Bạch Đằng trong tâm thức người dân Quảng Yên

Khi hỏi một người dân Quảng Yên, họ có thể nói chưa chính xác về năm, tháng lịch sử nhưng tinh thần của Bạch Đằng thì luôn sống mãi trong tâm thức của họ.

Nhân dân địa phương tham gia đoàn rước tại Lễ hội Bạch Đằng 2019.

Nhân dân địa phương tham gia đoàn rước tại Lễ hội Bạch Đằng 2019.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 thể hiện sự thành công của nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Quân dân nhà Trần đã chung sức đồng lòng tổ chức kháng chiến. Một bà hàng nước bình dị cũng mách nước cho thống lĩnh quân đội về kế sách đánh giặc dựa trên cấu trúc của con sông và lịch trình của thủy triều. Theo ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên, qua cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đưa tư tưởng và nghệ thuật quân sự của loại hình chiến tranh nhân dân phát triển lên đến đỉnh cao. Thắng lợi vĩ đại của quân và dân Đại Việt trong trận Bạch Đằng 1288 luôn làm nhiều thế hệ người dân tự hào vì một nước nhỏ nhưng với tinh thần đoàn kết dân tộc đã đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ.

Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Bạch Đằng, cho rằng, tinh thần Bạch Đằng luôn thẳm sâu trong tâm thức và tình cảm của người dân Quảng Yên. Theo đó, người dân Quảng Yên đã phát hiện nhiều hiện vật liên quan đến trận Bạch Đằng và mang tặng cho bảo tàng. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Việt, không dừng lại ở đó, để bảo lưu, phát huy hào khí Bạch Đằng, từ nhiều đời nay, họ đã duy trì một lễ hội để tri ân Trần Hưng Đạo. Trước đây, lễ hội không có nghi lễ rước Trần Hưng Đạo nhưng từ khi nhà nước cho trùng tu lại đền, nhân dân địa phương đã để pho tượng cũ ở lại đền và rước pho tượng mới đã phục chế về đình Yên Giang. Tượng được rước về đình Yên Giang để qua đêm ở đó và đến hôm sau bà con nhân dân lại rước trở lại đền Trần Hưng Đạo. Mỗi khi đoàn rước kiệu đi qua thì dân ở hai bên đường đều lập bàn thờ bái vọng Hưng Đạo vương, vừa là để cúng những vong hồn chiến sĩ đã tử trận trong chiến tranh.

Một thương binh dù phải đi xe lăn vẫn tham gia đoàn rước.

Với những người dân không có nhà ở hai bên đường rước kiệu, lễ hội là dịp để họ mặc những trang phục truyền thống để tham gia nghi lễ rước kiệu thánh. Đấy là còn chưa kể hàng trăm người dân xếp hàng ngay ngắn để thực hiện nghi thức chui kiệu khi đoàn rước đi qua những mong cầu xin đức thánh phù hộ, ban cho phúc lộc, may mắn.

Lễ hội truyền thống Bạch Đằng hàng năm luôn có sự tham gia của các đoàn rước, đoàn tế lễ không chỉ của phường Yên Giang mà nhiều đoàn đến từ các xã, phường khác của TX Quảng Yên. Ông Bùi Xuân Vừng đến từ phường Hà An, cho biết: “Tham dự Lễ hội truyền thống năm nay, đoàn tế chúng tôi có 35 người tham dự tế thần, văn nghệ, lễ hội. Chúng tôi chuẩn bị nhiều ngày trước đó, mọi người rất háo hức khi tham gia lễ hội truyền thống này”.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Việt, nhân sự kiện chính trị, quân sự ở địa phương, người dân bản địa đã duy trì lễ hội bằng một niềm vui. Vì thế, Lễ hội truyền thống Bạch Đằng luôn có phần lễ và phần hội rất phong phú. Tham gia lễ hội, nhân dân và du khách thập phương sẽ được chứng kiến, trải nghiệm các hoạt động như: Khai mạc lễ hội, tế yết ở đình Yên Giang, rước tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo từ đền Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang và ngược lại, nghi lễ dâng hương lễ tế “giã hội” tại đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, nghi lễ chui kiệu thánh. Bên cạnh phần lễ, phần hội gồm nhiều hoạt động vui chơi, văn hóa, thể thao với các trò chơi dân gian truyền thống. Bà Đỗ Minh Phượng, người dân khu 3, phường Yên Giang, cho biết: “Chúng tôi đội lễ vật phải chọn những sản vật ngon nhất, đẹp nhất, chuẩn bị chu đáo nhất để dâng lên, tri ân công đức của ngài. Lễ hội luôn đem lại cho người dân chúng tôi những cảm xúc háo hức, phấn khởi, tự hào về cha ông với truyền thống đánh giặc giữ nước. Chúng tôi vẫn thường dẫn con cháu đi xem lễ hội và kể cho con cháu nghe những chiến công của Hưng Đạo vương trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử”.

Lễ hội tạo ra một không khí vui tươi cho người dân Quảng Yên. Ảnh: Đông Giang (CTV)

Nhiều người dân Quảng Yên hiện đang mong muốn chính quyền quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác trùng tu, bảo tồn, mở rộng không gian tổ chức lễ hội của khu di tích. Thực tế, khu di tích lịch sử Bạch Đằng đã trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt, đang được bảo tồn, xây dựng thành điểm du lịch văn hóa tâm linh. Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã, khẳng định: "Di tích Bạch Đằng đã và đang là điểm tham quan du lịch văn hóa tâm linh. Đây là nơi giáo dục lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh vì Tổ quốc. Đồng thời, qua việc giáo dục này sẽ giúp thế hệ trẻ Quảng Yên nâng cao hơn nữa lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước".

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201904/bach-dang-trong-tam-thuc-nguoi-dan-quang-yen-2438074/