Bài 1: Lũ mới chồng bão cũ ngay trước thềm năm học mới

Các trường vùng cao tại Nghệ An đang thực sự gặp nhiều khó khăn khi liên tiếp 2 cơn bão số 3 và số 4 gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất. Có trường đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới, có trường vừa kịp khắc phục hậu quả của trận bão trước, thì đợt mưa lũ mới ập về.

Thầy Lê Quỳnh Lưu – Hiệu trưởng TH Mường Ải lo lắng khi năm học mới đến gần

Không kịp tựu trường

Ngày 20/8, theo kế hoạch là ngày tựu trường của học sinh toàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, tại Trường PT DTNT THCS Con Cuông, thầy trò và nhiều phụ huynh vẫn đang tập trung khắc phục hậu quả do trận lụt lịch sử vừa qua. Sân trường vẫn đầy nước và bùn đất, nhiều dụng cụ thiết bị dạy học được đưa ra ngoài lau rửa nhưng hầu hết đã hư hỏng, rã mục. Các em học sinh đưa sách vở ra phơi cho khô, tìm nơi có nước sạch để giặt lại chăn màn, quần áo…

Thầy Lô Văn Thiệp – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ảnh hưởng bởi cơn bão số 4, mưa lớn liên tục cùng với nước từ thượng nguồn đổ về làm nước sông Lam dâng cao và tràn vào trường học. Hiện nay, nước rút dần nhưng ngoài 3 phòng học tầng 2, còn lại toàn bộ phòng học ở tầng 1, văn phòng, nhà ở nội trú học sinh vẫn đang chìm trong nước và bùn đất. Hai ngày nay, chúng tôi rất nỗ lực nhưng mới chỉ giải phóng được bùn đất khỏi 6 phòng học đã nổi lên khỏi mặt nước”.

Năm học 2018 - 2019 nhà trường có 300 học sinh, trong đó có 75 em khối 6 vào nhập học. Là trường nội trú, nên từ ngày 3/8, tất cả học sinh đã tập trung tại trường để ổn định ăn ở, sinh hoạt. Nhà trường cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dự kiến 20/8 sẽ tổ chức tựu trường và 27/8 sẽ bắt đầu học chính thức. Tuy nhiên, trận lũ đã cuốn trôi và làmhư hỏng hầu hết trang thiết bị dạy học, bàn ghế, đồ dùng sinh hoạt nội trú của thầy và trò.

Trường PT DTNT THCS Con Cuông ngày tựu trường vẫn đang ngập nước và bùn đất

Cũng theo thầy Thiệp: “Công việc dọn dẹp, vệ sinh trường lớp sau với sự giúp đỡ của nhiều lực lượng cũng sẽ hoàn thành sau khi nước rút. Nhưng để tổ chức dạy học và bắt đầu năm học mới, nhà trường đang rất cần sách vở và bàn ghế cho học sinh. Ngoài ra, giường, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt khác cũng phải có vì đây là trường nội trú, tất cả học sinh đều là con em đồng bào dân tộc, nhà cách xa trường”.

Trường Tiểu học Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cũng bị ngập sâu hơn 1 mét nước do mưa lũ. Rất may trước đó nhà trường đã kịp di dời sách vở, đồ dùng học tập và một số bàn ghế lên tầng 2 nên hạn chế được thiệt hại. Tuy nhiên, sau khi nước rút, để lại khối lượng bùn đất rất lớn. Ngoài trường tiểu học, thì trường mầm non, trụ sở phòng GD&ĐT, nước sông dâng cao và chảy xiết đã làm ngập toàn bộ nhà ở, phòng học và các công trình khác.

Hiện, chính quyền địa phương đang huy động mọi lực lượng để giải phóng, đẩy bùn đất ra khỏi lớp học, nhà ở nội trú học sinh. Lau rửa, vệ sinh những đồ dùng còn sử dụng được. Khơi thông cống rãnh để thoát nước. Tuy nhiên, do lượng bùn đất quá lớn nên việc khắc phục trên gặp khó khăn, mất nhiều thời gian.

Vừa khắc phục thiệt hại bão cũ, lại chồng lũ mới

Trên toàn tỉnh, ngành Giáo dục huyện Kỳ Sơn chịu thiệt hại nặng nhất sau 2 trận bão số 3 và số 4. Tại hai xã Mường Típ và Mường Ải nằm dọc sông Nậm Típ, các trường tiểu học và mầm non đều bị nước suối dâng cao làm ngập toàn bộ phòng học của học sinh, nhà ở của giáo viên và các công trình khác ở các bản Xốp Lau, Vàng Pao…

Trước đó, ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, nhiều phòng học của Trường Mầm non và Tiểu học Mường Típ tại bản Na Mỳ đã bị lũ cuốn trôi. Cùng với đó, toàn bộ 4 gian nhà ở của 15 giáo viên Trường Tiểu học Mường Ải cũng bị đánh sập hoàn toàn. Trò mất phòng học, giáo viên mất nhà ở, nhưng ngày 1/8, tất cả giáo viên đã có mặt tại trường, xắn tay vào dọn dẹp. Số thầy cô bị mất phòng được bố trí ở ghép cùng với những giáo viên khác ở khu ký túc xá gần đó. Còn lại, ở tạm tại các điểm trường lẻ hoặc thuê nhà dân. Các trường học được dọn bùn đất, vệ sinh sạch sẽ chuẩn bị đón học sinh vào nhập học. Mọi việc xoay xở tạm đâu vào đấy thì lũ mới lại ập về.

Ngày thường, để vào Mường Típ, Mường Ải, đã là một thử thách. Cách TP Vinh gần 300 km, đặc biệt đoạn đường 30km từ trung tâm huyện vào, một bên là sông, con đường đất đá lởm chởm với nhiều khúc cua ngặt và dốc đứng. Những ngày này, mưa lũ cắt đứt hoàn toàn đoạn đường trên vì nước sông dâng cao, xói lở sâu. Chính vì vậy, mọi phương tiện cứu trợ, nhất là nhu yếu phẩm, đồ ăn… tạm thời chưa thể vận chuyển vào 2 xã này.

Nhà công vụ và văn phòng Trường Tiểu học Mường Ải chỉ còn đống đổ nát

Thầy Lê Quỳnh Lưu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Ải cho biết: Hai cơn bão liên tiếp diễn ra ngay thời điểm cận kề năm học mới khiến nhà trường rất vất vả. Mọi việc lúc này chỉ có thể dựa vào cán bộ giáo viên nhà trường và sự giúp đỡ của người dân địa phương. Chúng tôi đã động viên, ổn định tinh thần giáo viên trong trường tiếp tục các hoạt động dọn dẹp, vệ sinh, giải tỏa đất đá, rác bị ngập trong trường. Bên cạnh đó, báo cáo tình hình với cơ quan cấp trên. Kêu gọi sự hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân để hỗ trợ cho nhà trường đồ dùng, thiết bị dạy học và sinh hoạt cần thiết.

Theo thống kê, toàn ngành Giáo dục huyện Kỳ Sơn, Nghệ An sau 2 cơn bão số 3 và số 4 thiệt hại gần 6 tỷ đồng. Trong đó, riêng lũ lụt do cơn bão số 4 gây thiệt hại 4,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết: “Năm học mới cận kề, nhiều cơ sở vật chất các trường học và thiết bị dạy học, đồ dùng học sinh bị cuốn trôi, hư hỏng khiến cho ngành giáo dục huyện khó khăn. Hiện, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn chỉ đạo hiệu trưởng các trường bị thiệt hại tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành để khắc phục thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra. Chúng tôi cũng đã nhanh chóng thống kê, xác minh con số thiệt hại, báo cáo với Sở GD&ĐT, UBND huyện để huy động nguồn kinh phí phòng chống lụt bão để hỗ trợ các trường bị thiệt hại”.

(Bài 2: Giải pháp thiết thực ổn định trường lớp sau bão)

Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bai-1-lu-moi-chong-bao-cu-ngay-truoc-them-nam-hoc-moi-3945917-b.html