Bài 1: Coi trọng chất lượng, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách

Thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền đô thị theo Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐND thành phố Đà Nẵng đã chủ động kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Cơ cấu Thường trực HĐND thành phố gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các ủy viên là Trưởng các Ban của HĐND; cơ cấu các Ban HĐND thành phố cũng được tăng cường. Thành lập 7 Tổ đại biểu HĐND thành phố tại các quận, huyện để triển khai hoạt động, kịp thời thực hiện công tác giám sát…

Đổi mới quan trọng để chủ động, linh hoạt

Từ ngày 1.7.2021, thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, “Về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”. Theo đó, thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; đối với 6 quận và 45 phường thuộc các quận của thành phố chỉ có UBND, không tổ chức HĐND quận, phường.

Phiên họp thường kỳ tháng 3.2024 của Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Thủy Thanh

Thời điểm thành phố thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền đô thịtheo Nghị quyết số 119 của Quốc hội đồng thời với nhiệm kỳ HĐND thành phố Khóa X (2021 - 2026). Do đó, các hoạt động của HĐND thành phố tập trung đổi mớiphương thức theo hướng mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượngđể phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, nhất là nâng cao chất lượng, phát huy trách nhiệm, vai trò của đại biểu HĐND thành phố trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, phường đã đạt được những kết quả nổi bật.

Đáng chú ý, ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐND thành phố đã chủ động kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Cơ cấu Thường trực HĐND thành phố gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các ủy viên là Trưởng các Ban HĐND. Cơ cấu các Ban của HĐND thành phố cũng được tăng cường, Trưởng, Phó các Ban là đại biểu chuyên trách. Ủy viên các Ban là đại biểu hoạt động không chuyên trách, là lãnh đạo chủ chốt tại các sở, ngành, đơn vị. Thành lập 7 Tổ đại biểu HĐND thành phố tại các quận, huyện để triển khai hoạt động, kịp thời thực hiện công tác giám sát theo quy định.

Mối quan hệ phối hợp giữa đại biểu HĐND thành phố với UBND, UBMTTQVN các quận, phường ngày càng được thắt chặt, hoạt động nhịp nhàng và có hiệu quả hơn so với trước. Theo Thường trực HĐND thành phố, đây là đổi mới cần thiết, quan trọng để chủ động, linh hoạt trong tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường.

Phát huy vai trò mỗi đại biểu đối với vấn đề nổi cộm, bức xúc

Phát huy chức năng giám sát của đại biểu HĐND thành phố trong điều kiện không tổ chức HĐND cấp quận, phường,Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng đã chủ động xây dựng và ban hành chương trình công tác, chương trình giám sát năm 2023 gắn với chủ đề năm “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”. Thường trực HĐND thành phố tổ chức 8 phiên họp thường kỳ hàng tháng với UBND thành phố và các đơn vị liên quan, 48 phiên họp Thường trực HĐND thành phố mở rộng hàng tuần và các phiên họp đột xuất nhằm kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền; đồng thời, giám sát, đôn đốc UBND thành phố và các ngành chức năng liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh qua kiến nghị của cử tri.

Các kế hoạch, chương trình giám sát năm 2023 được Thường trực HĐND thành phố cụ thể hóa thành 19 chuyên đề giám sát trong năm với nhiều nội dung mang tính cấp thiết, quan trọng trên nguyên tắc bảo đảm tính “toàn diện, chất lượng và không chồng chéo”. Trong tất cả các cuộc giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND đều mời đại diện đại biểu và Tổ đại biểu trên địa bàn phụ trách cùng tham gia thành viên đoàn giám sát.

Bên cạnh đó, với tinh thần chủ động, linh hoạt, coi trọng và phát huy vai trò của đại biểu và Tổ đại biểu khi thành phố thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, ngay sau khi Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 14.7.2022 của HĐND thành phố ban hành, các Tổ đại biểu đã chủ động xây dựng và xin ý kiến Thường trực HĐND các chương trình, kế hoạch triển khai giám sát của Tổ trước khi tổ chức thực hiện, đồng thời phân công đại biểu tại đơn vị ứng cử giám sát và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Từ đó, đã phát huy đầy đủ vai trò của mỗi đại biểu đối với vấn đề nổi cộm, bức xúc cử tri quan tâm, kiến nghị trong điều kiện Thường trực HĐND thành phố không thể tổ chức đoàn giám sát riêng về vấn đề này.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp công tác giữa Tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị các quận, huyện với UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận, huyện. Qua đó, công tác tổ chức TXCT trước vào sau các kỳ họp thường xuyên của HĐND luôn được tiến hành nghiêm túc, bài bản, cử tri được thông báo sớm và tham gia kiến nghị, phản ánh nhiều vấn đề không chỉ của địa phương mà còn nhiều ý kiến tâm huyết, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố.

LÊ TRÀ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-1-coi-trong-chat-luong-tang-ty-le-dai-bieu-chuyen-trach-i365028/