Bài 1: 'Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy'

Cả nước đã, đang tiến hành đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trước mỗi kỳ đại hội nói riêng, trong sự phát triển nói chung, công tác cán bộ luôn là vấn đề hệ trọng, quyết định, thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân. Điều này không có gì phải bàn cãi, nhưng thực tế không phải khi nào, ở đâu vấn đề nhân sự cũng 'thấu tình, đạt lý'. Ngăn chặn những hạn chế, ngày càng làm tốt công tác cán bộ được xem như việc 'đánh chìa khóa' để mở ra nhiều 'cánh cửa' đầy hy vọng...

Làm tốt công tác cán bộ - “đánh chìa khóa” mở nhiều “cánh cửa”

(Ảnh minh họa)

Trong so sánh ấy, mọi người đều có thể hiểu, nhìn nhận và đánh giá được vai trò của từng khâu, từng mắt xích trong dây chuyền của bộ máy. Và mỗi người đều có thể dễ mường tượng, hình dung ra việc khi mà dây chuyền bị trục trặc ở mắt xích, công đoạn nào đó thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của dây chuyền cụ thể nói riêng, đến cả bộ máy nói chung. Và từ đó, có thể suy ra rằng, khi cán bộ có vấn đề về năng lực, trình độ, tư cách, phẩm chất đạo đức... thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả một tập thể, khiến tập thể đó không thể hoạt động bình thường, mà sẽ vấp phải những trục trặc, khó khăn về nhiều mặt khác nhau...Sự so sánh giản dị, dễ hiểu...“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được (1). Không chỉ so sánh hết sức giản dị, dễ hình dung nhưng khúc chiết, chuẩn mực, bao quát như vậy, tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ luôn khẳng định rõ rằng, cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề, mọi công việc thành hay bại đều do cán bộ.

Không chỉ so sánh giàu hình ảnh về vị trí, vai trò của cán bộ, cũng như công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ cán bộ, để dây chuyền, cũng như bộ máy có thể vận hành trơn tru, hiệu quả. Người đúc kết từ thực tiễn trở thành lý luận rằng: “Nơi nào mà cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt, thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm... Nơi nào có cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy. Và cả vùng đó tỏa ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ” (2).

Rõ ràng, khi mà không đặt cái chung, vì tập thể lên trên hết với tinh thần khách quan, công tâm thì thật khó mà có đủ tâm, tầm, tài, trí để chọn lựa, bồi dưỡng, dìu dắt đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận “vừa hồng vừa chuyên”. Và ngược lại, nếu cán bộ tài đức, vì cái chung, vì sự phát triển của tập thể thì chắc chắn sẽ tạo ra được môi trường làm việc tốt, kích thích, phát huy tài năng, công sức, nâng cao hiệu quả làm việc của từng thành viên, nhờ đó mà tập thể có thể hoạt động tốt, tạo đà cho việc đạt được những thành tích quan trọng, đóng góp cụ thể vào sự phát triển chung.

Với việc lựa chọn, dìu dắt cán bộ kế cận, nói như Người rất dễ hiểu, nhưng trong thực tế việc thực hiện lại không hẳn đã dễ dàng. Mỗi thời kỳ, ở chỗ này, chỗ khác vẫn tồn tại hiện tượng khá phổ biến là việc chăm chút đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận không thật sự được quan tâm, thậm chí còn bị lơ là, xem nhẹ, thậm chí buông lỏng nên dẫn đến tình trạng nhiều nơi còn để xảy ra tình trạng “đứt gãy”, khủng hoảng đội ngũ cán bộ, dẫu cho khoảng trống ấy các thành viên trong tập thể đều dễ dàng nhìn ra. Bên cạnh đó, việc lựa chọn, đề bạt cán bộ cũng không hẳn dựa trên những tiêu chí khách quan, những tiêu chuẩn cứng, không dựa trên năng lực thực sự, nên vẫn xảy ra tình trạng ưu ái cất nhắc, đề bạt “con ông, cháu cha”, vẫn diễn ra tình trạng chạy chức, chạy quyền ngày càng ngang nhiên, tinh vi. Điều ấy dẫn đến sự tha hóa cán bộ, tình trạng tiêu cực, tham nhũng tràn lan, ảnh hưởng xấu đến cả dây chuyền và bộ máy, tới sự phát triển chung...

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, nổi bật là 4 vấn đề phải tránh, đó là: 1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bạn bè; 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mà ghét những người chính trực; 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình và không dùng những người không hợp với mình, bất kể người đó có năng lực ra sao; 4. Hiện tượng cục bộ địa phương...

Người chỉ rõ: “Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”

(Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tập 11, tr.31).

“Sửa đổi lối làm việc”

Tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết xong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, lấy bút danh là X.Y.Z, do Nhà Xuất bản Sự thật xuất bản lần đầu năm 1948. Người chú trọng 6 nội dung trong cuốn sách, đó là:

1. Phê bình và sửa chữa. Người nêu tầm quan trọng của việc tự phê bình và phê bình, cách thức tiến hành phê bình và tự phê bình, 3 chứng bệnh (bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa) rất nguy hiểm cần phải sửa trong lối làm việc của Đảng.

2. Mấy điều kinh nghiệm. Người chỉ ra các kinh nghiệm: Muốn công việc thành công phải có cán bộ tốt; có chính sách đúng đồng thời phải có cách làm đúng; phải biết nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc; phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái; bất kỳ việc gì lợi ích của nhân dân thì làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân; sát quần chúng, hợp quần chúng.

3. Tư cách và đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh tư cách của Đảng chân chính cách mạng gồm 12 tiêu chí; phận sự của đảng viên và cán bộ là trọng lợi ích của Đảng hơn hết; có đạo đức cách mạng gồm “năm điều: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”; phải giữ kỷ luật, phải “chí công vô tư, chống chủ nghĩa cá nhân và sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm bằng phê bình và tự phê bình...”; tư cách và bổn phận đảng viên là phải căn cứ vào Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương; phải rèn luyện tính Đảng.

4. Vấn đề cán bộ. Người viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Người chỉ rõ những biện pháp tiến hành công tác huấn luyện cán bộ, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, chính sách cán bộ.

5. Cách lãnh đạo. Người phân tích: Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào? Lãnh đạo thế nào? Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng.

6. Chống thói ba hoa. Người chỉ rõ thói ba hoa là gì? cách chữa thói ba hoa...

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.237-238, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2008.

Tiêu chuẩn và việc bố trí, sử dụng cán bộ

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, Người không nhắc đến những tiêu chuẩn cụ thể liên quan bằng cấp, học hàm, học vị, trí tuệ uyên bác hay thành tích, mà chỉ là những yêu cầu rất đơn giản, không khó kiếm tìm, đó là: “Tự mình phải: cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít tham muốn vì vật chất. Bí mật. Đối với người: Với từng người thì phải khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm phục tùng đoàn thể (3).

Tuy rất rõ ràng, giản đơn, dễ hiểu như vậy, nhưng không phải ai cũng có thể nhớ, hiểu và thực hiện. Ví dụ như tiêu chuẩn “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình” thôi, cũng thấy rất khó biểu hiện sinh động trong cuộc sống. Bằng chứng là không ít cán bộ các cấp lãng phí, xa hoa, tốn kém chứ không hề cần kiệm. Không ít cán bộ, kể cả những người đứng đầu, không thể gần gũi, quy tụ, đoàn kết với mọi người vì sự nghiệp chung mà không vì lợi ích cá nhân, riêng tư nào. Việc chia bè kéo cánh, tạo nhóm lợi ích để tư lợi cá nhân diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lúc, gây mất đoàn kết, khiến công việc bị lơ là, trì trệ, kém hiệu quả... Tất nhiên, cán bộ không thể không nghĩ suy đến lợi ích của bản thân. Nhưng đó là điều hiển nhiên, bởi lợi ích của cán bộ, của người đứng đầu luôn được đa số người trong tập thể quan tâm, vì khi gặt hái thành quả thì đó là điều tưởng thưởng xứng đáng cho những vị “thuyền trưởng” dẫn dắt con tàu đi đúng hướng, về đích an toàn. Khi ấy, lợi ích của cán bộ gắn liền với kết quả đạt được, bởi như tục ngữ Việt Nam khẳng định rằng: “Một người biết lo bằng kho người làm”. Lợi ích của cán bộ không hề bị bỏ qua, nhất là khi nó được tiến hành một cách công khai, minh bạch...

Một điều rất quan trọng khác trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, đó là Người chỉ rõ cán bộ: “Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được”(4). Rõ ràng, trong thực tiễn, sự khảng khái ấy, biết mình, biết người, không ham hố danh lợi ấy không dễ dàng thực hiện. Thế nên mới xuất hiện không ít trường hợp tham quyền cố vị, dẫu không hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Nói rộng hơn, việc bố trí, sử dụng cán bộ, dù rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định, nhưng không phải ở đâu, khi nào cán bộ cũng được bố trí đúng với năng lực, sở trường của mình, thậm chí không ít cán bộ còn cố tình bị bố trí lệch vai, ngược với khả năng của họ, như một cách “dằn mặt”, “trả thù cá nhân” để hạn chế, kìm hãm sự phát triển, cống hiến của họ, khiến họ chán nản, thối chí, mất hết động lực, hưng phấn khi làm việc, thậm chí không ít trường hợp xin chuyển công tác, hoặc xin thôi việc...

***

Không có gì phải bàn cãi, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là những chỉ dẫn hết sức cụ thể, dễ hiểu, dễ hình dung và hoàn toàn có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, trong thực tế, việc học tập, làm theo tư tưởng của Người không phải lúc nào cũng thuận lợi, trơn tru, mà nhiều trường hợp, nhiều khi vẫn trục trặc, va vấp vì nhiều lý do khách quan, chủ quan khiến dây chuyền bị gián đoạn, thậm chí hỏng hóc, ảnh hưởng đến nhà máy, đến hoạt động, sự phát triển chung. Vì vậy, việc chú trọng đến công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ một cách bài bản, khoa học, chu đáo, thiết thực, có tầm chiến lược là rất quan trọng, là gốc rễ của vấn đề, là “chìa khóa” có thể mở ra những “cánh cửa” đầy hy vọng cho từng tập thể, mỗi đơn vị, địa phương, cũng như cho cả quốc gia, dân tộc.

TS Nguyễn Tri Thức

(1). Hồ Chí Minh,Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tập 5, tr. 68.

(2). Hồ Chí Minh,Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tập 5, tr. 166 – 167.

(3). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tập 5, tr.309.

(4). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tập 4, tr.51-52.

Kỳ 2: Sự kế thừa, vận dụng linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/bai-1-can-bo-la-cai-day-chuyen-cua-bo-may/115826.htm