Bài 1: Đưa thông tin đến mọi người, mọi nhà

Từ một địa phương có tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) diễn biến phức tạp, là điểm nóng về tình trang xe chở quá tải, 5 năm qua, nhờ nỗ lực phấn đấu, Hà Tĩnh đã đạt được kết quả đáng mừng. Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết ATGT 9 tháng đầu năm 2017, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh được Chủ tịch UBATGT Quốc gia – Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương đánh giá tốt.

Truyền thông, phổ biến pháp luật về ATGT là công tác hàng đầu

Ông Hoàng Minh Việt – Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT Hà Tĩnh chó biết: Hà Tĩnh là địa phương có nhiều tuyến giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây, có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thông thương với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; mạng lưới đường bộ bao gồm 594,6km quốc lộ, 333,3km tỉnh lộ, 1.516km huyện lộ và 11.877km đường liên xã, liên thôn; nhiều sông ngòi có độ chảy dốc với tổng cộng 256,5km đường sông; có gần 71km đường sắt đi qua địa bàn tỉnh.

Ban ATGT tỉnh tổ chức ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền bảo đảm ATGT với các cơ quan truyền thông

Trong những năm gần đây, Hà Tĩnh tập trung đầu tư, xây dựng nhiều dự án trọng điểm: Khu kinh tế Vũng Áng là 1 trong 5 khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sông và đường sắt đã tạo điều kiện cho tỉnh Hà Tĩnh phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng là khó khăn cho công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.Vì vậy, để làm tốt vấn đề bảo đảm trật tự, ATGT, Hà Tĩnh coi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT là công tác hàng đầu

Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương duy trì thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, tuyên truyền về hậu quả của tai nạn giao thông đối với đời sống kinh tế - xã hội. Đối tượng tuyên truyền là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền đến tận khu dân cư, từng gia đình, dòng họ. Công tác tuyên truyền từng bước đổi mới với nhiều hình thức và nội dung phù hợp.

Ban ATGT, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các đoàn thể, sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, sở Giao thông Vận tải, chính quyền các địa phương tổ chức ký cam kết không vi phạm ATGT cho các công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, người lao động, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên. Tỷ lệ ký cam kết hàng năm đạt trên 90%. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đưa đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng cuối năm đối với từng cá nhân, cơ quan, đơn vị, khu dân cư.

Ban ATGT tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hội nghị, hội thi, các lớp truyền thông về an toàn giao thông, cấp phát tờ rơi, xây dựng các pa - nô, áp - phích; tuyên truyền theo các chủ đề về quy định đội mũ bảo hiểm, quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, các kỹ năng tham gia giao thông và cách phòng tránh tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt…

Công an tỉnh, sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức tuyên truyền cho các lái xe, doanh nghiệp vận tải, các chủ mỏ vật liệu, các đầu mối hàng hóa trong việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng tải trọng phương tiện.

Sở Giáo dục và Đào tạo đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy pháp luật về an toàn giao thông trong các trường học; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục, nhắc nhở học sinh, sinh viên tự giác chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông.

Trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh tại Trường Tiểu học Nam Hà.

Năm năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 400 lớp truyền thông, 20 hội thi cho cán bộ, hội viên, người lao động, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân về chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, các quy định xử phạt về vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Xây dựng được 174/262 xã, phường, thị trấn và 1.708 khu dân cư đạt tiêu chí “3 không”; in ấn và cấp phát 50.000 cuốn Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; cấp phát 180.000 tờ rơi, áp phích tuyên truyền quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, quy định về quá tải, quá khổ; các quy định về đội mũ bảo hiểm; hướng dẫn kỹ năng sử dụng xe máy điện, xe đạp điện an toàn; quy định về nồng độ cồn, tải trọng xe... cho các lái xe, các trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Xây dựng mới 15 cụm pa-nô tuyên truyền đặt trên các trục đường chính như quốc lộ 1, quốc lộ 8, quốc lộ 15, tỉnh lộ. Tổ chức cho 81/81 doanh nghiệp khai thác mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh ký cam kết không bốc xếp hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép. Cấp phát 15.000 mũ bảo hiểm và giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh của 14 trường tiểu học. Các trường học đưa tiêu chí chấp hành pháp luật an toàn giao thông vào việc bình xét hạnh kiểm, khen thưởng kỷ luật đối với học sinh; thường xuyên tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông thông qua các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt trong giờ, ngoại khóa, hội thi.

Các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các địa phương duy trì và tăng cường thời lượng phát sóng, đăng tin về an toàn giao thông trên báo giấy, báo điện tử, sóng truyền thanh, truyền hình và phổ biến các văn bản pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Hàng ngày có bản tin, tin tức về an toàn giao thông, hàng tuần có chuyên mục về an toàn giao thông; bên cạnh đó có nhiều bài viết, phóng sự chuyên sâu về đảm bảo an toàn giao thông, cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông, nhất là trong các đợt cao điểm, lễ, tết.

Nhờ đó, công tác tuyên truyền đã thật sự góp phần nâng cao nhận thức cho người dân thấy rõ trách nhiệm và tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, thực hiện “văn hóa giao thông”.

Đẩy mạnh kết cấu hạ tầng giao thông và năng lực vận tải

Hà Tĩnh là một trong những địa phương quyết liệt và có kết quả trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng kịp thời phục vụ cho công tác thi công công trình giao thông. Đa dạng hóa huy động nguồn lực đầu tư, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp để đầu tư, xây dựng được nhiều công trình giao thông trọng điểm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh như: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Hà Tĩnh, quốc lộ 15 (đoạn thành phố Hà Tĩnh - Hương Khê), đường quốc lộ 1A - Mỏ sắt Thạch Khê - Cửa Nhượng, đường tránh lũ thành phố Hà Tĩnh - Kẻ Gỗ - Hương Khê, triển khai dự án đường ven biển Cẩm Lĩnh - Kỳ Xuân; xây dựng cầu Đò Hà, cầu Nậy, cầu Đồng Văn, cầu Hương Đô, cầu Đá Hón… Phối hợp với các ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai, hoàn thành Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 trên toàn tuyến qua địa bàn tỉnh và hoàn thành Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A giai đoạn 1 (đoạn từ thị xã Hồng Lĩnh đến thị trấn Phố Châu).

Các tuyến đường giao thông thường xuyên được gia cố, nâng cấp

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh phát động phong trào làm đường giao thông. 5 năm qua đã xây dựng, mở rộng được trên 1.500km đường giao thông nông thôn.

UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; quy chế duy tu, bảo dưỡng và bảo trì công trình giao thông nông thôn. Các ngành, đơn vị chức năng thường xuyên rà soát, xử lý các bất hợp lý về tổ chức giao thông trên mạng lưới đường bộ, đường sắt; tổ chức rà soát, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ, điều chỉnh, dỡ bỏ biển báo thông tin tốc độ, biển hạn chế tốc độ không phù hợp trên các tuyến; lắp đặt tường hộ lan, giải phân cách, bổ sung đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao ngã ba, ngã tư, xử lý các điểm đen; phối hợp công ty quản lý đường sắt rà soát, bổ sung các biển báo, kẻ vạch sơn tại các đường giao cắt với đường sắt. Đồng thời với việc xây dựng phương án và thực hiện tốt công tác phân luồng, điều tiết đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ, sự cố thiên tai; chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị phục vụ công tác đảm bảo giao thông và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng phương án ứng cứu người dân trong các tình huống bị thiên tai chia cắt, các vùng thường xảy ra sạt lở đất, nước biển dâng.

Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định và quy hoạch phát triển vận tải taxi trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và phương án bố trí điểm đón, trả khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh. Tham mưu Bộ Giao thông vận tải phối hợp mở tuyến vận tải khách Hà Tĩnh - Khăm Muộn (Lào) - Nakhon Phanôm (Thái Lan). Đến nay, toàn tỉnh có 6 tuyến xe buýt đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giảm bớt phương tiện cá nhân tham gia giao thông.

Khắc Hiển – Diễm Hằng

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/giao-thong-do-thi/bai-1-dua-thong-tin-den-moi-nguoi-moi-nha-30785