"Bác sỹ bất đắc dĩ” ở trạm y tế chuẩn Quốc gia

- Theo qui định thì nữ hộ sinh chỉ thực hiện nhiệm vụ đỡ đẻ, khám và điều trị các loại bệnh liên quan đến thai sản, phụ khoa... Thế nhưng do không có bác sỹ, thiếu người nên chị Liên phải kiêm luôn việc khám, điều trị tất cả các loại bệnh thông thường như: Viêm phế quản, viêm phổi...

Điều đáng nói là chuyện “thật như đùa” trên không phải xảy ra ở miền núi, vùng sâu, ở trạm y tế bình thường, mà nằm ngay ở đồng bằng, chỉ cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 15km và là trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2005, thế nhưng hiện Trạm y tế xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa đang tồn tại “hai không”: Không trạm trưởng và không có bác sĩ. Đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu và ngay trong các buổi tiếp xúc cử tri với các ngành cấp trên, người dân cũng đã phản ánh... thế nhưng gần một năm rồi, vẫn chưa thấy điều động nên trạm y tế hiện giống như “rắn mất đầu”, ông Đoàn Sáng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm ngao ngán. Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân là do lãnh đạo trạm cũ nghỉ hưu, bác sĩ của trạm được điều động về huyện, trong khi đó lại cử một y sĩ đi học bác sĩ. Do vậy, từ chỗ trạm biên chế 8 người, nhưng hiện chỉ có 5 người nên dẫn đến vừa thiếu lãnh đạo, thiếu bác sĩ và thiếu cả nhân lực. Để "chữa cháy" cứ hàng tuần, ngành y tế huyện Tư Nghĩa tăng cường bác sĩ từ các trạm y tế trong huyện về từ 1 - 2 ngày để khám, điều trị bệnh cho người dân. Thế nhưng trung bình mỗi ngày có đến 20 - 30 đến khám, điều trị nên nhân viên y tế của trạm gặp rất nhiều khó khăn. Hơn 13 năm tuổi nghề nên chị Phạm Thị Liên, Nữ hộ sinh của Trạm y tế xã Nghĩa Lâm hiểu rõ về các nguyên tắc, quy định của ngành y. Theo quy định, nữ hộ sinh chỉ thực hiện nhiệm vụ đỡ đẻ, khám và điều trị các loại bệnh liên quan đến thai sản, phụ khoa. Thế nhưng do thiếu bác sỹ, thiếu người nên chị Liên phải kiêm luôn việc khám, điều trị cả những trường hợp bệnh khác, như: Tai nạn sinh hoạt, viêm phế quản, viêm phổi... "Biết là trái với quy định nhưng đâu có bác sĩ mà chờ. Hơn nữa chẳng lẽ khi người dân đến khám lại nói với họ rằng chỉ biết đỡ đẻ thôi à…nên đành phải cố gắng", chị Liên không giấu giếm. Mà đâu chỉ nữ hộ sinh, điều dưỡng cả y sĩ Đông y cũng tham gia khám bệnh đa khoa, cho thuốc tây y. Tuy chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra, thế nhưng điều đó không có nghĩa là không xảy ra, vì thế ngành y tế Quảng Ngãi cần nhanh chóng khắc phục những tồn tại trên. Hoàng Sa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1990/201009/Bac-sy-bat-dac-di-o-tram-y-te-chuan-Quoc-gia-1766256/