Bài 1: Canh cánh nỗi lo mất an toàn thực phẩm

LTS: Từ lâu nay, 'thực phẩm bẩn' và vấn đề mất an toàn thực phẩm đã trở thành nỗi ám ảnh, nhức nhối trong xã hội. Chặn đứng 'thực phẩm bẩn' không chỉ để lấy lại lòng tin nơi người tiêu dùng mà còn để bảo vệ sức khỏe, sự phát triển của giống nòi; bảo vệ người sản xuất, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khẳng định uy tín quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Việc ăn gì, lựa chọn thực phẩm gì, ở đâu để bảo đảm chất lượng cho bữa ăn gia đình luôn là nỗi băn khoăn của các bà nội trợ cũng như mọi người dân. Trong khi đó, thông tin liên tiếp về các vụ "thực phẩm bẩn", không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng bị cơ quan chức năng phát hiện khiến người dân càng hoang mang, lo lắng. Mỗi dịp lễ, tết, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại càng nóng, trở thành sự quan tâm, nỗi lo lớn đối với toàn xã hội.

Hãi hùng từ những con số

Trong năm 2022, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường toàn quốc đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 8.514 vụ vi phạm pháp luật về ATTP, trong đó có 7.924 cá nhân và 642 tổ chức; khởi tố 24 vụ với 21 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 8.162 vụ với 7.573 cá nhân, 610 tổ chức. Trong đó, có những vụ việc, cơ quan chức năng thu giữ lên tới gần một trăm tấn thực phẩm không bảo đảm an toàn... Càng những ngày cuối năm, tình trạng vận chuyển, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng càng phức tạp.

Ngày 16-12-2022, thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường những tháng cuối năm, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phát hiện xe ô tô biển kiểm soát (BKS) 15B-024.24 vận chuyển 133kg nội tạng lợn đã chảy nước, bốc mùi hôi thối đi tiêu thụ khi đang lưu thông trên Quốc lộ 1A, đoạn thuộc địa phận phường Hải Yên, TP Móng Cái. Người điều khiển phương tiện là Nguyễn Văn Hưởng, trú tại phố Bắc Sơn, thị trấn Đầm Hà (Đầm Hà, Quảng Ninh). Thời điểm kiểm tra, tài xế này cho biết, số hàng trên mua của một người không rõ tên tuổi, địa chỉ, dự định đem về sơ chế rồi bán cho các cửa hàng ăn uống kiếm lời. Khi di chuyển qua địa phận TP Móng Cái thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Thực phẩm sống và thực phẩm chính bày bán không đúng quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Xuân Khánh, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều (Cần Thơ). Ảnh: DIỄM NGỌC

Thực phẩm sống và thực phẩm chính bày bán không đúng quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Xuân Khánh, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều (Cần Thơ). Ảnh: DIỄM NGỌC

Cũng trong ngày 16-12, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Yên Bái phối hợp với Công an tỉnh tiến hành kiểm tra ô tô tải do ông Nguyễn Ngọc Dũng, trú tại xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (Yên Bái) điều khiển. Kết quả kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe vận chuyển tổng cộng 7.560kg tràng trứng gà non đông lạnh. Ước tính tổng giá trị lô hàng hơn 1,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, toàn bộ số hàng hóa trên không có nhãn, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Một số sản phẩm đã bị biến đổi màu sắc, không đúng với bản chất tự nhiên của hàng hóa.

Trước đó, vào ngày 6-10-2022, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phối hợp với Cục QLTT TP Hà Nội tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH An Việt Hà Nội tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội), phát hiện trong kho tập kết các mặt hàng thực phẩm đông lạnh gồm thủ lợn, móng lợn, đùi lợn, chân gà... Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện tổng số lượng hàng vi phạm lên đến 90 tấn, nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng đã hai năm, đang chờ dán hạn sử dụng mới để đưa ra thị trường. Cơ quan chức năng nhận định đây là mặt hàng chưa qua kiểm dịch, chưa được kiểm nghiệm về ATTP, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu sử dụng. Ông Bùi Thanh Hào, Đội QLTT số 17, Cục QLTT TP Hà Nội cho biết: “Những mặt hàng này được tiêu thụ phần lớn tại các nhà hàng hoặc những quán ăn nhanh để phục vụ khách hàng chủ yếu là thanh thiếu niên thích ăn các món đồ nướng, món liên quan đến sản phẩm đông lạnh”. Trước đó, vào ngày 10-2-2022, lực lượng chức năng TP Hà Nội kiểm tra xe tải mang BKS 29H-787.77 trên đường từ tỉnh Lào Cai về TP Hà Nội chở 4,9 tấn thực phẩm đông lạnh gồm: Nầm lợn, sủi cảo, lườn ngỗng, tràng trứng, thịt viên... không được bảo quản đúng tiêu chuẩn. Khi được hỏi, chủ số hàng là Nguyễn Văn Mạnh, trú tại huyện Lý Nhân (Hà Nam) nói: “Số hàng này được mua trôi nổi trên thị trường, mang về Hà Nội sẽ được giao đến các cửa hàng thực phẩm và bán lẻ tại các chợ”...

Không riêng các loại thực phẩm đông lạnh, sản phẩm rau, củ, quả cũng có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh diễn ra vào giữa tháng 7-2022, cơ quan này cho biết, sau khi lấy mẫu các sản phẩm tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” gửi kiểm tra đã ghi nhận còn có các mẫu sản phẩm tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng. Cụ thể, phát hiện hoạt chất carbendazim (trị nấm) trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh...; phát hiện hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng...; hoạt chất imidacloprid trên cải ngọt, cà chua; hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin trên sản phẩm thủy sản. Đặc biệt, qua kiểm tra sản phẩm rau, củ, trái cây tại 3 chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh, cơ quan này phát hiện tỷ lệ sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao. Tính chung, phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nhóm mặt hàng rau, củ, trái cây là 271/570 mẫu (chiếm tỷ lệ 47,54%), trong đó có nhiều mẫu vượt mức giới hạn cho phép. Đối với hải sản đánh bắt, về nhiễm kim loại nặng có 42/100 mẫu (tỷ lệ 42%) phát hiện nhiễm cadimi vượt mức cho phép, trong đó có 36 mẫu mực và 6 mẫu bạch tuộc. Với thủy sản nuôi, tồn dư kháng sinh cấm sử dụng ciprofloxacin 37/100 mẫu (chiếm tỷ lệ 37%); enrofloxacin 49/100 mẫu; trifluralin 5/100 mẫu...

Còn tại tỉnh An Giang, trong 11 tháng năm 2022, Cục QLTT tỉnh kiểm tra đột xuất, liên ngành, chuyên đề và theo kế hoạch định kỳ đối với lĩnh vực ATTP tổng cộng 242 vụ, xử lý 20 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 327 triệu đồng, phạt tiền hơn 266 triệu đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang kiểm tra 171 vụ, lấy 81 mẫu (kết quả: 40 mẫu không vi phạm, 33 mẫu vi phạm, 8 mẫu đang chờ kết quả). Kết quả, vi phạm 79 vụ; xử lý 80 vụ (6 vụ cũ), thu phạt hơn 727,2 triệu đồng, giá trị hàng hóa vi phạm hơn 675,5 triệu đồng, 5 vụ đang hoàn chỉnh hồ sơ chờ xử lý.

Trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Trần Thị Thu Liễu, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết: “Tính đến ngày 15-6-2022, toàn ngành y tế đã kiểm tra 290.415 cơ sở, phát hiện 29.983 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm 10,32% số cơ sở được kiểm tra); đã xử lý 6.181 cơ sở (chiếm 20,61% số cơ sở vi phạm), tổng số tiền phạt 52,132 tỷ đồng”.

Vừa ăn vừa lo

Từ một số kết quả xử lý và số liệu thống kê trên cho thấy, "thực phẩm bẩn", thực phẩm không an toàn luôn rình rập tuồn vào bữa ăn của người dân, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Để yên tâm hơn, nhiều người dân lựa chọn mua thực phẩm ở các siêu thị. Tuy nhiên, vụ việc một số chuỗi siêu thị, cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh bị phanh phui thu gom rau, thực phẩm ở chợ đầu mối đưa về đóng gói, dán nhãn VietGAP để bán đã giáng một đòn đau vào lòng tin của người tiêu dùng. Trong khi đó, hằng ngày, người dân vẫn phải mua và sử dụng thực phẩm không được kiểm soát chặt chẽ bằng sự tin tưởng vào người bán cùng kinh nghiệm, con mắt của mình. Mặt khác, một bộ phận người dân đời sống kinh tế còn khó khăn nên vẫn chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.

Khoảng 17 giờ 45 phút một ngày cuối tháng 12-2022, có mặt tại cổng Công ty Cổ phần Tiên Hưng ở thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), chúng tôi ghi nhận có một số người bán các loại thực phẩm đông lạnh, không ghi nguồn gốc, xuất xứ như: Chả cá, xúc xích, gà... Đáng chú ý, gà được bán ở đây lại bị bỏ đầu, giá rất rẻ, chỉ khoảng 60.000-80.000 đồng/con, được quảng cáo là gà mái đẻ hết lứa. Không chỉ công nhân Công ty Cổ phần Tiên Hưng mà nhiều người đi đường cũng dừng lại mua. Chị Vũ Thị Lụa, người dân xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ chia sẻ: “Đồng lương hạn chế, lại đi làm về muộn nên tôi cũng bấm bụng mua về nấu cho nhanh. Họ quảng cáo thế chứ không biết là loại gà gì, tôi ăn mấy lần cũng chưa thấy xuất hiện dấu hiệu gì bất thường nên tiếp tục mua”.

Còn anh Nguyễn Trường Nam, sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ: “Tôi và các bạn rất thích ăn các đồ nướng như chân gà, cánh gà, lòng lợn, nầm bò, nầm dê... ở quanh khu vực chợ Phùng Khoang, phường Văn Quán (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Mặc dù biết những đồ đông lạnh này có thể nguy hiểm, không bảo đảm an toàn nhưng nó phù hợp với túi tiền sinh viên nên đành tự nhủ là “khuất mắt trông coi”, “người khác ăn được thì mình cũng ăn được”.

Có mặt tại nhiều điểm chợ trên địa bàn TP Cần Thơ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân ghi nhận, nhiều tiểu thương trưng bày hàng hóa không che đậy, tiếp xúc với gió bụi, ruồi nhặng đậu kín ở các chợ truyền thống. Các mặt hàng thực phẩm như tôm khô, mực khô, cá khô... chỉ có số ít được bao bọc, đóng gói, có ghi nguồn gốc, xuất xứ theo quy định; còn lại hầu hết không có bao bì, nhãn mác, vì thế người mua khó biết được nơi sản xuất, hạn sử dụng của sản phẩm. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng bày bán thực phẩm đã nấu chín cùng với thực phẩm tươi sống như các loại bánh, giò chả, thịt lợn quay để chung sạp với thịt chưa qua chế biến. Ở trước chợ Xuân Khánh, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, người bán còn bày các loại bánh, chè, khoai, thức uống... sát lề đường mà không che chắn cẩn thận, chỉ cần một cơn gió thổi qua là bụi bay mù mịt. Còn ở những khu bán thực phẩm tươi sống, nếu khách hàng có nhu cầu thì người bán sẽ làm cá, ếch, gà, vịt... tại chỗ, sau đó chỉ giội rửa qua loa nên nền chợ luôn ẩm ướt, ruồi nhặng, bùn đất bám đầy. Chị Huỳnh Thị Phương Thảo, nhà ở đường 30-4, phường Xuân Khánh bày tỏ: “Tôi cũng có nghe nhiều về tình trạng mất vệ sinh ATTP nhưng không biết phải làm thế nào. Bao năm nay tôi vẫn mua thực phẩm ở những hàng quen vì tin tưởng và lựa thực phẩm tươi”.

Để kiểm soát lưu thông sản phẩm thịt đông lạnh hiện có sự tham gia phối hợp của lực lượng công an, QLTT, cơ quan thú y, thanh tra y tế. Tuy nhiên, lực lượng còn mỏng, chỉ đủ quân số để thanh tra, kiểm tra tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, hệ thống siêu thị trong khi mặt hàng này được bày bán ở khắp nơi, đặc biệt là trên các mạng xã hội. Đăng nhập vào mạng xã hội Facebook và gõ từ khóa “thực phẩm đông lạnh” sẽ xuất hiện hàng loạt hội nhóm buôn bán loại thực phẩm này, mỗi nhóm đều có hàng chục nghìn thành viên, cá biệt có nhóm lên tới gần 120.000 thành viên. Tại đây, khách hàng có thể tìm mua số lượng lớn các loại thực phẩm đông lạnh có mẫu mã và quy cách giống như thực phẩm trong nhiều vụ việc bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ. Việc mua bán cũng như chất lượng hàng hóa rất khó kiểm soát, quản lý, kiểm tra vì người mua và người bán trao đổi qua tin nhắn, điện thoại, không có địa chỉ kho hàng... Điểm đến của những đơn hàng này ở đâu thì càng khó đoán định, phát hiện.

Đại tá Bùi Đức An, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường đánh giá: “Tình hình vi phạm các quy định pháp luật về vệ sinh ATTP diễn ra ở nhiều khâu từ trồng trọt, chăn nuôi đến sản xuất, tiêu dùng, chế biến... Các đối tượng lợi dụng việc này để vi phạm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. ATTP có diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm cuối năm”.

Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư "về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới" nêu rõ: Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; ATTP trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm... ảnh hưởng lớn tới an ninh, ATTP.

(còn nữa)

ĐỨC TUẤN - THU THỦY - THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-1-canh-canh-noi-lo-mat-an-toan-thuc-pham-715571