Bài 1: Mái trường 'nâng cánh' ước mơ bay

Một trong những lực lượng kiên cường, tinh nhuệ nhất của Quân đội ta hiện nay là đội ngũ phi công lái máy bay quân sự. Để làm chủ được những cánh bay trên bầu trời bao la của Tổ quốc, công tác tuyển chọn, đào tạo, rèn luyện, huấn luyện đội ngũ này phải trải qua một quy trình hết sức bài bản, chặt chẽ, công phu, khoa học. Vệt bài dưới đây giúp bạn đọc phần nào hiểu hơn nhiệm vụ rất nặng nhọc, khắt khe của đội ngũ phi công lái máy bay quân sự và sự hy sinh thầm lặng, công hiến cao cả của các anh.

Phi công quân sự là công việc đặc thù, hấp dẫn và thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ trong cả nước. Tuy nhiên, để trở thành phi công quân sự, ngoài việc phải vượt qua quá trình tuyển chọn khắt khe, học viên còn phải trải qua quá trình học tập, huấn luyện, rèn luyện lâu dài và cũng không kém phần khắc nghiệt.

Học viên trải qua quá trình rèn luyện toàn diện, khắt khe

Trường Sĩ quan Không quân là cái nôi đào tạo phi công quân sự bậc đại học ở Việt Nam. Hằng năm, nhà trường đào tạo hàng chục phi công trong nước, tạo nguồn lực cho các đơn vị không quân thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu, bay các nhiệm vụ theo yêu cầu của Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) và Bộ Quốc phòng. Đại tá Vũ Đức Quý, Phó hiệu trưởng về đào tạo, Trường Sĩ quan Không quân cho biết: “Những thanh niên, sinh viên và quân nhân đang làm nghĩa vụ quân sự ở các đơn vị trong toàn quân có độ tuổi từ 18 đến 25, sau khi được tuyển chọn, thẩm định có đủ điều kiện sức khỏe, lý lịch chính trị rõ ràng và vượt qua kỳ thi tuyển văn hóa theo quy định mới được vào Trường Sĩ quan Không quân để đào tạo trở thành phi công quân sự. Để đào tạo được đội ngũ phi công quân sự là cả quá trình phấn đấu liên tục giữa nhà trường và học viên với yêu cầu cao về chất lượng, có sự quản lý chặt chẽ, đồng bộ ở tất cả các khâu, các bước của quy trình, mục tiêu đào tạo”.

Sau khi trúng tuyển, học viên phi công được huấn luyện 6 tháng về các môn quân sự tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, rồi mới về Trường Sĩ quan Không quân để rèn luyện thể lực và học các môn cơ bản, lý luận chính trị, kỹ thuật cơ sở và lý thuyết chuyên ngành. Đây là giai đoạn học viên bắt đầu tiếp xúc, lĩnh hội những kiến thức đào tạo theo mục tiêu yêu cầu của nghề lái máy bay. Trong thời gian học lý thuyết tại trường, học viên được tuyển chọn, phân hướng đào tạo trên các loại máy bay vận tải, trực thăng và máy bay phản lực, đồng thời bắt buộc rèn luyện liên tục các môn thể thao hàng không theo quy định.

 Giáo viên và học viên Trường Sĩ quan Không quân trao đổi trước chuyến bay.

Giáo viên và học viên Trường Sĩ quan Không quân trao đổi trước chuyến bay.

Trong thời gian học lý thuyết ở trường, ngoài việc rèn luyện để hoàn thiện nhân cách, phẩm chất, năng lực theo yêu cầu, mục tiêu đào tạo, người học viên phi công còn cần phải có ý chí cao trong học tập. Hạ sĩ Đỗ Đình Hiển, học viên phi công phản lực K46 cho biết: “Mỗi học viên phải chủ động nắm bắt kiến thức cơ bản về quân sự, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ và tin học, đồng thời nắm chắc các kiến thức về lý thuyết cơ sở chuyên ngành, như: Lý thuyết bay, lý thuyết động cơ máy bay, thiết bị hàng không, vô tuyến điện tử… Ngoài thời gian học trên lớp, chúng tôi còn phải tìm hiểu thêm các tài liệu về nguyên lý bay và tài liệu về khai thác sử dụng kỹ thuật hàng không để bổ sung thêm kiến thức cho quá trình thực hành bay sau này”.

Đối với Trung sĩ Đỗ Công Thắng, học viên phi công K45 trực thăng Mi-8, ngay từ khi còn nhỏ anh đã ước mơ trở thành phi công quân sự. Do vậy, khi trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Không quân, Thắng luôn chủ động xây dựng động cơ, thái độ học tập nghiêm túc, có kế hoạch phấn đấu cụ thể cho từng môn học. Kết quả học tập của Thắng trong hai năm qua luôn đạt 100% khá giỏi, hơn 50% số môn đạt giỏi. Đỗ Công Thắng chia sẻ: “Tôi xác định, muốn đạt kết quả tốt trong học tập, muốn trở thành phi công quân sự thì không có cách nào khác là phải không ngừng nỗ lực học tập và rèn luyện. Trên cơ sở nắm vững những kiến thức chuyên ngành đã được trang bị trong thời gian học lý thuyết, tôi tự đặt cho mình các tiêu chí phấn đấu, rèn luyện trong từng giai đoạn để đạt được giấc mơ bay, được làm chủ những cánh bay”.

Nỗ lực vượt bậc về ý chí, tâm lý, trí lực

Sau hoàn thành phần học tập lý thuyết, học viên phi công tiếp tục bước vào giai đoạn 2 là thực hành bay. Ở giai đoạn này, từng học viên bắt đầu làm quen với các kỹ năng: Quan sát mặt đất, trên không, thao tác sử dụng các thiết bị trong buồng lái. Do đặc thù và tính chất công việc, mỗi giảng viên bay ở Trường Sĩ quan Không quân chỉ hướng dẫn từ 2 đến 3 học viên trong một khóa huấn luyện. Việc dạy và học ở giai đoạn này diễn ra không chỉ trong giảng đường, trên buồng lái, mà thường xuyên liên tục trong cả cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Trong quá trình đào tạo, học viên phi công phải hoạt động với cường độ lớn, căng thẳng về thần kinh, tâm lý, trí lực, nên đòi hỏi họ phải có ý chí và nỗ lực cao.

Hạ sĩ Lê Văn Thông, học viên phi công khóa K45, Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân, hiện bước vào giai đoạn thực hành bay bài 1 trên loại máy bay Iak-52 và đã thực hiện được 6 chuyến bay điều khiển cơ bản với 4 giờ 36 phút. Để làm chủ được cánh bay, anh đã phải phấn đấu không ngừng trên mọi lĩnh vực, cả trong học tập và trong rèn luyện. Lê Văn Thông cho biết: “Mọi thứ đối với tôi dường như mới chỉ là sự khởi đầu. Tôi xác định thời gian theo học tại Trường Sĩ quan Không quân không chỉ là những năm đèn sách mà đó là những tháng ngày khổ luyện thực sự với những bộ môn đặc thù và kỷ luật rèn luyện nghiêm ngặt. Do vậy, tôi luôn phải nỗ lực phấn đấu để trở thành một phi công quân sự giỏi, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ vùng trời quốc gia”.

Theo dõi các bài huấn luyện thường ngày của các học viên phi công Trường Sĩ quan Không quân mới thấy được sự khổ luyện vất vả đến nhường nào. Tuy nhiên, dù khắc nghiệt vất vả nhưng các đồng chí đều có một tình yêu với bầu trời, đam mê cháy bỏng với nghiệp bay. Trung tá Nguyễn Hàm Kiên, Phi đội trưởng Phi đội 2, Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân cho biết: “Trước khi đủ điều kiện thực hành bay trên máy bay Iak-52, học viên phải trải qua kiểm tra khai thác sử dụng các thiết bị trên máy bay, lý thuyết các bài bay, kỹ thuật dẫn đường, thông tin, xử lý những tình huống bất trắc trên không và tập luyện buồng lái. Cùng với đó, hằng ngày, học viên còn phải tập cất, hạ cánh trên sa bàn, trên buồng tập lái... Bởi vì, đối với phi công, ngoài kỹ thuật lái, xử lý bất trắc thì kỹ thuật hạ cánh là rất quan trọng. Nếu phi công không nắm chắc yếu lĩnh động tác, không xử lý tình huống tốt, rất dễ gây ra những bất trắc hiểm nguy”.

Nói về công tác huấn luyện, đào tạo phi công quân sự ở Trường Sĩ quan Không quân, Đại tá Ngô Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước yêu cầu nhiệm vụ đào tạo phi công quân sự trong tình hình mới, nhà trường đã thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Từ năm 2017, nhà trường đã đổi mới quy trình đào tạo phi công quân sự từ 4 năm lên 5 năm. Trong quá trình đào tạo, nhà trường đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng vào huấn luyện, qua đó tăng tính trực quan cho học viên. Các phi công sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có giờ bay tích lũy trung bình 220-230 giờ và có kiến thức hàng không, kỹ năng bay cơ bản với nhiều khoa mục, bài bay phức tạp. Đây là cơ sở để phi công quân sự có thể nhanh chóng chuyển sang bay các loại máy bay thế hệ mới, như: Mi-171, Su-27, Su-30…”.

Với những nỗ lực không ngừng, Trường Sĩ quan Không quân đã khẳng định là địa chỉ uy tín, chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo phi công quân sự trong nước và khu vực. Đây cũng chính là cái nôi “chắp cánh ước mơ bay” cho những người trẻ tuổi có ước mơ, hoài bão được làm chủ cánh bay, chinh phục bầu trời, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài và ảnh: THÀNH TRUNG - VŨ DUY - ĐÔNG GIANG

---------------

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-1-mai-truong-nang-canh-uoc-mo-bay-576092