Bài 1- Đồng loạt đóng cửa

LTS: Những năm gần đây, các vụ cháy nổ quán bar, karaoke gây thiệt hại lớn về người, tài sản diễn biến hết sức phức tạp. Đỉnh điểm là vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Bình Dương làm 32 người tử vong. Ngay sau đó, Bộ Công an phát lệnh siết chặt hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên toàn quốc thông qua chiến dịch '68 ngày đêm tổng kiểm tra, rà soát'. Qua kiểm tra đã lộ ra nhiều tồn tại cần nghiêm túc khắc phục.

Sau chiến dịch “68 ngày đêm tổng kiểm tra, rà soát”, hầu hết các cơ sở karaoke trên địa bàn tỉnh Bắc Giang buộc phải “cửa đóng, then cài” nhiều tháng liền, thậm chí có nơi đóng cửa vĩnh viễn. Cùng với thiệt hại nặng nề bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đứng ngồi không yên, tâm trạng “nóng như lửa đốt” bởi nguy cơ phá sản.

Giọt nước tràn ly

Tối 6/9/2022, cơ sở karaoke An Phú tại TP Thuận An (Bình Dương) xảy ra cháy lớn làm 32 người tử vong. Vụ cháy đau lòng này chính là “giọt nước tràn ly”, mở màn cho chiến dịch “68 ngày đêm tổng kiểm tra, rà soát” đối với tất cả các cơ sở thuộc diện quản lý, trong đó tập trung kiểm tra kỹ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường. Thời điểm đó, Công an tỉnh Bắc Giang đã triển khai chiến dịch với tinh thần quyết tâm cao bất kể ngày đêm.

Cơ sở kinh doanh karaoke Ruby KTV ở tổ dân phố 3, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) lắp thêm cầu thang thoát hiểm và bổ sung nhiều hạng mục khác.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an các huyện, TP và các xã, phường, thị trấn đã kiểm tra tất cả 463/463 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên toàn tỉnh. Kết quả đã lập biên bản, yêu cầu đình chỉ hoạt động 26 cơ sở; tạm đình chỉ 28 cơ sở vi phạm, các cơ sở còn lại có đơn xin tạm dừng hoạt động do tự thấy không bảo đảm an toàn PCCC.

Trải qua hơn 8 tháng đóng cửa, hàng loạt chủ cơ sở karaoke ngày ngày “đứng ngồi không yên”, tâm trạng nóng như lửa đốt bởi thiết bị, máy móc vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”. Do đặc thù là đồ điện tử nên mặc dù không hoạt động nhưng chủ cơ sở vẫn phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để bảo dưỡng, duy tu.

Cơ sở karaoke Milano 2, thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên) có thể coi là nơi có phòng hát hiện đại và được đầu tư hoành tráng nhất trên địa bàn huyện với quy mô 8 tầng, 12 phòng hát. Vừa mới khai trương thì gặp dịch Covid-19 nên đóng cửa hơn 2 năm liên tục. Hết dịch, cơ sở vừa đón khách được đôi ba tháng thì tiếp tục phải đóng cửa vì không đủ điều kiện an toàn PCCC. Số vốn hơn 15 tỷ đồng vừa vay lãi ngân hàng, vừa vay mượn người thân để bỏ ra xây dựng nhà cửa, phòng ốc, trang bị máy móc, lắp đặt hệ thống âm thanh, ánh sáng… đành “đắp chiếu”.

Để đầu tư một phòng hát karaoke, anh Nguyễn Văn Kiên, chủ cơ sở đã bỏ ra gần 900 triệu đồng lắp đặt hệ thống cách âm, ánh sáng, loa đài, tivi. Trong khi dù không hoạt động, anh Kiên và gia đình vẫn phải duy tu, bảo dưỡng với số tiền không nhỏ.

Các cơ sở thuê mặt bằng, đầu tư nhiều tỷ đồng còn bi đát hơn. Cơ sở karaoke Monika, đường Nguyễn Thị Lưu, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) đã cải tạo, sửa chữa nhiều hạng mục song vẫn chưa đủ điều kiện được phép hoạt động trở lại.

Anh Vũ Anh Tuấn, chủ cơ sở này cho hay: “Covid-19 giống cơn bạo bệnh thì nay việc đóng cửa giống như đòn giáng đau đớn khiến kinh tế gia đình ngày càng khánh kiệt”. Anh Tuấn thuê lại cơ sở karaoke Monika với mong muốn theo nghề lâu dài. Mỗi tháng, anh phải chi trả các khoản như thuê mặt bằng, chi phí duy tu, bảo dưỡng, lãi ngân hàng. Trước đó, dù tốn hơn 1,5 tỷ đồng để sửa chữa, lắp đặt thêm hệ thống buồng tăng áp, buồng thang kín, hệ thống chữa cháy tự động song hồ sơ vẫn không thể được phê duyệt, cơ sở chưa thể hoạt động trở lại.

Tới thời điểm này, không chỉ riêng cơ sở của anh Tuấn, nhiều cơ sở khác cũng kiệt quệ vì phải gồng gánh tiền thuê nhà, tiền vay lãi ngân hàng trong thời gian dài. Thậm chí có cơ sở đã ngậm ngùi tuyên bố phá sản. Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực đường Nguyễn Thị Lưu (TP Bắc Giang) trước đây có tới 13 cơ sở kinh doanh karaoke nhưng nay chỉ còn 3 cơ sở vẫn đang mong ngóng được kinh doanh trở lại nhưng cũng không rõ đến khi nào mới được hoạt động.

Theo tính toán, mỗi phòng hát được đầu tư trung bình từ 300 - 500 triệu đồng. Như vậy, với hàng nghìn phòng hát trên địa bàn toàn tỉnh thì tổng chi phí đầu tư của cơ sở, doanh nghiệp ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể tiền thuê mặt bằng, tiền bồi hoàn sửa chữa lại hiện trạng thuê ban đầu, tiền bồi thường hợp đồng, cung ứng sản phẩm...

Đến giữa tháng 5/2023, trong tổng số 463 cơ sở karaoke được kiểm tra thì đa số vẫn phải tạm ngừng hoạt động và phần nhiều trong số đó có khả năng sẽ phải dừng vĩnh viễn. Chỉ có 13 cơ sở được phép hoạt động trở lại bởi đa số đều xây dựng dạng một tầng, diện tích mặt sàn rộng, dễ bố trí lối thoát nạn thứ hai…

“Trở đi mắc núi, trở về mắc sông”

Cơ sở kinh doanh karaoke Ruby KTV ở tổ dân phố 3, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 với quy mô 3 tầng, 6 phòng hát hiện đại. Ông Trần Đức Hùng, chủ cơ sở cho biết: “Từ tháng 9/2022, ngay sau khi có thông báo của lực lượng chức năng, chúng tôi đã tạm ngừng hoạt động. Đã có lúc vợ chồng tôi bàn nhau hay là chuyển đổi công năng sang làm nhà nghỉ nhưng cũng bị mắc bởi khi thiết kế xây dựng mục đích chính là để kinh doanh dịch vụ karaoke”.

Để bổ sung, khắc phục những phần còn thiếu hoặc chưa bảo đảm như: Hệ thống điện, chuông báo tự động, cầu thang thoát hiểm bên ngoài, sử dụng vật liệu giả đá, bọc inox để cách âm tốt, gia đình đã vay mượn hơn 1 tỷ đồng. Đến nay cơ sở vẫn chưa được cho phép hoạt động. Còn ông Nguyễn Văn Chung, chủ cơ sở karaoke Milano 1 ở xã Quang Châu (Việt Yên) bày tỏ: “Lâu nay, nguyên vật liệu làm hệ thống cách âm trong phòng hát chủ yếu là mút, da, bông thủy tinh, ván ép và được cơ quan chức năng thẩm duyệt. Giờ đây phải bóc tách, thay thế đâu thể cứ nói là làm ngay được do tốn kém thậm chí lãng phí. Như cơ sở của gia đình tôi phải tốn kém thêm hàng tỷ đồng”.

Kiểm tra ở cơ sở karaoke Havana, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang), cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tư vấn chủ cơ sở nên xây dựng, lắp đặt hệ thống liên động âm thanh, buồng tăng áp đẩy khói và thêm lối thoát nạn thứ hai. Tuy nhiên do cơ sở này cũng như hầu hết các cơ sở trên địa bàn TP Bắc Giang đều chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh, lại vừa ở vừa kinh doanh nên khi cơ quan chức năng tư vấn sửa chữa, lắp đặt lối thoát nạn thứ hai thì họ cho rằng điều này là bất khả thi. Bởi lẽ cơ sở Havana, Monika hay nhiều cơ sở khác đều là dạng nhà mặt phố liền kề, khó mở thêm lối thoát nạn ra khu vực khác.

Cũng theo nhiều chủ cơ sở, để sửa chữa thì bắt buộc phải thay thế vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt trên tường vách ngăn và trần theo đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang máy thoát nạn bằng vật liệu khó cháy, không cháy theo quy định. Ví như cơ sở Tom Club ở tổ dân phố Vàng, thị trấn Bích Động (Việt Yên) dù đã được tư vấn sửa chữa để bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy nhưng chủ cơ sở vẫn còn chần chừ. Bởi lẽ nếu muốn đủ điều kiện hoạt động trở lại, gia đình cần phải bóc tách toàn bộ vật liệu cách âm lắp đặt trong 4 phòng hát thay thế bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy.

Chị Thân Thị Hương, chủ cơ sở cho biết: “Trước đây khi xây dựng phải bỏ ra gần chục tỷ đồng, mỗi tháng trả lãi hơn 30 triệu đồng, nguồn sinh kế giờ thành “tiêu sản”. Hiện sửa chữa cũng không phải chuyện dễ dàng bởi lẽ thời điểm xây dựng những quy định về loại vật liệu như thế này chưa có, giờ lại yêu cầu để đúng quy định đồng nghĩa với việc phải làm mới như ban đầu thì gia đình không thể thực hiện được”. Bên cạnh đó, việc sửa chữa hay thay thế vật liệu cách âm với cơ sở 2, 3 tầng đã khó thì đối với những cơ sở karaoke có quy mô lớn từ 5 đến 8 tầng càng khó khăn hơn.

Theo quy định, những cơ sở này cũng sẽ phải thay thế toàn bộ vật liệu cách âm ở các phòng hát của các tầng nhà bằng vật liệu không cháy, khó cháy; bổ sung lối thoát nạn thứ hai. Việc xây dựng mới vốn đã tốn kém nay sửa chữa lại còn tốn hơn. Hiện với điều kiện kinh tế, nhiều cơ sở cũng chỉ có thể vừa sửa chữa nhỏ giọt, vừa chờ động thái của cơ quan chức năng. Bởi nếu cơ quan chức năng yêu cầu các cơ sở thực hiện theo QCVN 06:2022/BXD của Bộ Xây dựng thì đồng nghĩa với việc phải phá bỏ toàn bộ nội thất làm lại từ đầu.

Mỗi phòng đầu tư 500-700 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng mà giờ phá bỏ để đầu tư mới sẽ khiến doanh nghiệp, hộ kinh doanh lâm vào cảnh phá sản. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này có chăng chỉ phù hợp với cơ sở xây dựng mới toàn bộ từ đầu?

Bà Đào Thị Hương, chủ cơ sở karaoke Havana, phường Ngô Quyền chia sẻ thêm: “Tôi đã sử dụng các vật liệu bán trên thị trường để phù hợp với mục đích sử dụng, bảo đảm thẩm mỹ, có công năng cách âm, tiêu âm, giảm độ ồn theo đặc thù riêng của lĩnh vực âm thanh và được ngành văn hóa quy định lại không bảo đảm điều kiện là vật liệu khó cháy, không cháy mà cơ quan chức năng đưa ra. Và những vật liệu không cháy, khó cháy trong phòng hát thì chỉ có: Gạch, đá, bê tông, thạch cao, kim loại… thì việc này không đáp ứng về thẩm mỹ, cách âm, chống ồn mà ngành văn hóa đề ra”

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Thu Phong-Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/404662/bai-1-dong-loat-dong-cua.html