Bách khoa thư CAND - nâng cao trình độ, làm giàu tri thức cho CBCS

Ngày 30/10, Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an tổ chức Hội thảo khoa học 'Biên soạn Bách khoa thư CAND Việt Nam – Thực tiễn và kinh nghiệm'.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Quang Trung và Đại tá, TS Đỗ Văn Hoan - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có: PGS.TS Trần Thị An, Thư ký Nhiệm vụ Quốc chí, Đại học Quốc gia Hà Nội; T.S Trịnh Minh Thảo, Chánh Văn phòng Nhiệm vụ Quốc chí, Đại học Quốc gia Hà Nội; T.S Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; Ban Biên tập Bách khoa thư CAND và đại diện lãnh đạo các ban liên lạc chuyên ngành, các cục, học viện, trường CAND…

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an cho biết, trước yêu cầu của thực tiễn và đòi hỏi phải trang bị các tri thức mang tính hệ thống, cần thiết cho cán bộ, chiến sỹ Công an, góp phần bảo đảm yêu cầu công tác, chiến đấu, học tập, nâng cao trình độ, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, Chỉ thị số 06/2006/CT-BCA(V1) của Bộ trưởng Bộ Công an về việc biên soạn Bách khoa thư CAND với mục tiêu khái quát hóa, hệ thống hóa một cách sâu sắc, đầy đủ và toàn diện tri thức về công tác Công an phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, làm giàu tri thức của cán bộ, chiến sỹ lực lượng CAND Việt Nam.

Đại tá, TS Đỗ Văn Hoan, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an điều hành tham luận tại hội thảo.

Theo Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Quang Trung, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 06, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị Công an các cấp, sự làm việc hết sức trách nhiệm của đội ngũ, cán bộ khoa học, các chuyên gia, cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên và cán bộ hoạt động thực tiễn và đến nay đã cơ bản hoàn thành Bộ Bách khoa thư CAND Việt Nam gồm 7 phần tương ứng với 7 lĩnh vực công tác Công an.

Một số đại biểu tham gia đóng góp những ý kiến tâm huyết tại hội thảo.

Đây là những công trình khoa học lớn, với lượng thông tin khổng lồ với hàng ngàn trang tài liệu; thực sự là bộ sách công cụ dùng để học tập, tra cứu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ CAND…

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, dưới sự chủ trì tọa đàm của Đại tá, TS Đỗ Văn Hoan, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an, Ban Biên tập Bách khoa thư CAND và các đại biểu là các nhà khoa học, quản lý, các đơn vị tham gia biên soạn Bách khoa thư CAND đã cùng thảo luận, đóng góp những ý kiến quan trọng, tâm huyết xoay quanh việc xây dựng báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 06. Qua đó, rút ra các bài học kinh nghiệm về biên soạn Bách khoa thư CAND Việt Nam ở các đơn vị, địa phương cũng như sự chỉ đạo, lãnh đạo của Công an các cấp trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 06; thu thập ý kiến phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng Chỉ thị mới của Bộ trưởng Bộ Công an về biên soạn Bách khoa thư CAND Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo…

Sau một buổi sáng làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, Hội thảo khoa học “Biên soạn Bách khoa thư CAND Việt Nam – Thực tiễn và kinh nghiệm” đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.

Thảo Vy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-an/bach-khoa-thu-cand-nang-cao-trinh-do-lam-giau-tri-thuc-cho-cbcs-617785/