Bác sĩ Việt Đức nêu 3 điều gây bệnh xương khớp ở mọi lứa tuổi

Tỷ lệ người mắc các bệnh lý về cơ xương khớp ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý về cột sống. Vì sao vậy?

BS.Thạc sĩ - Trần Quốc Khánh - Khoa phẫu thuật cột sống - Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết: "Vấn đề xương khớp là vấn đề ai cũng dễ gặp phải. Bệnh lý xương khớp đến từ nhiều nguyên nhân. Có thể từ thói quen, từ cả việc ăn uống và cả công việc hàng ngày".

Việc chữa trị thường kéo dài dễ tái phát, làm giảm chất lượng cuộc sống, hiệu suất công việc cũng như gây gánh nặng về kinh tế. Để tránh mắc phải những căn bệnh liên quan tới xương khớp thì việc phòng bệnh là rất quan trọng. Dưới đây BS.TS Khánh chỉ ra 3 lưu ý dự phòng cho bệnh lý xương khớp dù ở bất cứ độ tuổi nào.

3 lưu ý về phòng bệnh lý xương khớp

Giảm cân nặng để tránh gây tổn thương xương khớp

Tăng cân, béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thoái hóa, tổn thương xương khớp, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Nhiều bậc cha mẹ chưa ý thức được rằng chính trọng lượng quá lớn của con trẻ đã dồn nén lên bề mặt các khớp, đặc biệt các khớp vùng thấp như cột sống lưng, khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân. Trong khi hệ thống xương khớp chưa kịp hoàn thiện đã vô tình làm các cháu bị tổn thương xương khớp từ rất sớm, dù có thể lúc đó trẻ có rất ít hoặc chưa có triệu chứng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một số trẻ béo phì còn được cha mẹ khuyến khích chạy bộ, nhảy, đá bóng, chơi bóng rổ...trong khi thực tế những môn thể thao đó lại không nên chỉ định cho trẻ.

Thay vào đó nên động viên và phối hợp với các cháu để giảm ăn uống, giảm cân nặng và tăng cường đi bơi, đạp xe, làm việc nhà. Ở ngưới lớn tuổi hay người già nếu béo phì hay tăng cân quá đà cũng cần làm như vậy, ưu tiên giảm ăn uống (vì thực sự hiện nay nhu cầu năng lượng của chúng ta hàng ngày là rất nhỏ so với lượng thức ăn, đồ uống chúng ta nạp vào).

Nên tăng cường đạp xe đạp, đi bơi, tập Yoga, bài tập với bóng Gym tại nhà và đọc sách (đọc sách tốn rất nhiều năng lượng).

Thay đổi thói quen ăn uống giúp ngăn ngừa bệnh xương khớp

Thay đổi thói quen ăn uống là điều vô cùng quan trọng. Hiện nay trẻ em tăng cân béo phì rất nhiều do cha mẹ để các con ăn uống thả ga, không phanh, ăn không đúng giờ giấc, cho các con ăn quá nhiều đồ ăn sẵn tại các cửa hàng đồ ăn nhanh như: nướng, quay, chiên và uống nhiều nước ngọt lại lười vận động.

Ảnh minh họa

Khi khớp chưa hoàn thiện của trẻ phải "gánh vác" trọng lượng nặng như người lớn về lâu dài các con phải chịu đựng những hậu quả nặng nề về thoái hóa và tổn thương xương khớp sớm. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên chú ý tới thực đơn và chế độ ăn uống của con hợp lý, tăng cường vận động để tránh bị béo phì.

Đối với trẻ em nông thôn rất ít khi béo phì, trừ một vài cháu trong gia đình có điều kiện. Lý do là vì do các con vận động từ sớm (làm việc nhà giúp cha mẹ, đi học bằng cách tự đạp xe....) và điều quan trọng hơn là các con không thường xuyên uống nước ngọt- coca hàng ngày, không vào các cửa hàng lẩu nướng để thường thức đồ chiên rán, các con không ăn đồ ăn nhanh thay vào đó các con ăn cơm mẹ nấu với những thức ăn cây nhà lá vườn.

Tránh duy trì bất động quá lâu một tư thế ảnh hưởng đến xương khớp

Làm việc một tư thế quá lâu, ngồi sửa đông hồ, dân văn phòng ngồi máy tính, ngôi máy bay đường dài, đứng canh gác... dẫn đến việc tăng áp lực lên bề mặt một số xương khớp nhất định đồng thời giảm lưu thông khí huyết, tăng nguy cơ huyết khối, tắc mạch và suy giãn tĩnh mạch, teo cơ, tăng nguy cơ loãng xương.

Ảnh minh họa

Vậy nên cứ tối đa 90 phút nên đứng dậy đi lại, vươn thở, ép dãn, xoay khớp cổ tay, cổ chân, khớp gối, khớp vai và gấp ưỡn cột sống lưng, cột sống cổ tầm 5- 10 phút.

Nếu nằm nghỉ ngơi vì lý do sức khỏe cũng hết sức lưu ý như: Sau phẫu thuật cột sống vẫn có thể tập vận động các khớp tay, khớp chân rất sớm dù vẫn nằm trên giường hoặc nằm bất động vì gãy xương chậu, gãy một chân, tay nào đó cũng như vậy có thể vận động những chi thể còn lại. Rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt người cao tuổi vì nằm quá lâu, không chịu vận động dẫn đến lúc ra viện bị cứng khớp, dính khớp, loãng xương, teo cơ, loét vùng tì đè... Đến lúc đó việc điều trị phục hồi chức năng vô cùng khó khăn. Làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi cũng cần đúng tư thế.

Nằm ngủ gối cao (trên 6cm), nằm đệm quá mềm, thói quen nằm võng, đặt máy tính quá thấp trên bàn làm việc hoặc thói quen cúi gằm mặt để dụng điện thoại đều là những "kẻ thù" của cột sống cổ và cột sống lưng. Cúi lom khom khi bế nhấc vật nặng đột ngột hoặc chưa sẵn sàng chính là những nguyên nhân hàng đầu gây thoát vị đĩa đệm cấp tính dãn đứt vân cơ vai hoặc gãy xương cổ tay, cánh tay ở người cao tuổi.

Xem thêm: 5 cách giảm mỡ máu và cách phòng bệnh (Nguồn: VTC14)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/bac-si-viet-duc-neu-3-dieu-gay-benh-xuong-khop-o-moi-lua-tuoi-d168469.html