Bài 1: Tầm nhìn từ quyết sách lớn

LTS: Sau 15 năm sáp nhập, đời sống kinh tế của người dân từ ngoại thành đến nội thành đều từng bước đổi khác, no ấm và hạnh phúc hơn. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ về nhiều mặt của TP và các ban ngành, các làng nghề trên địa bàn TP đã phát triển không ngừng cả về lượng và chất.

Thành tựu của Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính

Chủ trương mở rộng địa giới hành chính, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới là đúng đắn Ảnh: Khánh Huy

6 năm chuẩn bị cho một Đề án mang tính lịch sử

Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XII diễn ra vào tháng 5/2008, Quốc hội đã thông qua đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô với 92,9% số phiếu tán thành. Để cho ra đời được đề án này, Ban chỉ đạo phải chuẩn bị trong 6 năm với rất nhiều cuộc hội thảo...

Tại cuốn tài liệu "Thủ đô Hà Nội 10 năm mở rộng địa giới hành chính" do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội soạn thảo thông tin:

Ban chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư Xây dựng Vùng Thủ đô được thành lập dưới sự chỉ đạo, điều hành của 2 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng và PTT Hoàng Trung Hải lúc bấy giờ.

Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, yêu cầu mở rộng Thủ đô Hà Nội phải đáp ứng các tiêu chí: Phù hợp với các định hướng phát triển vùng Thủ đô, phù hợp với dân số Thủ đô và các đô thị trong vùng, các khu vực có hả năng phát triển công trình đầu mối hạ tầng, các dự án quốc gia gắn với Thủ đô hoạt động lâu dài, phù hợp các điều kiện địa lý- lịch sử- văn hóa truyền thống. Có quỹ đất đủ rộng để xây dựng một số khu chức năng của Thủ đô, các đô thị - khu đô thị mang tính chất vệ tinh để giảm áp lực vào khu vực nội thành truyền thống;

Bộ Chính trị cũng yêu cầu có thể phát triển vành đai xanh, không giản mở, các vùng thực phẩm rau quả tươi phục vụ các đô thị trong vùng; lựa chọn các khu vực đô thị cần kề đã có thời gian gắn kết chặt chẽ về giao thông, hoạt động đô thị và kinh tế thuận lợi đối với việc điều chỉnh lại địa giới hành chính; ổn định nhanh, không gây xáo trộn về cơ cấu hành chính cho các địa phương xung quanh; phù hợp với thời cơ vận hội của cả nước..

Trước những yêu cầu mà Bộ Chính trị đặt ra, Ban chỉ đạo đã đưa ra 5 phương án đề xuất mở rộng địa giới hành chính Thủ đô nhằm đảm bảo sự bền vững, xây dựng Thủ đô trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, trở thành một đô thị hoạt động có hiệu quả, bền vững có tính cạnh tranh cao…

Phương án 1:Trên cơ sở diện tích TP Hà Nội (cũ) mở rộng thêm tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) với diện tích tự nhiên 3.334,47km2, dân số 6.232.940 người, có 29 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã.

Phương án 2: gồm TP Sơn Tây, huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, có bổ sung thêm TP Hà Đông, huyện Quốc Oai và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) với diện tích 2.247,32km2.

Phương án 3: Gồm TP Hà Đông, hai huyện Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Tây) và Mê Linh (Vĩnh Phúc) với diện tích là 1.260km2.

Phương án 4: Gồm TP Hà Đông, hai huyện Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Tây), huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), huyện Từ Sơn (Bắc Ninh), huyện Văn Giang, Văn Lâm (Hưng Yên) với diện tích 1.451km2.

Phương án 5: Gồm TP Hà Đông, bốn huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín (Hà Tây), huyện Mê Linh, Thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc), huyện Từ Sơn, Thuận Thành (Bắc Ninh), huyện Văn Giang, Văn Lâm (Hưng Yên) với diện tích 1.964km2.

Tháng 5/2008, Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 đã thông qua Đề án mở rộng Hà Nội. Dù có những tranh luận gay gắt nhưng Quốc hội vẫn thông qua phương án 1 của đề án này.

Đời sống kinh tế của người dân Thủ đô từng bước đổi khác

Sự phát triển vượt bậc của Thủ đô trong 15 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính. Ảnh: Khánh Huy

Thời gian qua, dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, thách thức, nhất là sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng miền, lượng công việc phải thực hiện lớn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy lợi thế, vượt qua thách thức.

Tại Hà Nội, hàng loạt dự án giao thông lớn nhỏ được thực hiện kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi. Nhiều tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ... thúc đẩy giao thương, văn hóa, góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô. Trong khu vực nội đô, nhiều tuyến đường như: Vành đai 1, Vành đai 2 và một số đoạn tuyến của Vành đai 2,5 cùng Vành đai 3 và 3,5... được tích cực triển khai xây dựng; Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài được mở rộng.

Năm 2022, ngoài các dự án trọng điểm, Hà Nội hoàn thành, thông xe nhiều dự án, như Hầm chui Lê Văn Lương, cầu sông Lừ, hạng mục cầu xe máy đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu đi bộ qua đường Võ Nguyên Giáp tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài...

Trong năm 2023, TP tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai các dự án ngay từ những ngày đầu năm sát với thực tế để triển khai thực hiện đáp ứng tiến độ, tập trung chỉ đạo, đôn đốc công tác thi công những dự án còn tồn tại vướng mắc. Đồng thời, tập trung hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ những khó khăn mà một số dự án đang gặp phải.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, thời gian qua mạng lưới xe buýt Hà Nội tiếp tục được phát triển, điều chỉnh hợp lý hóa để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP gồm 154 tuyến (trong đó 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour).

Mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%; 65/75 bệnh viện đạt 87%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%; 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%; 23/24 làng nghề đạt 95,8%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa khu du lịch đạt 92%; Xe buýt cũng kết nối với 7 tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Qua đánh giá, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt.

Tình hình kinh tế-xã hội trong những tháng đầu của năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,95%; quý II tăng 5,98%).

Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,10% của cùng kỳ năm trước nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xuất khẩu gặp khó khăn, sức mua thị trường nội địa chững lại thì mức tăng trưởng trên với xu hướng duy trì đà tăng trưởng qua các quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2023 của TP đạt 2.265 triệu USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 196 dự án với số vốn đạt 75 triệu USD; 89 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 209 triệu USD; 169 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.981 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).

Có thể thấy, sự phát triển vượt bậc của Thủ đô trong 15 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Những thành công đó đã khẳng định những nỗ lực vượt bậc, minh chứng sinh động và thuyết phục cho tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hà Nội trong quá trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

(Còn nữa)

15 năm sau dấu mốc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1/8/2008 - 1/8/2023) theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 là dấu mốc quan trọng, khẳng định chủ trương mở rộng địa giới hành chính đúng đắn, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới là đúng đắn. Hơn hết, sau 15 năm sáp nhập, đời sống kinh tế của người dân từ ngoại thành đến nội thành đều từng bước đổi khác, no ấm và hạnh phúc hơn.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-1-tam-nhin-tu-quyet-sach-lon-345128.html