Bạch đào quý hiếm trồng để tặng chứ không bán

Những người trồng đào lão luyện đã mang loại bạch đào 'tiến vua' quý hiếm từ miền Bắc vào trồng tại Đà Lạt và vùng phụ cận; kỳ công thuần phục loại đào đỏng đảnh này để cây ra hoa đúng vào dịp Tết cho khách tham quan miễn phí.

Bạch đào xứ Bắc nở hoa ở Tây Nguyên

Bạch đào xứ Bắc nở hoa ở Tây Nguyên

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 này, Thung lũng hoa đào Mười Lời (Phường 3, Đà Lạt) có 500 gốc đào đủ màu sắc xuất vườn để bán, cho thuê chưng Tết..., trong đó có một số gốc bạch đào (tên khoa học là Flos salicina) với những đóa hoa trắng như tuyết.

Anh Bùi Văn Sang đã "ép" bạch đào nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán

Mỗi hoa có tới 25-30 cánh, xếp 5-6 tầng, nhụy màu vàng thanh tao, chen giữa những búp lá xanh biếc tạo nên nét đẹp độc đáo làm say đắm lòng người.

Hoa đào thường thắm sắc, vô hương, riêng bạch đào tỏa hương thơm dịu nhẹ thu hút khá nhiều ong bướm.

Bạch đào có hương thơm nên thu hút ong bướm

Bạch đào chỉ mọc rải rác ở một số vùng núi phía Bắc như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa và Bắc Hà (Lào Cai). Do quý hiếm, khó trồng nên ngày xưa bạch đào được dùng để tiến vua hoặc chỉ các bậc vương giả, quan lại mới có thể chơi.

Vì yêu bạch dào nên các nghệ nhân đã di thực loại cây này từ những nơi có mùa đông rét buốt ở miền Bắc lên miền đất Tây Nguyên nắng gió và chăm sóc rất công phu để cây quen dần với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất mới. Sau đó kỳ công sửa tán, tạo dáng và hãm bớt thời gian sinh trưởng để đào nở đúng dịp Tết Nguyên đán.

Khó khăn vất vả là thế nhưng trồng bạch đào cũng chỉ để ngắm, tặng cho nhà thờ, chùa chiền hoặc mang đi trưng bày cho khách tham quan chứ không bán được.

Nguyên nhân, theo anh Bùi Văn Sang, người miền Nam cho rằng màu đen và màu trắng tượng trưng cho sự tang tóc nên vào ngày Tết thường tránh chưng các loài hoa có những màu sắc này. Trong khi ở ngoài Bắc, một gốc đào trắng được bán với giá từ 600 ngàn đến vài triệu đồng.

Ông Nguyễn Quang Lâm (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) sở hữu vườn đào Nhật Tân trên 300 gốc tại Nam Ban. Gia đình ông cũng mang một số gốc bạch đào vào trồng 5-6 năm nay và dày công thuần hóa để cây nở hoa vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

Cây bạch đào trong vườn nhà ông Lâm

“Chúng tôi trồng đào trắng chỉ để nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương mỗi khi Tết đến xuân về hoặc tặng cho nhà chùa chứ không bán được. Ở trong Nam, chẳng thấy ai mua bạch đào để chưng Tết cả”, ông Lâm tâm sự.

Tết này, anh Bùi Văn Sang đã ghép thành công 3 loại đào (bích đào, bạch đào và hồng đào) trên một cội đào già có dáng thế rất đẹp. Bạch đào ở giữa như cái nhụy hoa, còn bích đào và hồng đào tỏa ra xung quanh như những cánh hoa.

Kim Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/du-lich/bach-dao-quy-hiem-trong-de-tang-chu-khong-ban-1375475.tpo