Bài 1: 'Nóng vội' xin tự chủ?

Tự chủ tài chính từng được xem là chính sách 'cởi trói' cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y – Dược học Cổ truyền Việt Nam) thoát khỏi cảnh trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước, đồng thời chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, do nóng vội trong quyết sách, cùng cách làm không hiệu quả sau tự chủ đã khiến Bệnh viện Tuệ Tĩnh đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí, để cứu vãn sự tồn tại của Bệnh viện, lãnh đạo Học viện đã phải 'cầu cứu' Bộ Y tế…vì đâu nên nỗi?.

Cán bộ, viên chức vật lộn để kiếm thêm thu nhập

Trong đơn kêu cứu của cán bộ, viên chức, người lao động đang công tác tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh (số 2 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) gửi đến báo Lao động Thủ đô phản ánh, kể từ sau ngày 04/6/2019 khi Bộ Y tế có Quyết định số 2218/QĐ-BYT về việc giao quyền tự chủ cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh, đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động tại bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, từ khi tự chủ đến nay, người lao động tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ được hưởng nguyên lương, trong khi đó các khoản tiền thu nhập tăng thêm, tiền phúc lợi xã hội… bị cắt bỏ hoàn toàn. Trước đó, vào đầu năm 2019, cán bộ, viên chức của bệnh viện đã bị cắt giảm 50% tiền thu nhập tăng thêm.

“6 tháng đầu năm 2019 chúng tôi chỉ được hưởng nguyên lương và 50% phụ cấp tăng thêm, từ tháng 6/2019 đến nay, chúng tôi chỉ được hưởng nguyên lương, bệnh viện không đủ tiền để trả các chế độ phúc lợi xã hội chính đáng khác…

Thu nhập giảm sút khiến đời sống của chúng tôi ngày càng trở nên khó khăn, không đảm bảo sức khỏe và tinh thần để làm việc vì còn phải vật lộn kiếm thêm thu nhập. Trước những khó khăn này, nhiều lần chúng tôi đã làm đơn gửi lên lãnh đạo Học viện, Công đoàn Học viện đề nghị thực hiện chi trả đúng quyền lợi cho chúng tôi nhưng đều bị lãnh đạo phớt lờ…”, đơn phản ánh nêu rõ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được thành lập ngày 03/1/2006 theo Quyết định số 13/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Trong quyết định này nêu rõ, Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị thực hành của Học viện Y – Dược học Cổ truyền Việt Nam (Học viện).

Là một đơn vị thực hành của Học viện, nguồn thu chi tại bệnh viện không lớn, thậm chí đầu năm 2019 cán bộ, viên chức bệnh viện còn bị cắt giảm nguồn thu nhập tăng thêm. Thế nhưng, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 về việc thực hiện thí điểm đối với 4 bệnh viện “hạng đặc biệt” là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, thì Bệnh viện Tuệ Tĩnh, một bệnh viện hạng II thời điểm đó, lại bất ngờ xin tự chủ.

Từ những bất cập trên, không ít cán bộ, viên chức, người lao động tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh (những cán bộ làm việc trực tiếp tại bệnh viện, không phải cán bộ cơ hữu, kiêm nhiệm công việc vừa là cán bộ Học viện, vừa là cán bộ bệnh viện) đặt câu hỏi, vì sao lại có nghịch lý này, phải chăng đó là sự “nóng vội” của lãnh đạo Học viện?

Khai khống thu chi để xin tự chủ?

Trước những khó khăn của Bệnh viện Tuệ Tĩnh kể từ khi tự chủ, đa số cán bộ, viên chức, người lao động tại bệnh viên cho rằng, để xảy ra sự việc trên chính bởi sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo Học viện, trong đó có việc lãnh đạo Học viện đã xây dựng một Phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tài chính đối với Bệnh viện Tuệ Tĩnh, nhưng điều đáng nói là cấn bộ viên chức tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh không hề được biết đến Đề án tự chủ này.

Cùng với đó, các cán bộ, viên chức tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng cho rằng, để Đề án tự chủ của bệnh viện được hoàn thiện, tại Tờ trình số 451/TTr-BVTT ngày 28/12/2018, lãnh đạo Học viện đã khai khống mức thu đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên của đơn vị năm 2019 = 115,39%. Trong khi đó, tại bản đánh giá thực hiện dự toán thu – chi ngân sách năm 2019 của Bệnh viện Tuệ Tĩnh thể hiện, mức kinh phí chi thường xuyên năm 2019 chỉ là 0 đồng.

“Thực tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh không đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, mà đến cuối năm 2019, bệnh viện đang âm 3 tỷ 917 triệu đồng và hiện đang vay Học viện 8 tỷ đồng để chi trả lương. Đến nay, bệnh viện không còn khả năng chi trả lương cho cán bộ, nên thường xuyên chi trả chậm. Thậm chí, không có tiền để chi trả các chế độ phúc lợi xã hội đã được quy định trong hợp đồng lao động và trong Quy chế chi tiêu nội bộ như: Tiền ngày nhà giáo, tiền khai giảng, tiền độc hại cho lao động hợp đồng…”, cán bộ, viên chức Bệnh viện Tuệ Tĩnh trình bày trong đơn kêu cứu.

Phải khẳng định rằng, chủ trương giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện công nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, từ những phán ánh tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh có thể thấy, việc giao quyền tự chủ không có nghĩa là đơn vị phải tự bảo đảm tài chính cho các hoạt động của mình, mà phải căn cứ vào khả năng thu của các đơn vị; và không phải bắt buộc tự chủ bằng mọi giá trước thời điểm.

Đặc biệt, như trình bày của cán bộ, viên chức, người lao động tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh tại đơn kêu cứu, thì việc xây dựng Đề án tự chủ của lãnh đạo Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đang cho thấy sự bất cập, nôn nóng…Hơn thế, việc đóng hai vai của lãnh đạo Học viện, cụ thể là ông Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện, kiêm Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh đang cho thấy nhiều kẽ hỡ.

Và như phản ánh của người lao động tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, khi việc tự chủ tại bệnh viện được thực hiện, Giám đốc là người được quyền tự quyết các vấn đề nhân sự, thu chi…Trong khi đó ở chiều ngược lại, một số cán bộ, viên chức của Học viện cho rằng, với vai trò là Giám đốc Học viện, thì vị lãnh đạo này đã “tự quyết” khi đề xuất mở quỹ phúc lợi của Học viện để “cứu” Bệnh viện Tuệ Tĩnh, bất chấp sự không đồng tình của cán bộ, viên chức, người lao động tại đây.

Còn nữa...

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-1-nong-voi-xin-tu-chu-113095.html