Bài 1 - Nguy cơ quá tải từ chất thải rắn xây dựng ở đô thị lớn

Chất thải rắn xây dựng trên khắp thành phố Hà Nội đổ về các bãi tập kết, khiến những bãi tập kết này sắp phải dừng hoạt động do quá tải.

LỜI TÒA SOẠN

Trong những năm qua, việc đổ rác thải, xử lý rác thải nói chung và phế thải xây dựng nói riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội và các đô thị lớn luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội và chính quyền các cấp. Với tốc độ đô thị hóa tăng cao trong những năm gần đây, nhiều công trình, nhà ở của người dân được phá dỡ và xây dựng mới sẽ phát sinh phế thải xây dựng. Điều này đặt ra vấn đề, buộc chủ đầu tư, đơn vị được thuê phải mang đến những nơi tập kết, hoặc đổ trộm đâu đó dẫn đến ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị...

Hiện nay, chính quyền các đô thị đã có một số bãi tập kết, chôn lấp phế thải xây dựng, những khu thí điểm tại các vùng ven thành phố. Tuy nhiên những bãi tập kết, chôn lấp này hiện đang quá tải do không còn đủ diện tích và có nguy cơ phải đóng cửa. Vậy đâu là giải pháp trong thời gian tới?

Thủ đô Hà Nội và các đô thị đang phát triển, một trong những thách thức lớn nhất của chính quyền thành phố là xử lý lượng rác thải rắn thải ra trong thành phố mỗi ngày. Cụ thể, thành phố Hà Nội đang phải xử lý khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày từ các khu công nghiệp và hoạt động sinh hoạt thiết yếu của người dân trên địa bàn, đây thực sự là thách thức lớn với chính quyền và người dân Thủ đô.

Đối với loại chất thải rắn xây dựng (CTRXD), hiện nay hệ thống quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn xây dựng hiện khá đầy đủ, CTRXD phát sinh sau khi phá dỡ, cải tạo một phần được chủ đầu tư hoặc đơn vị được thuê thu gom vận chuyển đến các bãi chôn lấp theo quy định, tuy nhiên một phần không nhỏ bị đổ trộm, đổ không đúng nơi quy định gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Tại khoản 4, Điều 20 - Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định rõ về trách nhiệm và mức xử phải đối với hành vi:

“Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường".

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định...

Ghi nhận của Phóng viên, đầu tháng 5/2023 điển hình như một số xã, phường như xã Ngọc Hồi, Tân Triều (huyện Thanh Trì), phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), phường Phú Thượng (Tây Hồ), Xã Đông Dư (Gia Lâm) một số phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên diễn ra việc đổ trộm, đổ CTRXD không đúng nơi quy định.

Cụ thể như trên địa bàn quận Long Biên, khu vực sát chân đê Long Biên, ngoài bãi sông tình trạng đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định diễn ra tràn lan, hầu như ở chỗ nào có bãi đất trống là ở đó có việc đổ thải.

Những đống phế thải xây dựng đổ trộm trên địa bàn quận Long Biên.

Những đống phế thải xây dựng đổ trộm trên địa bàn quận Long Biên.

Một người dân trên địa bàn quận Long Biên cho hay: "Việc đổ thải này diễn ra cũng lâu, tuy không thường xuyên nhưng thi thoảng vẫn thấy các xe tải, xe máy mang đến các bãi đất trống, hoặc các bãi đất thuộc dự án bỏ hoang đổ. Ban ngày thì ít khi thấy, nhưng khi đêm xuống thì hoạt động này diễn ra".

Hay tại khu vực gầm cầu Nhật Tân thuộc phường Phú Thượng, Tây Hồ cũng diễn ra tình trạng tương tự, phần lớn là phế thải xây dựng được đựng trong các bao tải và đem đến đây vứt bỏ.

Những bao tải đựng phế thải xây dựng được vứt bỏ tại chân cầu Nhật Tân thuộc phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.

Là một trong những đơn vị lớn xử lý chất thải trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Trần Phương Thảo, Phó giám đốc chi nhánh quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, tình trạng đổ trộm thải diễn ra trên địa bàn quận trong những năm gần đây hết sức phức tạp, những đối tượng đổ trộm họ toàn dùng xe ba gác, hoặc xe máy thồ chở phế thải xây dựng đựng trong các bao xi măng đến những nơi đất trống, ven đê Nguyễn Khoái để đổ trộm, do những xe này không có biển số nên rất khó nhận biết để Công ty báo cáo cơ quan chức năng xử lý. Những đống phế thải xây dựng đổ ngổn ngang không đúng nơi quy định hôm sau đơn vị chúng tôi lại đi thu gom và vận chuyển về bãi tập kết quy định nên rất mất thời gian và tốn kém chi phí.

Ông Trần Phương Thảo cũng cho biết thêm, năm 2022 đơn vị này vận chuyển gần 2.000 m3 phế thải xây dựng về bãi tập kết tại Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội. Trong quý 1 năm 2023, đơn vị đã vận chuyển 807 m3 phế thải xây dựng về bãi tập kết trên. Hiện nay, bãi tập kết tại Nguyên Khê, Đông Anh cũng đang dần quá tải nhiều khi phải di chuyển sang một số bãi tập kết khác tại Thanh Trì, quận Hoàng Mai.

Quận Tây Hồ cũng là một trong những nơi đổ phế thải xây dựng diễn ra phức tạp, theo đại điện Ban Quản lý dự án ĐTXD quận Tây Hồ cho hay: "Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và việc quản lý, thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng đã được UBND quận Tây Hồ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác lập kế hoạch, tổ chức thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn quận và tuyên truyền vận động cán bộ, người dân bảo vệ môi trường, thu gom đúng nơi quy định.

Tuy nhiên, một số thời điểm còn tình trạng xe vận chuyển làm rơi vãi vật liệu, phế thải xây dựng xuống đường (Võ Chí Công, Lạc Long Quân….), mặc dù đã được thu gom, xử lý kịp thời nhưng công tác ngăn chặn, xử phạt hành vi nêu trên vẫn chưa triệt để, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng tại một số vị trí, đặc biệt vào ban đêm gây khó khăn trong công tác kiểm tra, ngăn chặn xử lý".

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ cho biết thêm, từ ngày 1/01/2022 đến 31/3/2023, các đơn vị thu gom vận chuyển 88.564 tấn rác thải sinh hoạt và 1973 m3 đất, phế thải trên địa bàn quận.

Được biết, ngày 25/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 609/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, có 26 bãi đổ chất thải rắn xây dựng được đưa vào quy hoạch. Trong số này, các dự án ưu tiên đến năm 2020 gồm 12 dự án, thuộc các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Phú Xuyên, Thanh Oai...

Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố Hà Nội cũng có chủ trương đầu tư xây dựng 5 bãi chứa phế thải xây dựng tại các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín. Tuy nhiên, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư hạn chế nên đến nay các dự án trên đều chưa được triển khai.

Bản đồ quy hoạch xử lý chất thải rắn và bãi chôn lấp bùn thải của thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên với những bãi quy hoạch trên, hiện này chỉ có vài bãi hoạt động, các bãi khác do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư... nên chưa thực hiện được.

Sau 9 năm thực hiện Quyết định số 609/QĐ-TTg, hiện nay chỉ có bãi Nguyên Khê (huyện Đông Anh) đang tiếp nhận chôn lấp và hiện có 2 bãi được thí điểm tiếp nhận, xử lý, tái chế ngay khu vực cầu Thanh Trì thuộc phường Thanh Trì do Công ty CP xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội thực hiện theo công nghệ nghiền tiên tiến và một bãi tại Pháp Vân - Cầu Giẽ thuộc phường Hoàng Liệt do Công ty CP Dịch vụ Toàn Cầu thực hiện.

Theo Công ty CP xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội cho hay, từ năm 2018 đến hết tháng 3/2023 khối lượng xử lý chất thải rắn xây dựng thực hiện đạt 121.300 m3 (năm 2018: 13.000 m3; năm 2020 là 12.000 m3; năm 2021 là 72.000 m3; năm 2022 là 23.000 m3; năm 2023 là 1.300m2), trong đó khối lượng CTRXD được nghiền, tái chế cung cấp làm vật liệu san nền cho một số công trình khoảng 90.000m3; Khối lượng phân loại không đủ điều kiện tái chế, tái sử dụng được vận chuyển về bãi Nguyên Khê (Đông Anh) là 3.000 m3.

Những đống phế thải xây dựng chất cao như núi tại bãi thí điểm tập kết, xử lý chất thải xây dựng khu vực cầu Thanh Trì đang có nguy cơ quá tải.

Đơn vị này cũng cho biết, hiện nay việc xử lý chất thải rắn xây dựng tại của Công ty cũng gặp nhiều khó khăn liên quan đến đất đai, đê điều… hoạt động của bãi chỉ được 8 tháng/năm, các tháng còn lại dừng hoạt động do vào mùa mưa lũ dẫn đến hoạt động xử lý chất thải bị gián đoạn, nhiều chủ dự án phá dỡ phát sinh thêm chi phí do phải di chuyển đến nơi chôn lấp cự ly xa…. dẫn đến tình trạng đổ thải ra các khu vực công cộng ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan đô thị, an toàn giao thông…

Theo Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) được biết, chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội trung bình khoảng 3.000 tấn/ngày, nhưng hiện mới chỉ xử lý được khoảng 1.500 tấn/ngày.

Trong khi đó, một số điểm xử lý chất thải rắn xây dựng sắp phải dừng hoạt động do hết khả năng lưu chứa điển hình như bãi Nguyên Khê, Đông Anh rộng 28ha, hoạt động từ năm 2011 với công suất 360 tấn/ngày. Với số lượng CTRXD mỗi ngày đổ về đây rất lớn khiến diện tích bãi này ngày càng bị thu hẹp và nguy cơ phải đóng cửa do hết chỗ trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, PGS TS. Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triện Cộng đồng cho biết: “Rác thải xây dựng trước đây được tận dụng để san lấp, lấp ao hồ, nhưng hiện nay Thành phố cấm không cho lấp vì ao, hồ hiện nay Hà Nội coi như là “lá phổi xanh” của Thành phố, trong khi đó các bãi tập kết thì hạn chế nên diễn ra tình trạng đổ trộm vào ban đêm, đổ không đúng nơi quy định. Hà Nội thì đông mật độ dân số tăng, tốc độ đô thị hóa tăng, hạ tầng xây dựng ngày càng lớn nên bài toán đặt ra với Hà Nội hiện nay rất khó… nên Hà Nội phải có quy hoạch tổng thể”.

TS. Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay: “Hiện nay rác thải xây dựng chúng ta quản lý chưa được chặt chẽ, các công trình phá dỡ hiện nay rất nhiều kèm theo đó là tình trạng đổ trộm rất là nhiều như một số khu vực bãi sông, nơi công cộng gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, để chẩn chỉnh tình trạng này thì các cơ quan quản lý cần phải có biện pháp quyết liệt…”

Với lượng chất thải rắn xây dựng hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội rất lớn và có nguy cơ quá tải, trong khi một số bãi tập kết quy mô bị thu hẹp không có chỗ chứa và có nguy cơ sẽ phải đóng cửa. Vậy đâu là giải pháp đối với Thành phố Hà Nội trong thời gian tới?

Còn tiếp...

Như Trường - Lê Hải - Vũ Quang - Ngọc Huy

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/bai-1--nguy-co-qua-tai-tu-chat-thai-ran-xay-dung-o-do-thi-lon-d193845.html