Bài 1: Nhớ ngày khai hoang, mở đất

Cách đây đúng 10 năm, lần đầu tôi đặt chân đến Binh đoàn 16 (Bộ Quốc phòng). Khi còn chưa hình dung hết được hình hài và công việc của một đơn vị kinh tế-quốc phòng (KTQP) như thế nào, thì Thiếu tướng Trần Đình Hạng, Chính ủy Binh đoàn 16 lúc ấy vỗ vai tôi bảo: 'Chú phải đến các đơn vị của binh đoàn, sẽ hiểu bộ đội làm KTQP ngay'. Thế là tôi lên đường, trong tâm trạng háo hức vì sắp được khám phá những điều mới lạ.

Đánh thức thung lũng Đắk Ngo

Nhiều người nói với tôi là vùng Đắk Ngo của huyện Tuy Đức (Đắc Nông) rất đẹp và huyền bí. Quả đúng là như vậy. Đi trên con đường vừa nhấp nhô, vừa sình lầy, dài chừng 15km từ Quốc lộ 14 vào thung lũng này là thấy ngay cuộc sống gian nan, vất vả của bộ đội và bà con trong khu KTQP thời mở đất. Ấy vậy mà nơi lọt thỏm trong vòng cung của núi đồi, cô lập như ốc đảo lại là nơi mà cuộc sống mới đang sinh sôi, nảy nở. Lần gặp Thiếu tướng Hà Thiệu, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 16 ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, ông nói oang oang với tôi bằng cái giọng Thanh Hóa đặc sệt: “Mi đến Đắk Ngo muỗi vắt, bọ rừng nhiều lắm đó. Cẩn thận không bị mấy đứa con gái người Mông lấy mất hồn thì quên cả đường về”. Nói đến Thiếu tướng Hà Thiệu, là nói đến vị tư lệnh mở đất. Nhưng tôi tin những lời nói có vẻ “răn đe” của ông sẽ là những điều kỳ diệu.

Người tôi gặp đầu tiên ở Trung đoàn 720 là Đại tá Vũ Văn Mài. Người sĩ quan quê lúa Thái Bình cứ khi ra khỏi phòng làm việc là có thói quen đội mũ cối, đi dép rọ. Trông anh thật giống một chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, lúc nào cũng chỉ muốn chạy ra những vườn cà phê, ruộng lúa hay nương khoai, mì (sắn) của bà con. Sau bữa cơm buổi tối, anh Mài mới có thời gian kể cho tôi nghe về những ngày khai phá vùng đất dữ này. Những năm 1999-2000, nơi đây hoang sơ, hiu hắt và hầu như chưa có bước chân người. Cảnh chim kêu, vượn hú, mưa rừng ào ào, làm người ta liên tưởng như đang ở thời của Đam San, Xinh Nhã trong sử thi Tây Nguyên. Những người cán bộ đầu tiên của Trung đoàn 720 phải đạp đá, trèo đèo, lội suối, vạch rừng để vào đến điểm tập kết. Đặt chân lên vùng đất heo hút, anh em hiểu rằng khó khăn chồng chất ở ngay trước mặt. Muốn chinh phục được vùng đất này, phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh, phải đem tinh thần người chiến sĩ ra mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Bộ đội Trung đoàn 717 với bà con người S'Tiêng.

Những ngày tiếp tục băng rừng, lội suối để đo đạc, quy hoạch, cắm mốc. Những đêm ngủ trong lán trại đơn sơ, muỗi kêu râm ran như tiếng ve mùa hè. Rồi những trận sốt rét thâm môi, rụng tóc… Tất cả những rào cản ấy không ngăn được quyết tâm của người đi mở đất. Anh Mài nhớ lại: "Tôi là chỉ huy trưởng, anh Vinh là phó chỉ huy trưởng về chính trị, cùng 21 anh em vào Đắk Ngo với những dụng cụ khá thô sơ. Cả một vùng đồi núi bạt ngàn như muốn nuốt chửng những khát vọng và ý chí của mọi người. Nhưng chúng tôi không nản. Hơn 20 cán bộ, chiến sĩ vẫn đạp đá, vượt suối, vạch rừng để chuẩn bị cho việc hình thành các khu dân cư, các vườn cây sau này. Khoảng một năm sau, chúng tôi đã đi về các tỉnh phía Bắc, như: Thanh Hóa, Hưng Yên, Thái Bình… tuyển những người công nhân đầu tiên. Rồi các đội sản xuất lần lượt được thành lập, các vườn cà phê, hồ tiêu, điều cũng được hình thành".

Không chỉ đưa công nhân các tỉnh phía Bắc vào khu vực Đắk Ngo khai phá đất đai, hình thành các vườn cây, các khu dân cư, bộ đội Trung đoàn 720 còn sang tỉnh Đắc Lắc và một số địa phương của Tây Nguyên, đưa 312 hộ đồng bào Mông di cư tự do về khu dự án KTQP. Và cũng từ đây, các bản của người Mông, đội sản xuất của người Kinh đã làm thay đổi mảnh đất Đắk Ngo, viết nên những câu chuyện để đời trên vòng cung núi đồi cuối dãy Trường Sơn này. Cuộc sống mới sinh sôi, nảy nở và tràn đầy những khát vọng của người dân và cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 16.

Bạt cỏ trồng cao su

Những năm cuối thế kỷ 20, nghe đến các địa danh Bù Đăng, Bù Đốp hay Bù Gia Mập của tỉnh Bình Phước, ai cũng phải ngán ngẩm. Ngán ngẩm không chỉ vì đường sá xa xôi, cách trở, đi lại khó khăn, mà nó còn vắng vẻ đến rợn người. Không điện nước, không dân cư, cây cối thì rậm rạp, hiểm trở, khiến vùng đất biên giới xã Thiện Hưng của huyện Bù Đốp trở thành chỗ để người ta dọa nhau, chứ không phải là nơi để sinh cơ, lập nghiệp. Ấy vậy mà cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 16 lại chọn là điểm đến, nơi chuẩn bị mở ra một tương lai tươi sáng sau này cho mình và cho đồng bào.

Những ngày đầu về xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp và xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, nhìn thấy những cụm cỏ cao hơn đầu người là Đại tá Vũ Xuân Hải, nguyên Phó tư lệnh Binh đoàn 16, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 717 và anh em chỉ biết thở dài. Đã có lúc anh nghĩ, đất ở đây khô cằn, đường sá đi lại khó khăn, thì việc xây dựng khu KTQP liệu có khả thi? Làm sao biến nó thành những khu dân cư trù phú và những ruộng vườn xanh tốt? Bao câu hỏi ấy cứ xoáy vào đầu, ghim vào tim gan những người lính. Anh Hải kể lại: "Nhìn những gốc cỏ to cao ngất, có đường kính 3-5m, đất đai thì nham nhở sỏi đá, một số gia đình công nhân từ tỉnh Hà Nam vào đây chỉ muốn bỏ đi ngay lập tức. Để xây dựng quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ, xây dựng lòng tin cho công nhân, cán bộ chủ chốt của Trung đoàn 717 cử nhau đi từng đội sản xuất động viên, khích lệ bà con. Các anh cũng chia sẻ với công nhân từng cân gạo, cân muối, từng chiếc chăn, chiếc màn. Bộ đội cùng công nhân chặt cây, bạt đồi, san đất làm vườn cây. Những chỗ khó khăn, đơn vị thuê máy xúc, máy ủi về làm. Gần một năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, hàng nghìn héc-ta đất đã phơi mình đỏ au chờ ngày trồng cây, gieo hạt...".

Người Mông ở Đắk Ngo về bản mới.

Những ngày đầu, bộ đội trung đoàn cùng công nhân được tuyển chọn từ các tỉnh phía Bắc vào đặt những cây su, những trụ hồ tiêu đầu tiên lên mảnh đất biên cương. Bộ đội hướng dẫn bà con tận dụng đất trống để trồng lúa, trồng cây hoa màu, như: Đậu, lạc, mì, khoai, bắp. Ngay cả 11 hộ gia đình đồng bào S’Tiêng được đưa về khu dự án KTQP từ đập thủy điện Cần Đơn, cũng biết trồng xen canh để có thêm lương thực và thu nhập cho mình. Gia đình anh Nguyễn Huy Hoàng, quê xã Yên Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vào Lộc Ninh năm 2004, nhận khoán chăm sóc 8ha cao su. Ba năm sau, anh tận dụng đất trống trồng bắp và mì, đến kỳ đã thu được 7 tấn bắp, 7 tấn mì. Sau 4 vụ trồng xen, gia đình anh Hoàng có nguồn thu hơn 80 triệu đồng. Hay những gia đình của anh Đào Xuân Quyền, Đinh Văn Nam, chị Nguyễn Thị Hồng cùng quê Hà Nam, do biết trồng xen canh tốt, nên mỗi năm thu được 70-100 triệu đồng từ lúa, khoai, đậu, bắp. Sau vài năm, chị Hồng đã đủ tiền mua một miếng đất ở thị trấn Bù Đốp để làm nhà. Nhiều gia đình khác cũng mua sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy và làm nhà mới từ mô hình sản xuất này.

Xóa “điểm trắng” Ea Súp

Con đường từ thị trấn Ea Súp vào xã Ia R’vê và xã Ya Lốp hun hút. Quãng đường dài hơn 100km, mà thi thoảng mới thấy một bóng xe máy chạy qua. Ấy vậy mà anh Trịnh Ngọc Hà, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 737 khi ấy lại ví von: Đó là con đường dẫn đến với những điều kỳ lạ. Kỳ lạ không chỉ nó quá xa với những khu dân cư xung quanh, mà nó còn xóa đi sự hoang vu, cằn cỗi bởi bàn tay và khối óc của con người.

Trước khi tôi vào Khu dự án KTQP Ea Súp, mấy già làng ngoài Buôn Đôn kể rằng: “Ngày xưa, vùng đất này toàn thú dữ, cọp beo, lợn rừng, nên người dân phải chạy dạt về phía Buôn Ma Thuột để sinh sống. Giờ đây, nhiều đêm, voi rừng vẫn kéo đến ruộng nương giẫm nát cây cối, hoa màu của bà con”. Ấy vậy mà khi bộ đội Binh đoàn 16, cùng bà con các dân tộc thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bến Tre có mặt, đất đai đã trở mình thức dậy. Với bàn tay và ý chí của con người, một vùng đất biên cương Tây Nguyên trở thành những ruộng lúa xanh tốt, những vườn cây ăn trái sum sê. Rừng sâu Ea Súp không chỉ có tiếng chim hót líu lô, mà còn rộn bước chân người, tràn đầy những nụ cười hạnh phúc.

Ngày ấy, tôi có dịp đến thăm nhà chị Hà Thị Pứng, người dân tộc Thái, quê ở Thanh Hóa. Cùng với chồng là anh Hà Sỹ Ngoan, chị Pứng trồng lúa, trồng khoai. Năm 2007, gia đình chị đã thu hoạch được 21 tấn lúa. Chị Pứng bảo: “Khi mới vào đây, ngày nào mình cũng khóc vì cảnh hoang vu. Nhưng giờ thì khác rồi, bộ đội binh đoàn giúp người dân có những mùa bội thu. Chúng tôi chỉ cần gọi điện thoại là thương lái từ thị trấn Ea Súp, hay từ TP Buôn Ma Thuột cho xe vào mua lúa, hay các sản phẩm hoa màu ngay”. Cũng từ đó, những chuyến xe khách, xe chở hàng cứ kéo nhau vào xã Ia R’vê, Ya Lốp, khiến nơi đây ngày càng trở nên tấp nập và trù phú hơn.

(còn nữa)

Bài và ảnh: LÊ PHI HÙNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/bai-1-nho-ngay-khai-hoang-mo-dat-556009