Bài 1: Chương trình OCOP: Động lực phát triển thương hiệu

Toàn tỉnh có 68 sản phẩm OCOP, gồm 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đang hoàn chỉnh hồ sơ), 20 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 47 sản phẩm xếp hạng 3 sao.

Phơi muối ớt tôm - một trong những đặc sản nổi tiếng của Tây Ninh.

Tây Ninh được xem là cửa ngõ quan trọng trong giao thương quốc tế của các tỉnh miền Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở ra những triển vọng lớn, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Trong đó, những ưu thế nổi bật là vị trí địa lý kinh tế thuận lợi cho việc mở rộng thị trường (trong tỉnh, ngoài tỉnh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) và tham gia xuất khẩu. Tây Ninh có nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú, một số ngành nghề truyền thống với sản phẩm hàng hóa nổi tiếng cùng đội ngũ thợ, nghệ nhân có trình độ tay nghề khá cao là nền tảng tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Hiện nay, toàn tỉnh có 68 sản phẩm OCOP, gồm 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đang hoàn chỉnh hồ sơ), 20 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 47 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Có thể kể đến một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: bánh tráng, muối ớt, mãng cầu, mật ong, thực phẩm chay, trà Tâm Lan, rau rừng, nhang…

Thời gian qua, thị xã Trảng Bàng tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần phát triển hương hiệu đặc sản của tỉnh nói chung, thị xã Trảng Bàng nói riêng.

UBND Thị xã ban hành các văn bản về việc triển khai thực hiện chương trình, tổ chức tập huấn; triển khai đồng bộ đến các xã, phường, chỉ đạo xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực như: bánh tráng phơi sương, rau rừng, dưa lưới… góp phần làm nên thương hiệu cho thị xã Trảng Bàng được quảng bá rộng rãi cả nước.

Chị Lê Thị Thanh Thúy- chủ cơ sở sản xuất bánh tráng phơi sương, đóng gói rau đặc sản Trảng Bàng (khu phố Lộc Trát, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng) cho biết, vườn rau rừng của gia đình chị có gần như đầy đủ các loại rau với diện tích khoảng 3 ha. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất bánh tráng, chị còn đầu tư, trang bị máy nướng bánh, tráng bánh. Hiện nay, ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm bánh tráng phơi sương còn được xuất sang Mỹ.

Ông Hà Minh Dảo- Phó Chủ tịch UBND Thị xã cho biết: “Với sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đến nay, toàn Thị xã có 4 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên.

Trong đó, có 1 sản phẩm đạt 4 sao là sản phẩm dưa lưới của Công ty Hoàng Xuân; 3 sản phẩm đạt 3 sao, gồm: sản phẩm bánh tráng phơi sương và rau rừng của cơ sở Thanh Thúy và sản phẩm gạo ST25 Hưng Thịnh của Hợp tác xã dịch vụ thủy lợi nông nghiệp Hưng Thuận.

Kết quả thực hiện chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thị xã, chuyển đổi tư duy từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống đạt tiêu chuẩn có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”.

Trong chương trình OCOP, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, tạo các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hóa, phát triển dịch vụ; tăng cường quản lý và giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; hỗ trợ về tín dụng, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm một cách sâu rộng trên địa bàn tỉnh đã thu hút lượng lớn các chủ thể sản xuất tham gia, trong đó, không ít chủ thể có sản phẩm đặc sản như muối tôm, muối ớt, bánh tráng, rau rừng của Công ty TNHH Tân Nhiên, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung, Công ty cổ phần Natani, cơ sở sản xuất Long Hà, cơ sở chế biến kỹ nghệ thực phẩm Phú Gia Bảo…

Bên cạnh đó, còn có sản phẩm chế biến từ đặc sản của tỉnh, góp phần làm đa dạng, phong phú hơn nữa danh sách sản phẩm thương hiệu đặc sản Tây Ninh cũng như mở ra hướng đi mới cho việc phát triển đặc sản trái mãng cầu là sản phẩm nước ép mãng cầu của Công ty TNHH đông dược Vĩnh Xuân.

Việc các sản phẩm đặc sản tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm và được công nhận là sản phẩm cấp tỉnh góp phần khơi dậy niềm tự hào của các chủ thể sản xuất, gây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển các sản phẩm đặc sản Tây Ninh theo hướng chuẩn hóa sản phẩm, phù hợp với thị hiếu cũng như đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Chị Lê Thị Thanh Thúy thu hoạch rau rừng.

Phần lớn các sản phẩm mang thương hiệu truyền thống của tỉnh đều xuất phát từ các vùng nông thôn, chương trình OCOP là một động lực thúc đẩy vô cùng to lớn, là một sân chơi bình đẳng, mà khi tham gia, các chủ thể sản xuất các sản phẩm truyền thống biết được cách để hoàn thiện sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng ngày càng khó tính.

Đây là cơ hội để nhìn nhận lại những điểm chưa tốt về sản phẩm, cũng như nhận được sự tư vấn, hỗ trợ để hoàn thiện những điểm chưa tốt. Chương trình OCOP có điểm khởi đầu nhưng không có sự kết thúc, các tiêu chí đánh giá sản phẩm thay đổi, nâng cao theo thời gian - từ Quyết định 1048/QĐ-TTg, Quyết định 781/QĐ-TTg đến Quyết định 148/QĐ-TTg. Các sản phẩm không ngừng được nâng cao, hoàn thiện. Các sản phẩm muốn có được chỗ đứng trong thị trường phải không ngừng nâng cao không chỉ về chất lượng, mẫu mã bao bì mà còn phải phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm: “Một tín hiệu đáng mừng và đáng được đánh giá cao là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có sự tham gia tích cực trong việc xây dựng, phát triển một số thương hiệu đặc sản của tỉnh. Và để đạt được những thành quả hiện tại cũng như phấn đấu trong tương lai là một sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các chủ thể.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, chúng ta còn rất nhiều thứ phải hoàn thiện và cố gắng trên bước đường phát triển các sản phẩm đặc sản của mình. Để đạt được những thành công đó, chỉ với sự cố gắng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thôi là chưa đủ, mà phải là sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm hỗ trợ, gợi mở phương hướng phát triển và hoàn thiện các sản phẩm phù hợp với thị hiếu thị trường. Một trong số đó chính là hỗ trợ về xây dựng, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các loại sản phẩm này”.

Trước đây, các chủ thể sản xuất chỉ hướng vào hoàn thiện sản phẩm và mang lại giá trị lợi nhuận, nhưng khi tham gia vào chương trình OCOP, các chủ thể sẽ phải chú ý hơn về bình đẳng giới, môi trường, áp dụng máy móc thiết bị hiện đại. Từ đó, góp phần đưa các sản phẩm thương hiệu đặc sản của tỉnh Tây Ninh hướng đến trở thành những sản phẩm sạch và xanh, gìn giữ, bảo vệ môi trường.

Trúc Ly - Nhi Trần

(còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-chuong-trinh-ocop-dong-luc-phat-trien-thuong-hieu-a157829.html