Bài 1: Khẳng định hiệu quả

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI về 'Tăng cường, củng cố quốc phòng, xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc', từ năm 1988, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã phát động Cuộc vận động xây dựng cơ sở xã, phường an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu (ATLC-SSCĐ).

Sau 30 năm thực hiện cuộc vận động, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình cụm ATLC-SSCĐ liên huyện hiệu quả, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh (QPAN) ngày càng vững mạnh.

Trước thập niên 1990, trên địa bàn một số địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, như: Tranh chấp đất đai, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản giữa các xã giáp ranh vượt quá khả năng giải quyết của từng xã. Vì thế, những vụ việc này thường do cấp trên trực tiếp giải quyết, nên đôi khi thiếu kịp thời và không sát thực tế. Theo đó, vấn đề đặt ra là phải có mô hình cụm ATLC-SSCĐ liên huyện làm trung tâm phối hợp, hiệp đồng giữa các xã, phường, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị LLVT ở một khu vực nhất định. Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 4, tỉnh Hà Tĩnh tiến hành xây dựng mô hình cụm ATLC-SSCĐ liên huyện.

Các lực lượng cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu liên huyện Cẩm Xuyên-Lộc Hà diễn tập phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn.

Quá trình hoạt động, trên cơ sở 5 nội dung do quân khu xác định, các cụm ATLC-SSCĐ liên huyện ở Hà Tĩnh đã bám sát thực tiễn địa phương, tập trung phối hợp thực hiện nhiệm vụ QPAN, giữ vững ổn định chính trị, phòng, chống hiệu quả “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; phối hợp nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời giải quyết các vụ việc xảy ra tại cơ sở; khắc phục hậu quả bão lụt, phòng, chống cháy, nổ, giải quyết hậu quả bom đạn, chất độc tồn lưu sau chiến tranh; phối hợp bảo vệ các công trình quốc phòng, môi trường sinh thái trên địa bàn cụm và đẩy mạnh phát triển KT-XH, phát huy truyền thống yêu quê hương, làng xã, tinh thần cộng đồng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cụm đều có nghị quyết, kế hoạch triển khai, có sự phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, lấy cơ quan quân sự và công an làm trung tâm để phối hợp hiệp đồng. Đồng thời kết hợp với các cuộc vận động, như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; gắn với phong trào xây dựng làng văn hóa liên kết; phối hợp với phát triển KT-XH, chú trọng các địa bàn trọng điểm, xung yếu như vùng sâu, vùng xa và những nơi thường xảy ra mâu thuẫn nội bộ, các địa bàn giáp ranh giữa các huyện...

Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng được 15 cụm ATLC-SSCĐ liên huyện và mọi hoạt động đều đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương theo một quy chế hoạt động thống nhất. Cụm trưởng là đồng chí bí thư đảng ủy hoặc chủ tịch UBND xã nằm trong cụm, luân phiên mỗi năm một xã đảm nhiệm và người đứng đầu các cơ quan quân sự, công an, các ban, ngành, đoàn thể tham gia. Cụm giao ban định kỳ hằng quý để nắm tình hình và triển khai công việc; 6 tháng và cuối năm, cụm tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Ngoài ra, các xã trong cụm còn thường xuyên tổ chức tham quan, học tập lẫn nhau thông qua những mô hình, điển hình về bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Nhờ xác định đúng trọng tâm, sát với thực tế từng địa phương nên việc phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền trong cụm được thực hiện chủ động, kịp thời, nhất là khi giải quyết các vụ việc nảy sinh ở cơ sở.

Đi dọc tuyến đường 22-12 từ huyện Nghi Xuân đến huyện Lộc Hà, chúng tôi cảm nhận được sự yên bình và tốc độ phát triển KT-XH mạnh mẽ của các địa phương. Trên những triền cát giáp ranh giữa thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) và thôn Song Nam, xã Cương Gián (Nghi Xuân), những vuông tôm san sát; xa xa ngoài vùng lộng, những đoàn thuyền ăm ắp cá, tôm sau chuyến đi biển trở về... Thế nhưng ít ai nghĩ rằng nơi đây, những năm trước từng xảy ra tranh chấp ranh giới giữa hai thôn và là "điểm nóng" về tình trạng sử dụng tàu giã cào, chất nổ khai thác tận diệt hải sản. Trước thực tế đó, Ban chỉ đạo cụm ATLC-SSCĐ liên huyện Lộc Hà-Nghi Xuân trực tiếp tổ chức hội nghị với sự tham gia của người dân hai thôn. Trên cơ sở văn bản địa giới hành chính và kết hợp với việc phân tích có tình, có lý của các thành viên ban chỉ đạo cụm, người dân hai thôn đã tìm ra tiếng nói chung. Để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất nổ khai thác hải sản, qua họp bàn, ban chỉ đạo cụm thống nhất sử dụng lực lượng dân quân, hội cựu chiến binh hai xã kết hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của việc khai thác hải sản trái quy định, đồng thời tổ chức tuần tra, xử phạt các hành vi tận diệt hải sản…

Địa bàn giáp ranh giữa xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh và xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên những năm trước đây được biết đến là "điểm nóng" hoạt động mại dâm gây mất an ninh trật tự. Nhiều lần các lực lực lượng chức năng vào cuộc xử lý nhưng triển khai ở địa bàn xã Kỳ Phong thì các đối tượng chuyển sang địa bàn xã Cẩm Minh. Từ thực tế đó, cụm ATLC-SSCĐ liên huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên thống nhất cùng ra quân đồng loạt để giải quyết tệ nạn. Ông Nguyễn Văn Nam ở xã Kỳ Phong cho biết: "Trước đây, địa bàn giáp ranh giữa địa phương chúng tôi và xã Cẩm Minh hết sức phức tạp. Nơi đây không chỉ có tệ nạn xã hội mà còn là địa bàn để đối tượng xấu hoạt động, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Nhưng với sự vào cuộc, phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, lực lượng các xã trong cụm, đến nay, các loại hình tội phạm giảm hẳn".

Nếu như huyện Kỳ Anh-Cẩm Xuyên; Nghi Xuân-Lộc Hà khẳng định vai trò, hiệu quả của cụm ATLC-SSCĐ liên huyện trong giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, thì ở các huyện Hương Sơn-Đức Thọ-Thạch Hà, cụm ATLC-SSCĐ liên huyện thể hiện rõ hiệu quả phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa các xã giáp ranh trong phát triển KT-XH. Theo đó, trên địa bàn xuất hiện nhiều vườn mẫu tại các xã: Cẩm Bình, Cẩm Yên (Cẩm Xuyên); Tùng Ảnh (Đức Thọ); Nam Trà (Hương Khê)... Nhiều xã về đích nông thôn mới ở Hà Tĩnh có nguyên nhân từ việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, phối hợp giữa nhân dân các xã liền kề thông qua chương trình, nội dung hoạt động cụm ATLC-SSCĐ liên huyện.

“Những kết quả trên khẳng định xây dựng cụm ATLC-SSCĐ liên huyện là chủ trương đúng đắn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cụm tổ chức rút kinh nghiệm nhằm tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động”, đồng chí Trần Nam Hồng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định.

PHÙNG NGỌC THĂNG

(còn nữa)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/bai-1-khang-dinh-hieu-qua-554921