Bài 1: Những niềm tự hào mang tên Việt Nam

LTS: 'Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được'. Đó là khẳng định của người đứng đầu Chính phủ, thể hiện quyết tâm bảo vệ di sản của Việt Nam. Tròn 25 năm, kể từ khi đón nhận bằng công nhận đầu tiên của UNESCO cho cố đô Huế, đến nay Việt Nam có 6 di sản văn hóa thế giới (DSVHTG).

Dù đã có nhiều chuyển biến trong công tác quản lý DSVHTG ở Việt Nam, nhưng việc giữ gìn và phát huy những báu vật ấy vẫn còn nhiều điều phải giải quyết.

Du khách đến tham quan đền Trần trong Quần thể danh thắng Tràng An.

25 năm qua cũng là khoảng thời gian Việt Nam được tiếp cận một hình thức bảo tồn di sản mang tầm quốc tế. Chúng ta đã có những mô hình điển hình về sự phối hợp chặt chẽ giữa quốc gia và quốc tế trong thực hiện các điều khoản Công ước của UNESCO về việc bảo vệ di sản văn hóa (DSVH) và thiên nhiên thế giới năm 1972.

“Sức mạnh mềm” của Việt Nam

Chúng tôi có dịp đi tham quan, tìm hiểu hầu hết các DSVHTG ở Việt Nam. Điều dễ nhận thấy ở các DSVHTG là vẻ đẹp vượt trội, độc đáo mang giá trị toàn cầu được bảo vệ tương đối tốt. DSVHTG ở Việt Nam đúng với những gì tác giả Arthur Pedersen nói về những di sản của UNESCO: "Những lý do đích thực tại sao một khu vực được chọn đưa vào danh sách DSTG cũng chính là lý do tại sao lại có hàng triệu du khách năm này qua năm khác đua nhau tới thăm những khu vực này".

Nhìn vào số liệu thống kê để thấy hầu hết các di sản của UNESCO tại Việt Nam đều gia tăng đáng kể cả về lượt khách cũng như doanh thu từ việc bán vé tham quan. Năm 2017, có hơn 16 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế tới tham quan, nghiên cứu các DSTG của Việt Nam, doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp ước khoảng 2.535 tỷ đồng. 25 năm sau khi lần đầu tiên được UNESCO ghi danh, chúng tôi cảm nhận rõ nét các di sản đã khẳng định vai trò giá trị không chỉ bề sâu văn hóa, mà còn góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động... Di sản không chỉ là quá khứ, hiện tại mà còn ẩn chứa cả tương lai. Việt Nam ngày càng đẹp trong mắt bạn bè quốc tế nhờ các DSVHTG được vinh danh.

Tại bến Tràng An (Ninh Bình) vào một buổi chiều mùa thu, khi những khách đi đò đã vãn nhưng nhiều lái đò vẫn nán lại. Họ trò chuyện vui vẻ trong khung cảnh thanh bình của vùng đất cố đô. Bà Lê Thị Chòn, thôn Hạ, xã Nghinh Xuân (Hoa Lư) nói với chúng tôi: “Sau khi được công nhận di sản thế giới, khách đến Ninh Bình đông hơn hẳn, khi có khách đi thì mình có việc làm, có thu nhập và đời sống được cải thiện. Không những thế, chúng tôi còn có cơ hội được gặp nhiều người, ở nhiều tầng lớp, hiểu biết thêm nhiều vấn đề”.

Phố cổ Hội An ngày càng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Dưới góc độ chuyên môn, trao đổi với chúng tôi về giá trị của các DSVHTG tại Việt Nam, PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội DSVH Việt Nam đánh giá cao mô hình bảo tồn ở cố đô Huế. Ông cho rằng, ngoài yếu tố kinh tế, thành tựu trong công cuộc bảo tồn di tích cố đô Huế là chúng ta đã biết kết hợp các phương pháp thủ công truyền thống với những thành tựu, phương tiện khoa học hiện đại để bảo vệ yếu tố nguyên gốc, yếu tố cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Do có hoạt động thực tế phong phú như thế nên chúng ta góp phần hoàn chỉnh lý thuyết về bảo tồn, có những bài học kinh nghiệm về xử lý tu bổ kiến trúc gỗ. Di tích cố đô Huế có vài chục công trình được tu bổ, tôn tạo gần như nguyên gốc, được các chuyên gia UNESCO ghi nhận. Thành công đáng nói nữa là chúng ta đã có sự kiện văn hóa mang tính quốc tế là Festival Huế, tạo sức sống sôi động cho thành phố và khẳng định thương hiệu văn hóa Huế. Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Nguyễn Dung, khẳng định: "Quần thể di tích cố đô Huế từ chỗ bị tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng và đứng bên bờ vực của sự quên lãng, đã vượt qua thời kỳ phải cứu nguy khẩn cấp để bước vào giai đoạn ổn định và phát triển bền vững".

Mô hình kiểu mẫu châu Á-Thái Bình Dương

Đến TP Hội An (Quảng Nam) vào những ngày giữa tuần, dù không phải thời gian cao điểm mùa du lịch, nhưng chúng tôi khá bất ngờ bởi Hội An có lượng khách, đặc biệt là khách quốc tế rất đông. Một người bạn tôi sống ở Hội An lâu năm tiết lộ bí quyết để hưởng thụ trọn vẹn vẻ thanh bình như níu kéo thời gian, ngắm nhìn các ngôi nhà cổ bên dòng Thu Bồn của phố cổ mà vẫn được nghe tiếng nhạc du dương trên khắp các con phố, là len lỏi vào các ngóc ngách lúc tối muộn hay sáng sớm.

Lang thang trên những con phố, tôi chọn điểm dừng chân đầu tiên là nhà cổ Quân Thắng trên đường Trần Phú. Kiến trúc, cách bày biện và nếp sống của gia chủ giúp tôi hiểu phần nào về sự thịnh vượng của thương cảng cũng như các gia tộc ở Hội An xưa kia. Tôi bất ngờ khi được chứng kiến chị Diệp Ái Phương giới thiệu với khách bằng cả tiếng Anh, Nhật, Trung về ngôi nhà. Ngắm nhìn ngôi nhà của cha ông với niềm tự hào không nhỏ, chị Ái Phương khoe với chúng tôi một số chi tiết gỗ của ngôi nhà bị hư hỏng vừa được sửa năm ngoái nhưng không khác so với nguyên bản. Nhà đẹp, khách đông hơn và cũng thuận lợi cho sinh hoạt của gia đình nhiều thế hệ vẫn sống ở đây. Số tiền bán vé cho khách tham quan tạm thời đang được gia đình dùng để trả cho chi phí sửa nhà sau khi được Nhà nước hỗ trợ 60%.

Nhà cổ Quân Thắng cũng như hầu hết những ngôi nhà khác ở phố cổ Hội An, đều thuộc quản lý của người dân. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn DSVH Hội An, cho tôi biết: “Gần 20 năm công tác trong lĩnh vực quản lý DSVH Hội An, tôi có thể rút ra một số bài học. Bài học quan trọng nhất là người dân nhận thức rõ ràng việc bảo tồn đem lại lợi ích cho cộng đồng. Trong nhiều năm qua, nhờ bảo tồn tốt mà nhiều người dân ở Hội An đã giàu lên, không còn hộ nghèo. Hệ thống quy chế được xem như quy ước cộng đồng do chính quyền, cơ quan chuyên môn và người dân cùng xây dựng, được công khai, minh bạch. Dân tự bỏ tiền sửa chữa bảo tồn nhà cổ và khi cầm đơn đến văn phòng một cửa để xin sửa chữa nhà cổ thì đằng sau lá đơn đã xác định ngôi nhà phải sửa là nhà loại mấy, ở khu vực nào, được làm gì, không làm gì… Bình quân một ngôi nhà họ sửa chữa khoảng trên dưới một tỷ đồng. Với khoảng 200 ngôi nhà được chúng tôi cấp phép một năm thì lượng đầu tư trong dân rất lớn”. Bên cạnh đó, theo ông Trung, điều quan trọng là chính quyền đóng vai trò "nhạc trưởng" điều phối, tập hợp các bên và phải có định hướng, quyết sách hợp lý và biết trăn trở, biết suy nghĩ và trân trọng giá trị của di sản. Các chuyên gia nước ngoài cũng có vai trò quan trọng khi chúng ta học tập ở họ những kinh nghiệm quản lý tốt di sản ở nước họ".

Tôi dần vỡ vạc ra vì sao UNESCO đã chọn Hội An là mô hình thành công nhất của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tài liệu về bảo tồn DSVH ở Hội An còn được UNESCO dịch sang tiếng Anh và phổ biến cho cả khu vực.

"Nếu trước kia Hội An hợp tác với các chuyên gia nước ngoài theo hình thức "cầm tay chỉ việc" rồi duy trì tình nguyện viên giúp đỡ về bảo tồn, thì đến nay chúng ta đã có thể cùng với các chuyên gia nước ngoài thảo luận, trao đổi và góp ý về vấn đề bảo tồn" (Phó chủ tịch UBND TP Hội An, Nguyễn Sơn).

Bài và ảnh: MINH NHÃ

(còn nữa)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bai-1-nhung-niem-tu-hao-mang-ten-viet-nam-549092