Bắc Trung Bộ trong bão số 3: Nước ngập sâu, giao thông chia cắt

Chiều 18/7, bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, gây mưa lớn, liên tục khiến nhiều địa phương bị ngập nước gây chia cắt, giao thông gián đoạn. Đặc biệt, các huyện miền núi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mưa to khiến nước các dòng sông lên cao. Vùng ven biển các tỉnh từ Thái Bình tới Hà Tĩnh mưa rất to, sóng biển tấp vào bờ dữ dội, cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

100% tàu thuyền của tỉnh Thanh Hóa với hơn 7.438 phương tiện; 27.753 lao động được kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: TTXVN.

Hà Tĩnh: Nhiều nơi bị ngập sâu

Tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), lượng mưa trong những ngày qua đã khiến 400 ha lúa, 150ha ngô và 300 ha đậu bị ngập. Với huyện Hương Sơn, do mưa lớn, nước lũ tràn về và Nhà máy thủy điện Hương Sơn xả lũ nên đến thời điểm chiều 18/7, 182 ha ngô, 415 ha đậu, 615 ha lúa của hè thu của huyện bị ngập úng hoặc đổ gãy.

Ngoài một số tuyến đường giao thông nông thôn ở vùng thấp trũng bị ngập thì mưa lũ còn làm sạt lở mái taluy dương trên Quốc lộ 8A tại Km 80+300 (gần Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo) với 40m3 đất và làm đứt 30m đường dẫn đầu cầu Trốc Vạc.

Còn đối với huyện Cẩm Xuyên, đến chiều 18/7, đã có trên 100 ha lúa vùng Cẩm Sơn, Cẩm Lộc, Cẩm Hà bị ngập úng; 100 % tàu bè (1.114 tàu) đã về nơi trú ẩn an toàn.

Bên cạnh đó, bà con nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện cũng đã tiến hành thu hoạch được 10 ha với trên 50 tấn tôm chạy lũ.

Tại huyện Can Lộc, mưa lớn kéo dài đã khiến mực nước tại các hồ chứa dâng cao từ 60- 80%, nước từ thượng nguồn đổ về khiến hơn 1.554 ha lúa hè thu bị ngập. Một số xã có diện tích bị ngập nhiều như: Tùng Lộc 160 ha, Vượng Lộc 145 ha, Kim Lộc 300 ha, Song Lộc 200 ha.

Theo báo cáo ban đầu, tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã có 2 người chết đuối khi đánh cá. Nạn nhân là ông Phan Đình Tường (52 tuổi, trú tại xóm Minh Thủy, xã Sơn Thủy) và ông Nguyễn Thành (56 tuổi, trú thôn Bình Hòa, xã Sơn Hòa).

Ông Phan Đình Tường bị đuối nước vào lúc 17h chiều 17/7, khi đang ra đồng đánh cá. Tương tự, ông Nguyễn Thành cũng bị nước lũ cuốn trong lúc đánh cá, đến 22h tối ngày 17/7 mới tìm được thi thể.

Để ứng phó với tình hình, theo ông Nguyễn Thành Đồng- Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, ngoài việc huy động hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên tỏa về các địa phương tham gia hỗ trợ người dân, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc bố trí cán bộ ứng trực 24/24, đảm bảo thông tin liên lạc thường xuyên.

Tại các khu vực nguy hiểm ven biển, ven sông có khả năng mực nước dâng cao, đoàn viên thanh niên được bố trí hỗ trợ và bảo vệ các mô hình kinh tế thanh niên trên địa bàn, có phương án di dời nếu thấy cần thiết.

Đơn vị cũng cử các chốt thanh niên ứng trực tại các bến đò ngang, đò dọc, ngầm qua suối, chỗ ngập sâu, trũng, làm biển báo nguy hiểm và hướng dẫn người dân đi lại an toàn.

UBND huyện Hương Sơn đã ban hành 3 công điện, đồng thời chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện trực tiếp xuống các địa phương đôn đốc, chỉ đạo. UBND huyện cũng đã chỉ đạo các phòng ngành, các xã, thị trấn kiểm tra công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng cứu các công trình hồ chứa mất an toàn, các điểm xung yếu trên tuyến đê Tân Long, rà soát các hộ có khả năng phải sơ tán, có phương án ứng phó khi Nhà máy Thủy điện Hương Sơn xã lũ tại vùng hạ du...

Huyện Đức Thọ đã bố trí lực lượng xung kích gồm 1.200 người (410 người tuần tra canh gác đê La Giang, đê Rú Trí); chuẩn bị 2.400 cây tre, 106.000 bao cát, 3.900 kg rơm, 2.000m2 phên liếp, 30 thuyền máy, 5 xuồng cao tốc, 45 xe ô tô các loại và lương thực thực phẩm đủ sử dụng trong 15 ngày.

Phát biểu tại tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh ngày 18/7, ông Lê Đình Sơn- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị dứt khoát phải đưa thuyền bè vào nơi trú ẩn, di dời đến nơi an toàn; kiểm tra, kiểm soát các hồ đập, hệ thống cống, đảm bảo an toàn vùng hạ du; tập trung cao cho việc sơ tán dân ở vùng nguy cơ sạt lở và vùng biển có nguy cơ triều cường.

Giúp đỡ người dân chằng chéo nhà cửa ở Hà Tĩnh.

Nghệ An: Thủy điện xả lũ, nước tiếp tục dâng

Tại Nghệ An, mưa lớn trong những ngày qua đã khiến cho mực nước sông suối lên cao. Một số địa phương bắt đầu xuất hiện những đợt lũ nhỏ. Đến sáng ngày 18/7, có tới 110/533 hồ chứa đã đầy nước, 15/92 đập thủy lợi đầy nước. Đặc biệt, do lưu lượng nước đổ về hồ chứa đang tiếp tục tăng nhanh, buộc nhà máy thủy điện Khe Bố (Tương Dương) phải lập kế hoạch xả lũ.

Theo thủy điện Khe Bố, lưu lượng nước về hồ Khe Bố tính đến chiều 17-7 là 650 m3/s và tiếp tục tăng. Dự kiến lưu lượng nước trên sông Cả về hồ thủy điện Khe Bố từ 1h ngày 18-7 khoảng từ 800 m3/s đến 1.700 m3/s. Để đảm bảo nhà máy được vận hành an toàn theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả, nhà máy lên kế hoạch xả lũ.

Tổng lưu lượng xả dự kiến từ 800m3/s đến 1.700m3/s, bao gồm: lưu lượng xả qua đập tràn và lưu lượng phát điện qua tổ máy. Thời gian kết thúc xả được xác định đến khi hết lũ do ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Trung Bộ nối với tâm cơn bão số 3 gây ra.

Tại huyện Con Cuông, một số đập tràn ở 2 xã Môn Sơn và Lục Dạ đã có nước tràn qua. Đặc biệt, tại cầu tràn Khe Mọi thuộc địa phận bản Hồng Sơn, xã Lục Dạ (cầu nằm trên con đường liên xã đi từ thị trấn vào Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn), mực nước dâng cao, giao thông bị chia cắt hoàn toàn.

Biển cấm qua đập tràn Khe Mọi (Nghệ An).

Để đảm bảo an toàn cho người dân, xã Lục Dạ đã huy động lực lượng công an, quân sự dựng trạm barie, tạo rào chắn ngăn cho người dân không lưu thông khi nước lớn; đồng thời phân công người trực 24/24 cấm không cho người và phương tiện qua lại.

Tại xã Cam Lâm, mưa lớn kèm theo nước chảy xiết đã làm cầu tạm qua bản Bạch Sơn bị hỏng, khiến 80 hộ dân bị cô lập đường đi. Ngoài ra, điểm cầu tạm tại bản Thái Sơn đi Nam Sơn xã Môn Sơn bị cuốn trôi hoàn toàn.

Mưa lớn khiến hàng ngàn ha rau màu, lúa hè thu của các địa phương ở Nghệ An bị ngập sâu trong nước. Tại huyện Nam Đàn, đã có hơn 2.200 ha lúa trong tổng số hơn 5.000 ha lúa bị ngập sâu trong nước, trong đó xã bị ngập nhiều nhất là: Xuân Lâm, Kim Liên, Khánh Sơn, Nam Thanh, Xuân Hòa, Hùng Tiến v.v…

Ngoài ra, còn có hơn 824 ha cây màu chủ yếu là ngô, vừng, dưa đỏ bị ngập; hơn 200 ha diện tích ao bị tràn bờ, 63 ha diện tích cá lúa bị ngập sâu trong nước. Tại Diễn Châu, mưa lớn đã làm ngập 2.500 ha cây trồng.Trong đó khoảng 600 ha lúa hè thu bị ngập sâu hoàn toàn tập trung ở các xã vùng trũng như Diễn Minh, Diễn Cát, Diễn Thái, Diễn Quảng....

Trên vùng đất màu mưa cũng đã làm ngập lụt 1.700 ha vừng; 300 ha ngô và rau màu khác. Diễn Châu có 11 hồ đập, hiện mức nước cũng mới đạt 50% dung tích. Huyện cũng đã kêu hơn 1.500 tàu thuyền của ngư dân về cập bến.

Tại huyện Đô Lương có gần 500ha diện tích lúa hè thu bị ngập nước. Các xã bị ngập diện tích lúa nhiều đó là: Trù Sơn, Đại Sơn, Hiến Sơn, Quang Sơn, Mỹ Sơn, Hồng Sơn.

Đặc biệt, cầu Tràn Hiếu (thuộc xã Nghĩa Thịnh) ngập sâu, hơn 1.000 hộ dân bị chia cắt, khiến hơn 1.000 người dân tại 11 xóm, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn bị chia cắt. Đoạn KM92+B50, Quốc lộ 48E nối Nghĩa Thịnh với Nghĩa Hưng, nước ngập sâu khoảng 1m.

Tại Quốc lộ 16, Km215+850, đoạn qua xã Đồng Văn, huyện Quế Phong sạt lở ta-luy dương dài 17m, rộng 5m làm lấp rãnh dọc, lề đường; Sạt lở ta luy dương, đất đá bồi lấp nền, mặt đường và rãnh dọc các vị trí đoạn Km303+640; Km309+00; Km361+830.

Mưa lớn cũng đã khiến đập tràn thuộc Tỉnh lộ 542E, đoạn qua xóm Hưng Thịnh, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) bị ngập nước, chia cắt các xã Hưng Tây, Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam...

Hạnh Nguyên - Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/bac-trung-bo-trong-bao-so-3-nuoc-ngap-sau-giao-thong-chia-cat-tintuc410384