Bác yêu cầu 12 hộ mua nếp nói bị quỵt trên 4 tỷ đồng

Phiên tòa vụ án dân sự phúc thẩm ngày 28-7 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh An Giang chấp nhận kháng cáo của chị em bà Đặng Thị Thủy (sinh năm 1965, ấp Phú Trung, xã Phú Thọ, Phú Tân) và Đặng Thị Phở (sinh năm 1970, ấp Hưng Thới 1, xã Phú Hưng, Phú Tân) được cho là chủ mua nếp của nhiều người từ năm 2016. Việc này đồng nghĩa 12 hộ bán nếp không được nhận 3,9 tỷ đồng theo bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Phú Tân quyết định gần 4 tháng trước đó.

Bà Bùi Thị Bích Hạnh, Đặng Thị Đẹp trình bày sự việc với Báo An Giang

Đại diện các hộ, bà Bùi Thị Bích Hạnh (sinh năm 1968, ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ), bà Đặng Thị Đẹp (sinh năm 1952, ấp Phú Quới, xã Phú An, Phú Tân) gửi đơn đến Báo An Giang kêu oan. Bà Bùi Thị Bích Hạnh cho biết, năm 2018, các hộ dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Tân phản ánh việc bị chị em bà Thủy, bà Phở quỵt nợ, không trả tiền, địa phương và ngành chức năng đã vào cuộc. Việc bán nếp thông qua môi giới (cò nếp) ai ở đây mà không biết. Với khu vực các xã Phú Thọ, Phú An, Phú Hưng và 2 thị trấn Chợ Vàm, Phú Mỹ, ai cũng biết chị em bà Thủy, bà Phở là chủ mua nếp; còn 2 bà Lê Thị Lệ, Nguyễn Thị Mai là "cò nếp". Ban đầu, bà Thủy, bà Phở trả tiền đàng hoàng, sau Tết Nguyên đán năm 2017 trả “ngắt nhéo”, rồi hứa hẹn. Đến khi bị truy tìm đòi nợ gắt gao, chị em bà Thủy né tránh, sau chơi bài đổ hết nợ cho bà Mai và bà Lệ.

“Ở 2 xã Phú An, Phú Thọ là “kho nếp” của huyện, nếu ai có tiền trữ nếp lại sau đó bán ra sẽ tìm món lời lớn. Người hưởng hoa hồng sống khỏe, còn chủ vựa nếp như chị em bà Thủy, bà Phở khấm khá và thực tế đã giàu có. Với bạn hàng như chúng tôi lúc đầu có lời, sau bị quỵt nên có nhiều người bán nhà trả nợ, người bỏ làng, gia đình tan nát. Tổng cộng số nếp bán trước sau cho chị em bà Thủy của 12 hộ chúng tôi nhiều tỷ đồng, số bị quỵt trên 4 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là ông Nguyễn Viết Hiệu 835 triệu đồng, bà Bùi Thị Bích Hạnh 682 triệu đồng, bà Đặng Thị Lắm trên 600 triệu đồng, bà Mai Thị Ngọc Phương 577 triệu đồng và tôi gần 520 triệu đồng. Khi được TAND huyện Phú Tân xét xử và tuyên buộc bà Thủy, bà Phở và ông Ngô Văn Tuấn (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) trả tiền cho 12 người, chúng tôi mừng đến mức "quên ăn quên ngủ". Đến ngày 28-7, nghe TAND tỉnh An Giang tuyên chấp nhận yêu cầu chị em bà Thủy, không trả 3,9 tỷ đồng tiền mua nếp, nhiều người ngất xỉu. Ngoài việc chúng tôi chịu án phí hàng trăm triệu đồng, thì việc kêu cứu trên 3 năm qua coi như vô nghĩa” - bà Đặng Thị Đẹp cho biết.

Bản án số 58/2020/DS-ST ngày 25-3-2020 của TAND huyện Phú Tân về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản và tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” bị chị em bà Thủy kháng cáo. Ngày 11-5-2020, TAND tỉnh An Giang thụ lý vụ án dân sự về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản và yêu cầu công bố văn bản công chứng vô hiệu”. Tại phiên tòa dân sự phúc thẩm ngày 28-7, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang nhận định, việc bán nếp thông qua môi giới (bà Lệ, bà Mai), người vận chuyển (Nguyễn Trí Hiền) cùng nhiều người liên quan được làm rõ. Họ đều xác định bà Thủy, bà Phở, ông Tuấn là người chủ mua nếp, phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa hôm nay, bị đơn kháng cáo nhưng không nêu tình tiết cụ thể nào mới làm thay đổi nội dung vụ án, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Về việc này, TAND tỉnh An Giang cho biết, tại thời điểm mua bán nếp giữa 12 người với bà Thủy, bà Phở thì Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Luật không ghi nhận khái niệm “cò”, cũng không ràng buộc trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch phải có “cò” trong hợp đồng mua bán nếp. Trường hợp mua bán thông qua môi giới phải bảo đảm quyền, nghĩa vụ các bên tham gia giao kết mua, bán và với người môi giới một cách cụ thể. Án sơ thẩm áp dụng tập quán “cò” buộc trách nhiệm bà Thủy, bà Phở phải có nghĩa vụ thanh toán các giao dịch do bà Lê Thị Lệ thực hiện là chưa phù hợp. Đồng thời, tại phiên tòa chị em bà Thủy không thừa nhận mua nếp với 12 nguyên đơn và 12 người không chứng minh bị đơn trực tiếp mua nếp... Căn cứ quy định của pháp luật, TAND tỉnh An Giang chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Thủy, bà Phở, ông Ngô Văn Tuấn. Tòa án sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 58/2020/DS-ST ngày 25-3-2020 của TAND huyện Phú Tân; không chấp nhận yêu cầu của 12 nguyên đơn đòi bị đơn Đặng Thị Thủy, Đặng Thị Phở và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trả tiền mua nếp.

Luật sư Trần Văn Sáu (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, đối với bản án, quyết định phúc thẩm, đương sự sẽ không có quyền kháng cáo bởi đó là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật kể từ lúc được tuyên bố. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc bản án, quyết định đã có hiệu lực có điểm không đúng đắn, chưa bảo đảm quy định của pháp luật. Vì vậy, để đảm bảo tính pháp chế xã hội chủ nghĩa trong công tác xét xử của tòa án, việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm nên những bản án, quyết định dù đã có hiệu lực pháp luật vẫn phải được kháng nghị để xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án các cấp, trừ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Bài, ảnh: N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/bac-yeu-cau-12-ho-mua-nep-noi-bi-quyt-tren-4-ty-dong-a281433.html