Bài 1: Chưa phát huy hiệu quả như mong muốn

TS. Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dụcThực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), tự chủ đại học thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, thực tế thi hành đã bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế, khiến cho cơ chế tự chủ đại học chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

Chuyển biến tích cực về nhận thức và điều kiện thực hiện

Tự chủ đại học là một chủ trương lớn, được coi là giải pháp đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học (GDĐH) theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, tác động tích cực tới hệ thống GDĐH trong thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đã có chuyển biến tích cực về nhận thức và điều kiện thực hiện tự chủ đại học. Nguồn: vnuhcm.edu.vn

Thứ nhất, nhận thức về tự chủ đại học có chuyển biến tích cực, thống nhất trong quan điểm tiếp cận cũng như xác định rõ vai trò của tự chủ là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Khơi thông nhận thức sẽ mở đường cho cơ chế, chính sách, do vậy, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thứ hai, hành lang pháp lý về tự chủ đại học tiếp tục được hoàn thiện, ngày càng đồng bộ hơn. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị Tự chủ đại học 2022, kể từ khi Luật số 34/2018/QH14 được thông qua và có hiệu lực thi hành, tính đến tháng 12.2022, cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền đã ban hành 27 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến tự chủ đại học. Chẳng hạn như làm rõ thêm mối quan hệ giữa các thiết chế trong nhà trường theo hướng phân vai, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn để công tác quản trị, quản lý và điều hành hoạt động nhà trường một cách hợp lý hơn; đổi mới cơ chế tài chính, đồng thời nghiên cứu, đẩy mạnh xã hội hóa thông qua các hình thức hợp tác đối tác công tư trong GDĐH.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống GDĐH có nhiều chuyển biến, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho cơ sở trong khuôn khổ pháp luật quy định. Công tác quản trị đại học đổi mới theo hướng tinh gọn tổ chức bộ máy, phát huy dân chủ; có sự linh hoạt, chủ động trong xây dựng và tổ chức các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, góp phần bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ tư, cơ chế tài chính đối với cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ được điều chỉnh, một mặt giúp các đơn vị đa dạng hóa nguồn lực đầu tư; mặt khác giúp các nhà trường có thêm nguồn lực để tái đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và nâng cao chế độ đãi ngộ, cải thiện mức thu nhập cho cán bộ, giảng viên, thu hút, giữ chân đội ngũ cán bộ có năng lực yên tâm công tác.

Nhưng vẫn còn nhầm lẫn đáng tiếc

Mặc dù việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp cải thiện, đổi mới hệ thống GDĐH và đạt được một số kết quả tích cực; nhưng thực tế được phản ánh từ các cơ sở GDĐH cho thấy, vẫn còn có sự nhầm lẫn đáng tiếc trong cách tiếp cận khái niệm tự chủ đại học, dẫn tới cách hiểu và vận dụng vào thực tiễn không thống nhất. Hoặc là hướng tiếp cận “tự chủ đại học” với nghĩa “tự quyết”, cơ sở GDĐH được hoàn toàn “tự do” quyết định mọi việc, và theo đó, phủ nhận vai trò của Nhà nước trong kiểm soát chất lượng, định hướng hoạt động của các trường. Hoặc là hướng tiếp cận “tự chủ đại học” chính là “tự túc”, và trường đại học muốn tự chủ toàn diện sẽ phải cân nhắc, đánh đổi giữa “tự chủ” với việc ngừng cấp ngân sách nhà nước cho nhà trường cả về chi thường xuyên lẫn chi đầu tư.

Câu chuyện “tự chủ” về mức chi nhưng chưa thực sự “tự chủ” về mức thu khiến việc thực hiện tự chủ không khác nhiều so với không tự chủ. Thời gian qua, do bị khống chế về trần học phí, không theo nguyên tắc “tính đúng, tính đủ”, thu không đủ chi, hệ quả là một số cơ sở GDĐH công lập buộc phải có những khoản thu ngoài quy định, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn thu.

Cách tiếp cận không đúng, cách hiểu không trúng, đương nhiên sẽ gây lúng túng trong triển khai tổ chức thực hiện. Và đáng băn khoăn hơn, vai trò của Nhà nước đối với GDĐH chưa được xác định rõ; mối quan hệ giữa tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình cũng chưa thể rạch ròi. Đây là nguyên nhân tự chủ đại học mấy năm qua vẫn còn hình thức, chưa thể có hiệu quả thực chất.

Hành lang pháp lý thiếu đồng bộ

Trên thực tế, hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện tự chủ đại học còn có sự mâu thuẫn, chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, nhất là về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, tài sản.

Về nhân sự, Luật số 34/2018/QH14 trao thẩm quyền cho cơ sở GDĐH quyết định cơ cấu tổ chức, tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhân sự. Tuy nhiên, nhân sự trong cơ sở GDĐH công lập hầu hết là viên chức - chịu sự điều chỉnh đồng thời bởi quy định của nhiều luật khác như Luật Viên chức, Luật Thi đua khen thưởng, Bộ luật Lao động… Do đó, việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, thực hiện chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên đại học phải tuân thủ theo các quy định của các luật chuyên ngành.

Việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý trong nhà trường còn phải tuân theo các quy định của pháp luật và các quy định của Đảng về công tác tổ chức cán bộ; kể cả sự chi phối bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đối với cả những chức danh quản lý mà Luật số 34/2018/QH14 đã quy định rõ là “do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định” cũng trong tình trạng này.

Về tổ chức, Luật số 34/2018/QH14 cho phép trường đại học thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp không cho phép cơ quan nhà nước “sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình”; không cho phép cán bộ, viên chức được “thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam”. Còn theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được “thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Rốt cục, việc thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong cơ sở GD ĐH vẫn khó khả thi trong thực tiễn.

Ngay cả thiết chế hội đồng trường được kỳ vọng sẽ tạo cú huých, thúc đẩy nhanh chóng việc dân chủ hóa trường học, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị đại học theo hướng tự chủ; tuy nhiên, trên thực tế chưa thể phát huy hiệu quả như mong moon vì còn vô số vướng mắc.

Về tài chính, tài sản, Luật số 34/2018/QH14 đề cao tính tự chủ của các trường đại học về tự chủ tài chính. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa nguồn thu của các trường gặp nhiều rào cản bởi các quy định pháp luật liên quan. Chẳng hạn như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai có một số quy định ràng buộc làm hạn chế các trường triển khai các hoạt động liên doanh, liên kết, cho thuê, góp vốn đầu tư; hay việc sở hữu và quyền khai thác kết quả nghiên cứu khoa học từ các công trình nghiên cứu cũng gặp nhiều khó khăn bởi các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ. Nhiều quy định liên quan đến quy trình, thẩm quyền quyết định trong Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu cũng khiến các trường gặp nhiều khó khăn, chưa thể chủ động trong nhiều hoạt động liên quan đến mua sắm thiết bị, đầu tư công, xây dựng cơ bản.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/hoan-thien-phap-luat-ve-tu-chu-dai-hoc-dap-ung-yeu-cau-giai-doan-moi-chua-phat-huy-hieu-qua-nhu-mong-muon-i328103/