Bài 1: Chiết khấu bất hợp lý và câu chuyện xăng, dầu lậu

LTS: Trong mấy tháng gần đây, thị trường xăng, dầu xuất hiện những bất ổn, có lúc có dấu hiệu đứt nguồn cung ở một số địa phương. Bộ Công Thương đã nhiều lần khẳng định, tổng nguồn cung xăng, dầu cung cấp đủ cho thị trường trong nước. Thế nhưng thực tế, tình trạng đứt nguồn cung cục bộ vẫn diễn ra, nhất là khi có biến động về giá. Những bất ổn trên thị trường xăng, dầu dai dẳng đó có nguyên nhân từ đâu? Làm thế nào để giải quyết căn cơ? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu từ các bộ có chức năng quản lý, điều hành trong lĩnh vực xăng, dầu; một số địa phương, hiệp hội doanh nghiệp (DN), các DN đầu mối xăng, dầu, DN bán lẻ xăng, dầu và chuyên gia kinh tế... để có câu trả lời thỏa đáng.

Thời gian qua, hiện tượng một số cửa hàng xăng, dầu nghỉ bán hoặc bán cầm chừng với lý do thiếu nguồn cung vẫn chưa chấm dứt. Sự bất ổn của thị trường xăng, dầu ngoài lý do tác động của thị trường xăng, dầu thế giới còn do những bất cập trong quản lý kinh doanh xăng, dầu.

Các DN bán lẻ cho rằng, do cơ chế điều hành chưa công bằng đã dẫn tới tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ theo thời điểm, theo địa bàn dù tổng nguồn cung xăng, dầu vẫn đang được bảo đảm đủ.

Tổng nguồn cung đủ nhưng đại lý bán cầm chừng

Hội thảo "Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14-2 đã thu hút tới hơn 300 doanh nghiệp từ 50 tỉnh, thành phố tham dự.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến thể hiện sự lo lắng, bức xúc với những quy định và cách thức vận hành chưa hợp lý hiện nay, ảnh hưởng tới lợi nhuận của các DN kinh doanh xăng, dầu, đặc biệt là các DN bán lẻ.

Cần hệ thống lại những bất ổn của thị trường xăng, dầu trong nước thời gian qua để nhìn nhận rõ vấn đề. Có thể thấy, việc gián đoạn cục bộ nguồn cung xăng, dầu ở nước ta bắt đầu diễn ra vào thời điểm đầu tháng 2-2022. Thực tế, tình trạng thiếu hàng, khan hàng cục bộ là do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất bởi những khó khăn về tài chính. Tại thời điểm đó, trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm thì việc gián đoạn nguồn cung cục bộ là không thể tránh khỏi.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn. Ảnh: SƠN QUYÊN

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn. Ảnh: SƠN QUYÊN

Sau đó, Bộ Công Thương đã nỗ lực chỉ đạo gỡ khó khăn cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn; tăng năng lực sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; số lượng thiếu hụt vì sự cố đã được giao chỉ tiêu cho các DN đầu mối nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung trong nước. Liên quan tới việc gỡ khó cho DN đầu mối trong nhập khẩu xăng, dầu, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã 3 lần điều chỉnh chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam vào tháng 1, tháng 7 và tháng 11 theo đề xuất của Bộ Công Thương và kết quả tổng hợp rà soát báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu. Mức premium trong nước (khoản chênh lệch so với giá thế giới) và chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng cũng được Bộ Tài chính điều chỉnh hai lần theo thực tế báo cáo của đầu mối xăng, dầu, vào tháng 1 và tháng 10-2022.

Tổng nguồn cung đủ, thế nhưng trong suốt năm 2022 và đầu năm 2023, tình trạng đứt gãy nguồn cung cục bộ tại một số địa phương lại nhiều lần tái diễn. Lý giải vấn đề này, tại nhiều cuộc họp của Bộ Công Thương cũng như tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình trạng cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đóng cửa, bán nhỏ giọt tập trung ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là do khu vực này có lượng đáng kể xăng, dầu trôi nổi, kể cả xăng, dầu lậu, giả. Có lượng xăng trôi nổi, chủ cửa hàng bán lẻ xăng, dầu không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu (hoa hồng) cũng như không quan tâm chuyện mua của DN đầu mối một cách ổn định.

“Xăng, dầu lậu ngày càng bị siết chặt, chỉ còn xăng, dầu chính thống. Mà đối với xăng, dầu chính thống, khi nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động, chiết khấu thấp dẫn tới việc chủ cửa hàng bán lẻ kiếm được ít tiền hơn, thậm chí lỗ, thì không ai muốn làm”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích.

Bộ Công Thương cho biết, do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng, dầu tăng mạnh, các DN nhập khẩu (tức DN đầu mối) không có đủ nguồn tài chính nhập hàng nên chỉ duy trì lượng hàng đủ cung cấp cho hệ thống phân phối của DN mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Nhiều DN đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ trong năm 2022 cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các DN, làm gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương...

Thua lỗ vẫn phải bán hàng

Cân đối số liệu về sản lượng tiêu thụ và sản lượng sản xuất, nhập khẩu thì nguồn cung xăng, dầu phục vụ cho thị trường trong nước được đáp ứng đủ. Điều này cho thấy, việc thiếu hàng cục bộ, nhất là vào thời điểm biến động về giá chủ yếu nằm ở dòng chảy xăng, dầu giữa DN nhập khẩu (tức DN đầu mối) và các thương nhân phân phối (DN nhận hàng từ đầu mối/từ các nhà máy sản xuất trong nước); tổng đại lý, đại lý; cửa hàng bán lẻ đến người tiêu dùng đã có lúc bị gián đoạn.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đứt gãy nguồn cung này là do cơ chế điều hành chưa công bằng đối với DN bán lẻ xăng, dầu. Cùng với đó là do cơ quan điều hành không điều chỉnh giá bán lẻ theo sát diễn biến trên thị trường, dẫn tới giá bán lẻ bán thấp dưới giá cơ sở, từ đó, DN đầu mối lỗ, cắt chiết khấu đối với các khâu trung gian và khâu bán lẻ.

Theo chia sẻ của nhiều DN bán lẻ, hiện nay, họ vẫn đang “rơi vào thế đường cùng”. Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho hay, DN bán lẻ bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, về quan hệ giao dịch và luôn ở vào thế bất lợi. Điển hình, quy định về chiết khấu đang có phân biệt giữa các DN. Trong khi thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối được hưởng chi phí định mức, lợi nhuận cố định trong công thức tính giá cơ sở xăng, dầu thì mức chiết khấu cho đại lý, cửa hàng bán lẻ lại do thương nhân đầu mối và các cấp trung gian tự quy định.

"Họ muốn chiết khấu bao nhiêu thì DN bán lẻ được bấy nhiêu, thậm chí là 0 đồng, nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận để có hàng. Bởi theo quy định, dù lãi hay lỗ thì DN bán lẻ vẫn phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt, thu hồi giấy phép kinh doanh. Do đó, suốt thời gian dài vừa qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, thua lỗ nặng nhưng các cửa hàng vẫn phải duy trì kinh doanh”, ông Giang Chấn Tây bức xúc nói.

Cho rằng DN bán lẻ xăng, dầu chưa bao giờ gặp khó khăn như hiện nay, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí Sơn Hải (TP Hà Nội) cho biết, chiết khấu thấp, có thời điểm bằng 0 đồng/lít, khiến DN bán lẻ xăng, dầu rơi vào tình trạng càng kinh doanh càng lỗ khi gồng gánh thêm các khoản chi phí như vận chuyển, hao hụt, tiền lương, khấu hao tài sản, điện, nước...

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, điểm bất hợp lý nữa khiến các DN bán lẻ xăng, dầu bị triệt tiêu sức cạnh tranh là thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ, làm chủ chuỗi cung ứng của chính họ. Họ được hưởng quyền lợi về giá (tính định mức lợi nhuận) và được lấy hàng ở nhiều nơi, chủ động được nguồn hàng, còn thương nhân bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nơi. Thêm nữa, khi xăng, dầu có xu hướng tăng giá, họ từ chối bán cho DN bán lẻ để tồn trữ, hưởng chênh lệch giá.

Liên quan tới vấn đề này, ngày 1-2, gần 9.000 DN bán lẻ xăng, dầu trên cả nước đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, góp ý việc sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1-11-2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu. Trong đơn viết: “DN bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Kể cả sau một, hai năm đổi nhà phân phối khác thì vẫn bị chèn ép chiết khấu. Bởi nhà phân phối biết rằng, nếu DN bán lẻ không lấy hàng của họ thì cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác”. Rõ ràng, nếu cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng, dầu chưa được xem xét, điều chỉnh phù hợp thì những bất ổn còn tiếp diễn.

(còn nữa)

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-1-chiet-khau-bat-hop-ly-va-cau-chuyen-xang-dau-lau-719107