Bài 1: Thích dụng, vững bền, mỹ quan và kinh tế

LTS: Ngày 27-4-1948, Đoàn Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam (tiền thân của Hội KTS Việt Nam) được thành lập tại xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi hội nghị: 'Trong bốn điều quan trọng cho dân sinh: Ở và đi là hai vấn đề cũng cấp thiết như ăn với mặc.

Vì vậy, việc kiến trúc là việc rất quan hệ (tức quan trọng-PV)... Tôi mong hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại, và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng với tinh thần đời sống mới". Tròn 70 năm thực hiện lời Bác dạy, các thế hệ KTS Việt Nam với lòng yêu nước, yêu nghề đã đồng hành cùng đất nước, kiến tạo những công trình đáng tự hào.

Đây là bốn yêu cầu phổ quát được ghi trong giáo trình của ngành kiến trúc. Nhưng do hoàn cảnh đặc biệt của cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của nhân dân ta quá dài nên đã có thời yêu cầu về mỹ quan chỉ đòi hỏi ở mức độ “trong điều kiện có thể”. Dù vậy, những KTS tài năng của Việt Nam vẫn sáng tạo ra nhiều công trình đẹp, đi vào lịch sử của dân tộc.

 Quy hoạch Nhà Quốc hội tại khu Quần Ngựa của KTS Ngô Huy Quýnh, năm 1960. Ảnh tư liệu.

Quy hoạch Nhà Quốc hội tại khu Quần Ngựa của KTS Ngô Huy Quýnh, năm 1960. Ảnh tư liệu.

Thế hệ kiến trúc sư tiền bối

Người Việt Nam hẳn ai cũng khắc nhớ hình ảnh Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 2-9-1945). Công trình này do KTS Ngô Huy Quỳnh thiết kế và thi công trong thời điểm thời cơ cách mạng vô cùng khẩn trương lúc bấy giờ. Theo ký ức của nhiều nhân chứng, Lễ đài Độc lập được trang trí vô cùng rực rỡ, sống động như họa thêm cho tư thế uy nghiêm, vững chãi của Chính phủ. Công trình kiến trúc này trở thành một phần của lịch sử dân tộc. KTS Ngô Huy Quỳnh là một trong 8 KTS sáng lập ra Đoàn KTS Việt Nam vào năm 1948.

Ở phía Nam, mô hình những kỳ đài do KTS tham gia kháng chiến phác thảo cũng được dựng lên ở nhiều nơi. Trong đó có Lễ đài Độc lập tại đường Cộng Hòa (nay là đại lộ Lê Duẩn) nơi Chủ tịch Trần Văn Giàu cùng 13 thành viên trong Ủy ban Hành chính Nam Bộ (còn gọi là Lâm ủy Hành chính Nam Bộ) ra mắt nhân dân Sài Gòn. Trong nhiều bài viết, GS Trần Văn Giàu nhớ lại: “Trên ngã tư Bonard-Charner sừng sững cao vọi, rực sáng một cột vuông uy nghi, giống lâu đài huyền thoại trong truyện cổ tích, xây dựng một đêm xong”. Những công trình trên chính là dấu ấn đầu tiên của kiến trúc nước nhà đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng.

Trở lại năm 1925, họa sĩ người Pháp tên là Victor Tardieu và họa sĩ của “xứ thuộc địa” là Nguyễn Văn Thọ (còn gọi là Nam Sơn) đã xin chính quyền sở tại và chính quyền Pháp mở trường dạy làm nghệ thuật cho người bản xứ Đông Dương. Đó là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với các khoa hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Trường mở tới năm 1945, đào tạo được 70 KTS và đây chính là thế hệ KTS đầu tiên ở nước ta. Trong số này có nhiều tên tuổi đặt dấu ấn cho nền kiến trúc Việt Nam, như: Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Văn Ninh, Võ Đức Diên, Nguyễn Ngọc Chân, Huỳnh Tấn Phát, Ngô Huy Quỳnh… Sự đóng góp của thế hệ này cho nền kiến trúc nước nhà có thể kể tới những công trình quy hoạch TP Hà Nội, TP Vinh (Nghệ An), các khu đô thị công nghiệp mới như Thái Nguyên, Việt Trì, Cẩm Phả...; những kiến trúc công trình, như: Hội trường Ba Đình (Hà Nội), Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bảo tàng Việt Bắc (Thái Nguyên) và nhiều biệt thự nổi tiếng tại TP Hà Nội hay Sài Gòn; ngoài ra còn có các mô hình kiến trúc nhà ở nông thôn, nhà thông tin, hầm hào, công sự phục vụ ngay trong cuộc kháng chiến đang diễn ra vô cùng ác liệt.

Từ nền móng ấy, thế hệ KTS của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã để lại cho đất nước nhiều công trình đẹp, là cảm hứng cho nhiều sáng tác của các thế hệ KTS sau này. KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, nhận xét: “Thêm một điều đáng quý nữa ở thế hệ KTS tiền bối là hầu hết tham gia kháng chiến theo cách mạng, một số người ra nước ngoài sinh sống và không ai làm việc cho chính quyền thực dân hay chính quyền Sài Gòn sau này. Điều đó nói lên lòng yêu nước của những KTS của chúng ta”.

Bộ trưởng Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) Bùi Quang Tạo giới thiệu quy hoạch trung tâm Thủ đô Hà Nội trước Hội đồng Chính phủ, năm 1959. Ảnh tư liệu.

Những công trình sư trưởng thành trong kháng chiến

Năm 1948, với việc thành lập Đoàn KTS Việt Nam, Chính phủ và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược đã đặt nền móng cho ngành kiến trúc của nước nhà trong tương lai. Vào thời điểm ấy, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta mới bước vào giai đoạn đầu, nhưng Bác Hồ đã tiên liệu trước những công việc phải làm sau khi cuộc kháng chiến giành thắng lợi. KTS Nguyễn Tấn Vạn nói: “Bác Hồ kính yêu của chúng ta là nhà kiến trúc tài ba, vĩ đại nhất. Chính người đã trù liệu trước tất cả mọi việc, chuẩn bị đội ngũ những người làm ngành kiến trúc, xây dựng từ trong kháng chiến để có thể bắt nhịp ngay vào việc tiếp quản và xây dựng những đô thị. Minh chứng cụ thể và sinh động nhất chính là lứa học sinh miền Nam thế hệ chúng tôi. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ-ngụy, nhiều người trong chúng tôi được Chính phủ đưa ra đào tạo tại miền Bắc, gửi đi du học tại các nước XHCN anh em và sau này trở thành lực lượng nòng cốt của ngành kiến trúc nước nhà”.

Những KTS thế hệ tiền bối tham gia kháng chiến sau này trở thành những giảng viên đầu tiên của ngành kiến trúc. Lớp học đầu tiên được mở vào năm 1956, lúc này là một bộ phận nhỏ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đến năm 1961, Bộ Kiến trúc mở lớp đào tạo KTS, hằng năm chiêu sinh từ 50 đến 60 người cho ba trường đào tạo công lập ban đầu (sau này trở thành Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh). Nhà nước cũng chú trọng việc gửi sinh viên ưu tú đi học tập ngành kiến trúc tại các nước XHCN anh em. Đến năm 1964 đã có 10 KTS tốt nghiệp từ nước ngoài trở về. Hiện nay, cả nước có khoảng 20.000 KTS thuộc ba thế hệ: Trước Cách mạng Tháng Tám, thế hệ trưởng thành trong kháng chiến và sau ngày đất nước thống nhất. Thế hệ thứ ba là lực lượng đông đảo nhất, chính là lớp KTS từ sau ngày đất nước được giải phóng đến nay.

Trò chuyện với KTS Lê Văn Lân, Phó chủ tịch Hội KTS Hà Nội (người thuộc thế hệ KTS được sự dìu dắt tận tình của các KTS thế hệ tiền bối và được đào tạo bài bản tại các nước XHCN anh em), ông nói: “Nhắc đến thế hệ KTS tiền bối, tôi muốn nhấn mạnh tới tài năng, lòng yêu nước và đức hy sinh. Bất kỳ KTS nào cũng mong muốn xây dựng những công trình lớn để thỏa mãn ước mơ mà các thầy ở lúc tài năng và tay nghề đang độ chín, đã háo hức ra đi theo bộn bề công việc của cuộc kháng chiến trường kỳ. Với tài năng và nhiệt huyết ấy đã vun đắp, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ KTS kế cận đáp ứng được nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho”.

NGUYÊN PHONG

(còn nữa)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bai-1-thich-dung-vung-ben-my-quan-va-kinh-te-537696