa bệnh, bác sĩ Vang luôn nghi nhớ lời dạy của Bác "Lương y như từ mẫu". Tuân thủ đúng quy trình khám, chữa bệnh, cộng với lợi thế thông thạo ngôn ngữ và phong tục của đồng bào nên anh thường khai thác được rất kỹ các thông tin về người bệnh cũng như các triệu chứng, biểu hiện của bệnh, do đó đã giúp anh có phác đồ điều trị tích cực cho bệnh nhân.

Không những thế, bác sĩ Vang khi thăm, khám, đỡ đẻ cho bệnh nhân luôn chân tình, cởi mở, chia sẻ với người bệnh tạo cho bệnh nhân tâm lý thoải mái gần gũi. Đối với đồng bào Trạm Tấu, bác sĩ Vang được coi là một trong những bà đỡ "mát tay" nhất ở xứ núi này.

Hỏi về những kỷ niệm trong quá trình công tác, bác sĩ Vang chỉ cười "14 năm công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cơ sở, có lẽ tôi đã đỡ đẻ cho hàng nghìn em bé, mổ lấy thai cho cả trăm sản phụ, nhưng mỗi lần nghe thấy tiếng khóc chào đời khỏe mạnh của các "mầm sống", nhìn thấy giọt nước mắt của người mẹ được ấp đứa con bình an vào lồng ngực tôi đều cười rất vui và cảm thấy rất hạnh phúc".

Cũng đã có nhiều trường hợp sản phụ được đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng hậu sản, băng huyết, thai ngược ngôi khó sinh… Trong quá trình vật lộn với tử thần cũng có lúc người bác sĩ áo trắng thua cuộc, nụ cười kia cũng thay bằng những giọt nước mắt giấu vội, nhưng điều đó không thể làm lu mờ lòng yêu nghề của vị "lương y" này mà càng nhắc nhở bác sĩ Vang phải trau dồi thêm kinh nghiệm, học hỏi thêm nhiều kiến thức và quan trọng hơn cả là phải giúp cho người dân hiểu rằng sinh đẻ tại cơ sở y tế là yên tâm và an toàn để không còn những trường hợp thương tâm xảy ra.

Không chỉ là một người thầy thuốc giỏi chuyên môn, tận tâm với người bệnh, bác sĩ Vang còn là một luôn gương mẫu, hòa đồng, giúp đỡ các đồng nghiệp khác hết mình. Anh luôn tâm niệm "Một người dù có giỏi đến đâu cũng không thể khám, chữa bệnh, cứu hết được bà con, mà muốn được như vậy, thì cả tập thể phải cũng nỗ lực, cùng có chuyên môn".

Vậy nên, anh không bao giờ giấu kiến thức, mà luôn chia sẻ những kiến thức đã học và tích lũy từ thực tế cho các đồng nghiệp, nhất là đối với những bác sĩ trẻ. Ngoài ra anh còn luôn chủ động học hỏi, trao đổi với những bác sĩ có chuyên môn cao ở huyện bạn và ngoài tỉnh để sao đưa ra được những phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

"Mình giỏi, bạn cùng giỏi"

Với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy đã có, bác sĩ Vang còn thường xuyên đi hỗ trợ chuyên môn tại các trạm y tế cơ sở, tham gia các đợt khám bệnh tình nguyện tại thôn, bản. Mỗi lần như vậy anh đều cố gắng chuyển giao những kỹ thuật mới cho tuyến xã vừa để thăm khám kỹ càng cho người dân ở những trạm y tế cách xa thị trấn.

Có những xã cách trung tâm huyện lên đến 60 – 70 km nhưng chưa bao giờ khoảng cách làm chùn bước chân của người bác sỹ hết lòng vì người bệnh. Ngoài những hoạt động chuyên môn, bác sĩ Vang còn tích cực, nhiệt thình tham gia các hoạt động phong trào, cuộc thi trong và ngoài ngành do cấp trên phát động như: Phong trào thi đua yêu nước, thể dục thể thao, văn hóa băn nghệ…

Bằng những nỗ lực, những cống hiến của mình với vùng cao Trạm Tấu, năm 2022 bác sĩ Sùng A Vang vinh dự là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen và nhiều năm liền được Sở Y tế tỉnh Yên Bái, huyện Trạm Tấu tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, công tác.

Đó là những ghi nhận thật đáng trân quý. Với bác sĩ Vang không có niềm vui nào bằng niềm vui những bệnh nhân của mình được khỏe mạnh và cũng chẳng có nụ cười nào vui hơn nụ cười khi nhìn thấy những em bé chào đời khỏe mạnh và những giọt nước mắt hạnh phúc của những bà mẹ nơi đây.

Ngọc Huyền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bac-si-vang-duoi-ma-rung-169230226211239273.htm