Bài 1: Chuyên gia 'giải mã' 3 nghịch lý phòng cháy chữa cháy kinh doanh karaoke

Hàng loạt vụ cháy quán karaoke vừa qua được chuyên gia chỉ ra 3 nghịch lý trong công tác quản lý, cấp phép, cứu hộ, cứu nạn.

Phòng karaoke kín, vật liệu dễ cháy, và khi cháy thì với điều kiện thông gió bằng 0 - sẽ ngay lập tức gây tụ khói, tụ khí độc- gây chết người. Điều này đã xảy ra khi làm 33 người chết ở Bình Dương vừa qua cũng như nhiều vụ cháy quán Karaoke trước đó diễn ra trên cả nước.

Để giải mã nguyên nhân, chúng tôi được cán bộ Cục Cảnh sát PCCC giới thiệu tiếp cận một chuyên gia là lãnh đạo doanh nghiệp có rất nhiều kinh nghiệm PCCC nhưng rất...kín tiếng. Ông cho hay đã nghiên cứu về kiểm soát rủi ro nhiều năm và chia sẻ 3 vấn đề cũng là 3 nghịch lý của công tác phòng cháy chữa cháy tại các quán karaoke của Việt Nam hiện nay.

Nghịch lý thứ nhất là về cấp độ nguy hiểm. Theo quy định về khoảng cách an toàn PCCC với các công trình khác theo QCVN 06:2020/BXD “Quy chuẩn quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình” và tiêu chuẩn Việt Nam về cấp độ cháy thì các phòng hát karaoke đáng lẽ phải được xếp vào cấp độ nguy hiểm về cháy nổ ở mức cao nhất do vật liệu gây cháy bao phủ ít nhất 90% bề mặt xung quanh của phòng. Tuy nhiên ở Việt Nam thì chỉ được xếp ở cấp độ ở dạng thông thường.

Khi mà đặt nhẹ công trình có tính nguy hiểm cao do cháy ở cấp độ thông thường thì mức độ quan tâm của các chủ đầu tư, chủ cơ sở kinh doanh karaoke, cơ quan quản lý sẽ là coi thường. Chưa cần nói đến vấn đề thoát hiểm, hệ thống báo cháy… đã bị xem nhẹ. Do đặt nhẹ như thế nên việc quản lý các loại hình kinh doanh có điều kiện cũng bị xem nhẹ theo.

Do đặc thù vật liệu của các phòng karaoke là các vật liệu thuộc dạng hạng cháy A nhưng có yếu tố chuyển pha sang B do nhiệt (xốp, mút, nhựa..đây là những vật liệu từ sản phẩm hóa dầu).

Nhiệt trị sản sinh ra rất lớn khi cháy, dẫn đến diện tích đám cháy sẽ lớn hơn bình thường nếu căn cứ theo diện tích bề mặt vật liệu. Khi cháy sẽ tạo thành đám cháy 3 chiều (3D) với tốc độ siêu nhanh. Nguy cơ tích nhiệt phá vỡ kết cấu xây dựng rất cao.

“Đáng tiếc vấn đề quản lý lại không xác định được các vấn đề này để áp đúng cấp độ cháy cho các công trình dạng này. Đây là một sai lầm nghiêm trọng trong công tác xây dựng hệ tiêu chuẩn và quản lý PCCC đối với các quán karaoke”, vị chuyên gia này khẳng định

Nghịch lý thứ 2 là đặc thù cháy. Khi phát sinh đám cháy, do vật liệu cháy là sản phẩm hóa dầu nên sẽ phát tán rất nhanh do có sự chuyển pha từ pha rắn sang lỏng. Khi sử dụng nước phun vào thì coi chừng nó cháy to hơn và cháy lan nhanh hơn. Bởi trong quá trình phát tán cộng với nhiệt lượng nên nó sẽ tạo thành một tác nhân gây cháy, các sản phẩm cháy dạng độc cấp tính có thể gây tê liệt thần kinh trong khoảng từ 8 đến 12 giây do độc gốc benzen và các hóa chất, khí độc sinh ra trong quá trình cháy như: DO, CO…

Vụ cháy quán karaoke ở Đồng Nai hôm 11.9

Vụ cháy quán karaoke ở Đồng Nai hôm 11.9

Khi hít phải từ 3-6s thì hệ thần kinh sẽ bị tê liệt lúc đó chúng ta sẽ mất ý thức và hệ thống hô hấp bị tổn thương do bỏng hô hấp. Nguyên nhân là do các hạt ở nhiệt độ cao có trong khói bay vào làm ảnh hưởng đến tế bào phổi. Người hít phải khói đấy thường sẽ bị chết rất nhanh. Như vậy, thời gian vàng ở đây chỉ kéo dài trong 10 đến 15 giây đầu tiên để thoát hiểm.

Do cấu trúc xây dựng các phòng hát thường có kèm toilet ở vị trí gần với vị trí người ngồi hát nên tâm lý thoát vào toilet sẽ tạo lựa chọn đầu tiên thêm vào đó mọi người cho rằng trong toilet có nước thì sẽ hạn chế được đám cháy lan vào đó... Tuy nhiên, nhiệt phát ra từ phòng hát sẽ đun sôi nước trong hệ thống nước trong tường tạo ra hơi quá nhiệt cao áp.

Ở các vị trí yếu, hơi nước sẽ phá vỡ và xả vào không gian. Sẽ giống như một phòng xông hơi, nhiệt tăng quá nhanh sẽ "hấp chín" mọi cái xung quanh trong vòng 5 đến 10 phút giống như ninh thịt trong nồi áp suất vậy.

Sau 3 phút đầu, đám cháy sẽ tạo ra hiệu ứng lò đốt tại phòng hát bị cháy, phòng xông hơi ở các toilet, và các phòng xung quanh trở thành các “lò nướng bánh mỳ”. Tốc độ nguy hiểm sẽ tăng rất nhanh. Sau 10 phút sẽ gây ra hiệu ứng mất kiểm soát đối với tất cả sinh vật ở các phòng chưa cháy nhưng bị tác dụng nhiệt, khói và hơi nước.

Sau 30 phút (có thể ngắn hơn) sẽ tạo ra hiện tượng tự bắt cháy ở các phòng xung quanh mặc dù ngọn lửa chưa lan sang.Toàn bộ công trình sẽ cháy ngoài kiểm soát sau đó.

Nghịch lý thứ ba là tốc độ phản ứng. Đây là câu hỏi lớn đối với công tác phòng cháy chữa cháy. Như chúng ta đã nói ở nghịch lý thứ nhất do một phần chúng ta đánh giá thấp cấp độ nguy hiểm dẫn đến một loạt hệ lụy trong công tác phòng cháy chữa cháy và phản ứng khẩn cấp.

Thực tiễn cho thấy, đa phần các cơ sở kinh doanh không lắp đặt hệ thống phun phòng cháy chữa cháy cố định tự động. Thay vào đó chỉ trang bị các bình chữa cháy dùng cho đám cháy nhỏ trong khi thiết bị này hoàn toàn không phù hợp để có thể xử lý được các đặc tính cháy nêu ở trên.

“Việc bố trí thoát hiểm, hướng dẫn thoát hiểm mới chỉ được thực hiện trên lý thuyết mà thôi. Chính vì thế mà Báo Thanh Niên đưa ra một ý tưởng hết sức ngớ ngẩn là trang bị bình ô xy cá nhân để giúp con người có thể thở trong các “lò nướng bánh mì và phòng xông hơi quá áp””, chuyên gia chia sẻ.

Lực lượng ứng cứu tại vụ cháy quán karaoke 231 Quan Hoa,Cầu Giấy ( Hà Nội)

Theo vị chuyên gia này phân tích thì trên thị trường, các bình oxi có thể dùng hàng giờ đồng hồ, nhưng thực tế không phải thế, một bình oxi phụ thuộc vào thể trạng của từng người sử dụng, ví dụ trong môi trường không gian kín không có không khí bên ngoài hỗ trợ thì những người không hoạt động quá mạnh có kinh nghiệm sử dụng thì chỉ được 8-12 phút, những người to khỏe hơn chỉ còn giới hạn trong 8 phút.

Nói cách khác, đã không có các hướng dẫn và chế tài nào được thực hiện và áp dụng triệt để ở đây cả.

Thực tế vụ việc vừa rồi ở Bình Dương cho thấy có những người sống sót nhờ quyết định liều lĩnh nhất là nhảy xuống để thoát ly khỏi đám cháy. “Tất cả những người đã chấp nhận chui vào toilet đều chết cả. Vậy nên chăng cần có cái nhìn nghiêm túc về hoạt động tuyên truyền hay ko?”, chuyên gia đặt ra câu hỏi?

Còn tiếp: Bài 2: Những lỗ hổng trong công tác quản lý, cấp phép

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-chuyen-gia-giai-ma-3-nghich-ly-phong-chay-chua-chay-kinh-doanh-karaoke-219794.html