Bài 1: Có kỹ năng sẽ giảm tỷ lệ tử vong vì đuối nước

Mỗi năm, tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 thanh thiếu niên, trong đó khoảng 2.200 trẻ em dưới 16 tuổi, trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ.

Với con số đáng buồn này, Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Để hạn chế tối đa tai nạn không đáng có, Vụ Thể dục Thể thao (TDTT) quần chúng, Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp các bộ, ban, ngành, địa phương, trường học triển khai nhiều biện pháp theo tinh thần Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020...

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200km, có hơn 2.300 sông, kênh, rạch và một số lượng lớn suối, ao, hồ... tạo nên điều kiện tự nhiên lý tưởng, nhưng cũng là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước cho trẻ em. Để phòng, chống đuối nước hiệu quả, ngoài việc nêu cao trách nhiệm của toàn xã hội thì việc trang bị kỹ năng cho con trẻ dưới môi trường nước là điều hết sức quan trọng.

Các buổi dạy bơi cho trẻ nhỏ ngày càng trở nên nghiêm túc.

Nguy cơ thường trực

Tai nạn đuối nước đã cướp đi hai cậu con trai của gia đình ông Lê Văn Tám (xã Yên Hưng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Điều đáng nói, hiện trường xảy ra tai nạn lại chính ở ao nuôi cá của gia đình. Sự việc xảy ra cách đây đã 5 năm nhưng vẫn để lại sự ám ảnh, nỗi đau đớn khôn dứt cho những người trong cuộc.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, xã Yên Hưng hiện không có bể bơi hay cơ sở dạy bơi nào cho trẻ. Lâu nay, trẻ em trong xã biết bơi chủ yếu là tự dạy nhau tập ở ao, sông. Sau một số trường hợp đuối nước thương tâm, nhiều gia đình đã chủ động phòng, chống tai nạn bằng cách lấp ao.

Nhìn rộng ra phạm vi cả nước, hiện có khoảng 15 triệu trẻ em lứa tuổi học sinh tiểu học và THCS, trong đó mới có hơn 35% trẻ em biết bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước. Trong khi đó, thực tế, môi trường sống xung quanh các em không an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thường trực. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị đuối nước là do các em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước. Ngoài ra, còn do thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn; do thiên tai bão lũ; do trẻ em chưa thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông đường thủy… Vì vậy, bên cạnh việc dạy kỹ năng bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em thì cần xây dựng môi trường an toàn cho trẻ”.

Theo một số huấn luyện viên dạy bơi ở Trường Thể thao thiếu niên 10-10 (Ba Đình, Hà Nội): Thời tiết càng nắng nóng, tỷ lệ trẻ em đuối nước càng tăng cao. Tháng 6 vừa qua, khi cả nước xảy ra nắng nóng trên diện rộng, nhiều em học sinh đi tắm ao, hồ dẫn tới chết đuối thương tâm. Chiều 4-6, một nhóm gồm 6 học sinh lớp 8A1 Trường THCS xã Ninh Gia đi chơi và tắm ở hồ Thủy điện Đại Ninh (Lâm Đồng), nhưng không may hai em đã bị đuối nước. Chiều 5-6, trên địa bàn xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) xảy ra vụ đuối nước trên sông làm 3 học sinh Trường Tiểu học Hàm Thạnh 2 tử vong... Thực tế, gần như tuần nào chúng ta cũng đọc được thông tin đau lòng về học sinh bị đuối nước trên địa bàn cả nước. Không chỉ trẻ nhỏ, học sinh tiểu học, THCS mà ngay cả học sinh THPT, sinh viên cũng là nạn nhân thương tâm của đuối nước.

Theo điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết trẻ tử vong do đuối nước đều dưới 5 tuổi và thường do bị ngã xuống nước từ trên nhà, trên thuyền hoặc cầu tàu. Còn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, hầu hết trẻ bị đuối nước trên 6 tuổi tại các hồ hay suối sâu. Ở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trẻ em đuối nước ở độ tuổi khác nhau xảy ra ở vùng trũng, ao, đầm, sông, suối liền sát với khu dân cư, nhà dân. Phần lớn đầm nước, hồ, ao không có rào chắn, trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò, thích nghịch nước, người lớn bất cẩn không giám sát chặt chẽ dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Không chỉ có vậy, còn rất nhiều vụ chết đuối ở trẻ nhỏ xảy ra ở những khu vực công trường thi công do sự bất cẩn của người lớn...

Thế nào là bơi an toàn?

Những năm qua, hoạt động dạy bơi cho trẻ đã phát triển trên cả nước. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa hiểu hoặc không biết thế nào được coi là biết bơi. Một số người cho rằng chỉ cần bơi được vài chục mét là biết bơi, hoặc có người hiểu đơn giản xuống nước không bị chìm là biết bơi. Để an toàn trong môi trường nước thì biết bơi thôi là chưa đủ, mà còn biết thực hành thành thạo các kỹ năng an toàn để tự cứu mình trước những tai nạn rủi ro.

Dạy trẻ kỹ năng bơi vượt chướng ngại vật tại Trung tâm Thể thao Đông Triều (Quảng Ninh).

Biết bơi an toàn được một số quốc gia đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau. Hội Cứu hộ Canada đề ra “chuẩn bơi sống sót” là bơi được ít nhất 50m, biết lặn nước sâu từ 2m trở lên và đứng nước được ít nhất một phút. Hiệp hội Bơi Mỹ, Hiệp hội Bơi Australia thì thống nhất ở điểm: Người biết bơi thành thạo 300m trở lên mới có khả năng thoát hiểm trước các tình huống xấu xảy ra khi đang bơi. Tại Hội thảo về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2019 do Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức, một số chuyên gia dạy bơi của Tổ chức Swim Việt Nam, Tổ chức bơi Huế Help cho rằng: Chương trình dạy bơi với mục đích giải trí, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực cho trẻ em mới dạy các em học đúng kỹ thuật các kiểu bơi thông thường. Còn để biết bơi sống sót và ứng phó kịp thời với nguy cơ tai nạn đuối nước, thì việc cấp bách cần làm ngay là trang bị cho các em kiến thức và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Vì vậy, chương trình dạy bơi và kiểm tra đánh giá kết quả học bơi cho trẻ em do các tổ chức quốc tế dạy bơi tại Việt Nam không chú trọng nhiều đến kỹ thuật các kiểu bơi mà dạy cho các em biết kiểu bơi nghiêng, bơi ngửa, bơi tự do để miễn sao các em bơi được ít nhất 25m, đứng nước, nổi ngửa được 1 phút 30 giây trở lên giúp các em có thể sống sót khi gặp tai nạn đuối nước.

Qua khảo sát tình hình triển khai chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước ở một số địa phương, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... cho thấy mỗi địa phương tự đặt ra những quy định khác nhau để kiểm tra, đánh giá kết quả phổ cập bơi cho trẻ nhưng thường thì quy định trẻ biết bơi là bơi được 20m đối với học sinh tiểu học, bơi được 25m đối với học sinh THCS. Trên thực tế, trẻ mới hình thành kỹ năng bơi và bơi được 25m mà không tập luyện thường xuyên sẽ dẫn đến tái “mù bơi” chỉ sau vài tháng. Nhiều trẻ tự tin biết bơi nhưng do chưa biết thực hành kỹ năng an toàn trong môi trường nước đã đuối nước khi không xử lý được tình huống bị chuột rút, bị đuối sức hoặc khi gặp dòng nước xoáy, sóng to, nước chảy xiết. Đau xót hơn khi nhiều trẻ bơi tốt nhưng do chưa biết kỹ năng cứu đuối an toàn đã vội nhảy xuống nước cứu bạn dẫn đến đuối nước tập thể.

Để được đánh giá là “biết bơi an toàn”, các em nhất thiết phải tham gia ít nhất 3 khóa học bơi và đạt được 3 cấp độ. Trong đó, cấp độ 1 là biết bơi từ 1 đến 2 kiểu và bơi được ít nhất 25m; nổi ngửa được ít nhất 1 phút 30 giây; được trang bị kỹ năng cứu đuối gián tiếp trên bờ. Cấp độ 2 là biết bơi từ 1 đến 2 kiểu và bơi được ít nhất 50m; biết kỹ năng lặn chìm, di chuyển 3m trong nước; được học cách thoát hiểm khi bị chuột rút, đuối sức, nhiễm lạnh trong môi trường nước. Cấp độ 3 là biết bơi từ 1 đến 2 kiểu và bơi được ít nhất 100m; biết kỹ năng lặn chìm, di chuyển 5m trong nước; được trang bị kỹ năng cứu đuối gián tiếp trên bờ và xuống nước.

Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 5-2-2016 phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tổng quát: Kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội. Trong đó, có các mục tiêu cụ thể như: Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 600/100.000 trẻ em. Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 17/100.000 trẻ em. Giảm 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015. 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy. 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em...

(còn nữa)

Bài và ảnh: KHOA MINH - HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-1-co-ky-nang-se-giam-ty-le-tu-vong-vi-duoi-nuoc-626162