Bắc Trung Bộ dồn sức ứng phó mưa, bão

Theo dự báo, bão số 4 có tốc độ di chuyển rất nhanh, kèm theo mưa to, rất to trên diện rộng và sẽ đổ bộ vào khu vực đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ trong sáng nay (30-8). Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, các địa phương vùng ảnh hưởng đang dồn sức, khẩn trương ứng phó...

Nông dân tỉnh Hà Tĩnh thu hoạch lúa trong đêm để chạy bão.

Nông dân tỉnh Hà Tĩnh thu hoạch lúa trong đêm để chạy bão.

Thu hoạch nhanh lúa hè thu

Cơn bão số 4 dự kiến đổ bộ vào đất liền đúng thời điểm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đang bước vào kỳ thu hoạch tập trung lúa hè thu. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, bà con nông dân ở ba địa phương này đã và đang dồn sức chạy đua với mưa, bão để gặt lúa.

Cẩm Xuyên là địa phương có diện tích lúa hè thu lớn thứ hai ở Hà Tĩnh. Những ngày qua, hàng trăm chiếc máy gặt đập liên hợp cỡ lớn được người dân huy động hết công suất để thu hoạch lúa. Tranh thủ tối đa thời gian, những chiếc máy chạy liên tục từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Nhiều hộ còn tìm thuê máy gặt đập ở vùng khác về “tăng-bo”, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa. Khắp nơi, ai ai cũng tất bật, vội vàng. “Lúa chỉ mới chín được 70% thôi, nhưng thà “xanh nhà hơn già đồng”, nghe tin mưa bão nên tôi phải tranh thủ thuê máy gặt thu hoạch gọn mới yên tâm”, ông Ðậu Ðức Tuyến ở thôn Hưng Mỹ, xã Cẩm Thành cho biết. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà, đến chiều 29-8, toàn huyện Cẩm Xuyên đã thu hoạch được hơn 75% diện tích. Còn lại hơn 2.000 ha lúa chưa được thu hoạch do nằm cuối nguồn nước nên gieo cấy muộn ở các xã: Cẩm Lộc, Cẩm Trung, Cẩm Hà, Cẩm Thịnh, Cẩm Thăng, Cẩm Dương... Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà việc thu hoạch lúa hè thu được bà con triển khai khẩn trương. Những chiếc máy gặt đập làm việc hết công suất, thậm chí phải tăng gấp rưỡi đến gấp hai lần ngày bình thường. Chỉ trong hai ngày qua, toàn tỉnh đã thu hoạch được 15 nghìn héc-ta, đưa tổng diện tích lúa hè thu đã thu hoạch đạt 29 nghìn héc-ta, chiếm 67% tổng diện tích.

Tại Nghệ An, nông dân các huyện Nam Ðàn, Ðô Lương, Thanh Chương,… cũng đã hối hả thu hoạch lúa hè thu. Trưa 29-8, trên các cánh đồng thuộc các xã Nam Thanh, Nam Lộc, Vân Diên… (Nam Ðàn), nhiều máy gặt liên hợp hoạt động hết công suất. Tình làng nghĩa xóm được nhân lên khi nhà nào thu hoạch xong thì qua giúp nhà khác, nhất là những gia đình neo người, gia đình chính sách. Chị Bùi Thị Hải ở xóm 10B, xã Nam Thanh cho biết: “Gia đình mẹ góa, con côi nhưng nhờ Hội Phụ nữ xã cử người đến gặt giúp cho nên chiều nay, mẹ con tôi sẽ thu hoạch gọn xong toàn bộ ba sào lúa, trước khi trời có mưa”. Chị Nguyễn Thị Thu, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Nam Thanh cho biết: Trong mấy ngày qua, nhờ bà con chủ động thuê máy gặt đập liên hợp nên đến chiều nay, xã Nam Thanh đã cơ bản gặt xong số lúa chín. Còn ở một số ruộng sâu, hay vùng máy gặt không vào được phải thu hoạch bằng tay, Hội Phụ nữ xã vận động chị em giúp các gia đình neo đơn, gia đình chính sách thu hoạch lúa, chiều nay sẽ cơ bản thu hoạch hết số lúa ở vùng sâu trũng. Bà con huy động mọi phương tiện như xe bò, xe hoa mai, công nông… thậm chí xe đạp điện, xe thồ để chở lúa và rơm rạ về nhà. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An Nguyễn Văn Lập: Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, khi bão đến thường gây mưa to, kéo dài làm ngập úng cho nên ngành đã chỉ đạo các địa phương huy động cao nhất lực lượng và phương tiện xuống đồng gặt hết lúa chín, nhất là ở những thửa ruộng sâu, đọng nước, thu hoạch vận chuyển khó khăn. Ðến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 43 nghìn trong tổng số 62 nghìn héc-ta lúa hè thu. Diện tích còn lại đang được các địa phương vận động người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Các đơn vị vũ trang cũng được tăng cường giúp bà con, phấn đấu thu hoạch thêm 6.000 - 7.000 ha trước khi mưa bão đổ xuống.

Chủ động ứng phó

Sáng 29-8, nhiều tàu cập bờ biển thuộc xã Ngư Lộc và Hưng Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) bốc dỡ hải sản, ngư lưới cụ. Sau lần vỡ đê biển vào năm 2005, tuyến đê biển dài 12 km ở Hậu Lộc đã được nâng cao trình, mặt cắt đê, kè lát, kiên cố hóa và làm thêm các cống dưới đê cho nên các khu dân cư sát đê thuộc sáu xã phía đông huyện được bảo vệ an toàn hơn. Ðể ứng phó với bão số 4, nhân dân chủ động chằng buộc mái tôn, nhất là dãy lều thu gom, chế biến hải sản bên bờ biển. Tại xã Hưng Lộc, ngoài việc bố trí 38 người tuần đê, canh gác đê, chính quyền xã, thôn bố trí 240 nhân lực xung kích ứng phó mưa, bão. Phó Trưởng thôn Hưng Phú Tăng Văn Tài cho biết, trong kho hiện có 270 cọc tre, 2.400 bao tải, 350 m2 bạt, 120 m2 lưới B40, 210 rọ sắt, đủ số lượng dao, kìm sắt, thép ly. Các cán bộ thủy nông đã chủ động tiêu thoát nước đệm, vét rác che chắn cống dưới đê biển, bảo đảm tiêu thoát nước. Thôn cũng đã rà soát, ổn định đời sống cho 15 hộ, 45 nhân khẩu có gia cảnh khó khăn; sẵn sàng di dời 550 hộ gần đê biển đến lưu trú xen ghép với các hộ khác hoặc tránh bão ở các nhà văn hóa, trường học. UBND xã đã cấm biển vào 10 giờ sáng cùng ngày, tiếp tục vận động chủ tàu, thuyền di chuyển vào Cảng cá Hòa Lộc và vào lạch Sung neo đậu. Ðến sáng 29-8, gần 270 ha canh tác đã được tiêu kiệt nước. Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc Mai Văn Bền cho biết, nếu xảy ra mưa lớn, bốn cống dưới đê hữu sông Lèn vừa giúp tiêu thoát nước trên địa bàn xã, vừa giúp thoát nước cho các xã Ða Lộc, Ngư Lộc. Xã cũng bố trí một máy xúc thường xuyên vét rác dưới cống đê biển, bố trí nhân lực canh đê. Gần 1.000 hộ, hơn 4.000 nhân khẩu cư trú gần đê biển, cửa sông, trong đó có hơn 21 hộ, hơn 103 nhân khẩu nuôi thủy sản ngoài đê sông Lèn cũng được thông báo sẵn sàng di chuyển đến nơi an toàn tránh bão.

Sáng 29-8, chúng tôi có mặt tại địa điểm thi công cầu Ðại Ðồng thuộc dự án đường ven biển Cửa Hội - Vũng Áng (Hà Tĩnh), chứng kiến các công nhân, kỹ sư đang hoàn thiện mẻ bê-tông cuối cùng để gia cố mái ta-luy phía biển. Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh Trần Văn Hào cho biết, mặc dù hơn 5 km đường qua thôn Ðại Ðồng nối với đê biển huyện Lộc Hà đã được thi công hoàn thành nền đường và gia cố mái ta-luy, nhưng đây là điểm xung yếu, chịu tác động trực tiếp của sóng biển cho nên bên cạnh việc đốc thúc đơn vị thi công hoàn thành dứt điểm các hạng mục dở dang, ban quản lý dự án đã xây dựng phương án, chỉ đạo đơn vị thi công túc trực suốt 24 giờ, chuẩn bị nhân lực, máy móc, vật tư sẵn sàng cứu đê, bảo vệ công trình. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh Hà Tĩnh, ngoài dự án đường ven biển Cửa Hội - Vũng Áng, hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh đang triển khai thi công một số công trình tại các khu vực xung yếu, có nguy cơ mất an toàn trong mưa bão như: tuyến đê biển Nghi Xuân, tuyến đê biển Thạch Kim (Lộc Hà), tuyến đê chính Linh Cảm (Ðức Thọ), hồ Khe Sình, hồ Cây Gạo (Hương Sơn). Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý kiểm tra và triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình nằm trong vùng xung yếu.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, tính đến 16 giờ ngày 29-8, tại ba tỉnh đã có 14.811 tàu, thuyền trên biển đã được gọi vào bờ. Ngoài ra, 117 tàu, thuyền đang neo đậu ở các tỉnh khác hoặc di chuyển vào khu vực an toàn.

BÀI VÀ ẢNH: NGÔ TUẤN, THÀNH CHÂU, MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41390202-bac-trung-bo-don-suc-ung-pho-mua-bao.html