Bác sĩ, y tá tại Nhật Bản bị đồng nghiệp kỳ thị, gọi là 'mầm bệnh'

Đội ngũ y tế tham gia vào công tác chống dịch corona ở Nhật Bản bị chính những người đồng nghiệp xa lánh. Một bác sĩ còn bị cấm đặt chân đến bệnh viện nơi anh đang làm việc.

Bác sĩ và y tá ở Nhật Bản tham gia vào công tác chống dịch Covid-19 bị cấp trên và đồng nghiệp xa lánh, kỳ thị. Con cái những người này cũng bị phân biệt đối xử ở trường học, theo South China Morning Post.

Theo đó, không ít người của đội ngũ y tế bị chính những người làm việc cùng gọi bằng cái tên “mầm bệnh”, “mang theo virus”, “nguồn lây nhiễm”.

Hiệp hội Y khoa Nhật Bản (JDAM) đã nhận được hàng chục báo cáo về sự kỳ thị đối với các nhân viên y tế, bao gồm một trường hợp nam bác sĩ bị cấm đặt chân tới bệnh viện nơi anh đang làm việc.

 Nhiều nhân viên y tế tham gia công tác chống dịch corona ở Nhật Bản bị chính đồng nghiệp xa lánh. Ảnh: AP.

Nhiều nhân viên y tế tham gia công tác chống dịch corona ở Nhật Bản bị chính đồng nghiệp xa lánh. Ảnh: AP.

Con cái của lực lượng y tế cũng được yêu cầu ở nhà, thay vì đến trường như các học sinh khác.

Trước tình hình trên, JDAM đưa ra tuyên bố kêu gọi các lãnh đạo, nhân viên y tế và trường học cần có hành động kịp thời để chấm dứt tình trạng này.

“Nhiều bác sĩ, y tá đã mạo hiểm sức khỏe và tính mạng của mình để cứu những người khác. Song, họ lại bị đối xử bất công theo cách không thể tin được”, bản báo cáo của Hiệp hội viết.

“Điều này nên được coi là một vấn đề vi phạm nhân quyền. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ và yêu cầu rằng tình hình cần được khắc phục”, phía Hiệp hội nhấn mạnh.

Jun Okumura, nhà phân tích tại Viện Các Vấn đề Toàn cầu Meiji (Nhật Bản), cho biết thái độ phân biệt đối xử có thể lý giải từ việc thiếu hiểu biết của mọi người. Song, đối với những người làm trong lĩnh vực y tế, điều này thật khó chấp nhận.

Hành khách từ tàu Diamond Princess được kiểm tra sau khi rời tàu. Ảnh: Reuters.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đưa ra văn bản yêu cầu hành động để chấm dứt sự phân biệt đối xử với những người nhiễm virus corona, áp dụng với cả lực lượng y tế tiếp xúc với người bệnh.

“Chính phủ, công dân, cộng đồng, những người có ảnh hưởng và phương tiện truyền thông có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự kỳ thị. Mỗi người nên có hành động ủng hộ, thay vì xa lánh khi tình hình dịch bệnh vẫn đang nghiêm trọng”, theo WHO.

Chính phủ Nhật Bản hiện vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ về cách kiểm soát sự bùng phát của virus corona, bao gồm cả việc xử lý "ổ dịch nổi" Diamond Princess với hơn 600 người nhiễm bệnh. Tính tới ngày 23/2, số ca nhiễm tại Nhật đã lên tới 773 người.

Hôm 22/2, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản thừa nhận 23 hành khách đã được cho phép rời tàu mà không thực hiện xét nghiệm cần thiết. Những người này đã sử dụng phương tiện công cộng sau khi rời khỏi khu vực cách ly.

Trà My

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bac-si-y-ta-tai-nhat-ban-bi-dong-nghiep-ky-thi-goi-la-mam-benh-post1051721.html