Bài 1: Mô hình mới, cách làm mới

Đề án 'Xây dựng điểm dân cư (ĐDC) liền kề chốt dân quân (CDQ) biên giới' được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với cấp ủy, chính quyền các tỉnh biên giới Tây Nam thực hiện.

Đề án nhằm bảo đảm nguồn lực tại chỗ, khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng biên, gắn phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Đề án xây dựng ĐDC liền kề CDQ biên giới là bước phát triển tiếp theo của mô hình xây dựng CDQ xen kẽ các đồn, trạm biên phòng ở địa bàn biên giới. Theo đó, những năm qua, Quân khu 7 đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng được 64 CDQ. Sự phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân với Bộ đội Biên phòng mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn trong tuần tra, kiểm soát, tạo thế trận biên phòng khép kín vùng biên. Tuy nhiên, ngoài những nơi xây dựng được CDQ thì ở không ít địa bàn, công tác tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Một số địa phương có chủ trương di dân ra biên giới, song triển khai còn chậm, cơ sở hạ tầng, quy hoạch bố trí dân cư hạn chế, thiếu đồng bộ, nên chỉ sau một thời gian người dân lại trở về quê hoặc chuyển đi nơi khác. Từ thực trạng này, Quân khu 7 đã phối hợp với các địa phương nghiên cứu xây dựng, triển khai thí điểm Đề án “Xây dựng ĐDC liền kề CDQ biên giới” giai đoạn 2020-2025.

Đồng chí Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định: "Địa phương đánh giá cao tính cấp thiết của đề án. Việc di dân ra biên giới, kết hợp kinh tế với quốc phòng, có sự hỗ trợ nguồn lực của nhiều tổ chức sẽ là động lực cho địa phương phát triển kinh tế vùng biên. Tây Ninh xác định đây là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm cao của hệ thống chính trị, trong đó Bộ CHQS tỉnh là cơ quan thường trực phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai, phối hợp thực hiện. Tỉnh Tây Ninh đã thành lập ban chỉ đạo, tổ nội dung, chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể. Tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư trên tuyến biên giới, đồng thời phối hợp các lực lượng tổ chức khảo sát, chọn địa phương làm điểm. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận, trách nhiệm cao trong nhân dân".

 Điểm dân cư liền kề chốt dân quân ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: PHẠM NGUYỄN.

Điểm dân cư liền kề chốt dân quân ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: PHẠM NGUYỄN.

Theo Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7: Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng khu vực phòng thủ, kết hợp kinh tế với quốc phòng, phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là kết quả tổng kết, nghiên cứu, phát triển tư duy lý luận về quân sự, quốc phòng thời kỳ đổi mới nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Chúng tôi đến ĐDC thuộc ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền (Châu Thành, Tây Ninh), cách TP Hồ Chí Minh hơn 200km. Hiện ra trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà cấp 4 khang trang được xây dựng theo quy hoạch, có kết nối hệ thống điện lưới quốc gia, giao thông đi lại thuận lợi. Mỗi căn nhà có diện tích xây dựng 66m2, tường xây, mái lợp tôn, có giếng nước, công trình, đồ dùng sinh hoạt đầy đủ. Đại tá Nguyễn Văn Trứ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh cho biết: "Công trình thi công trong 3 tháng, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn. Đây là kết quả huy động nhiều nguồn lực trong thực hiện đề án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh".

Để xây dựng ĐDC ấp Bến Cừ, người dân, cán bộ, chiến sĩ vùng biên đã đóng góp hơn 1.500 ngày công. Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, tư vấn thiết kế, kỹ thuật, phương tiện và tặng thiết bị, đồ dùng sinh hoạt cho các gia đình. Điển hình như Công ty TNHH Tân Ngọc Lực (Tây Ninh) đã tặng 200 triệu đồng và bảo đảm tổ chức thi công. Tỉnh Tây Ninh cũng giải quyết tốt nhiều vướng mắc phát sinh trong thi công, như: Bảo đảm nguồn nước, quỹ đất, an ninh, an toàn trong xây dựng...

Từ kinh nghiệm làm điểm của tỉnh Tây Ninh, Quân khu 7 đã phối hợp với các địa phương rút ra bài học, nhân rộng cách làm hay, khắc phục hạn chế. Tùy đặc điểm từng địa bàn, các địa phương đều có biện pháp, mô hình sáng tạo, hiệu quả. Tại tỉnh Long An, trong xây dựng ĐDC Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), các gia đình có đất tại vùng biên tự nguyện hiến đất, huy động ngày công để làm nhà, lắp đặt điện, nước. Tại ĐDC xã Bình Thạnh (huyện Mộc Hóa) và ĐDC xã Thái Bình Trung (huyện Vĩnh Hưng), tỉnh Long An, các hộ dân được xét chọn thụ hưởng nhà đều tự nguyện tổ chức thi công, lắp đặt điện, nước...

Thực hiện đề án, tuy còn gặp những khó khăn nhưng tất cả vì sự an dân, giữ biên cương, Quân khu 7 đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Cùng với kinh phí của địa phương, đơn vị, Quân khu 7 tổ chức vận động các tập đoàn, tổng công ty hỗ trợ. Năm 2019, các doanh nghiệp đã hỗ trợ hơn 17 tỷ đồng. Quân khu 7 phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện tốt phương châm “địa phương, đơn vị phía sau hỗ trợ đơn vị, địa phương phía trước, vùng biên giới”. Vì vậy, từ đầu năm 2019 đến nay, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các địa phương, doanh nghiệp đã đóng góp hơn 10.000 ngày công và nhiều phương tiện, trang thiết bị, vật liệu…

Triển khai thi công từ tháng 4-2019, đến nay, đề án hoàn thành giai đoạn 1, xây dựng được 7 ĐDC. Mỗi ĐDC gồm 5 căn nhà cấp 4, diện tích từ 66m2 đến 100m2, có phòng khách, 2 phòng ngủ, phòng bếp, phòng vệ sinh, có điện, nước, trang bị sinh hoạt gia đình với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Các công trình thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng. Hiện, Quân khu 7 đang triển khai giai đoạn 2, xây dựng 3 ĐDC ở các địa phương vùng biên, phấn đấu vượt kế hoạch, tiến độ đề ra.

(còn nữa)

HUY VÕ - DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/bai-1-mo-hinh-moi-cach-lam-moi-609875