Bài 1: Thước đo sự hài lòng của người dân

LTS: Với mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ 'kỷ cương-trách nhiệm-tận tình-thân thiện', cách đây gần hai năm, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 522/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử (QTƯX) của cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là CBCC), người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố. Loạt bài 'Bồi đắp văn hóa ứng xử cho cán bộ, công chức Thủ đô' là những ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân sau khi thâm nhập thực tế tại các cơ quan, công sở trên địa bàn.

Thăng Long-Hà Nội là mảnh đất hội tụ tinh hoa văn hóa của nhiều vùng, miền mà ở đó văn hóa ứng xử được định hình với nét hào hoa, thanh lịch. Tuy nhiên, trước tác động mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, văn hóa ứng xử của người Hà Nội dễ bị phôi phai, trong đó có tác phong làm việc, cách hành xử, tiếp đón người dân của đội ngũ CBCC.

Chuẩn hóa văn hóa ứng xử CBCC bằng bộ quy tắc

Khi nói đến Thăng Long-Hà Nội, NGƯT Nguyễn Tiến Đoàn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn biên soạn bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh Thủ đô nhắc đến nét đẹp văn hóa của người Tràng An, như câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Thanh lịch là nét đẹp đặc trưng mang tính truyền thống, tạo nên giá trị cốt lõi của văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Xã hội phát triển, dù nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội có dần bị mai một theo thời gian và pha loãng theo không gian, nhưng giá trị văn hóa truyền thống vẫn được phát huy và lan tỏa.

Cán bộ “một cửa” UBND huyện Quốc Oai hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính.

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, trong quá trình phát triển của đất nước, sự va đập, giao thoa văn hóa là điều không thể tránh khỏi, song với Thăng Long-Hà Nội thì luôn có sự tinh lọc. Sự tinh lọc đó không làm mất đi vẻ đặc sắc của Hà Nội mà nét văn hóa người Tràng An, đặc biệt là trong mỗi CBCC ở mỗi giai đoạn khác nhau lại có thêm những điểm mới để phù hợp với quy luật phát triển chung. Có không ít tấm gương cán bộ gần dân, sát dân; sẻ chia với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; không ít tấm gương cán bộ công an giúp đỡ người dân khi gặp hoạn nạn… làm lan tỏa tinh hoa văn hóa nơi công sở của người Hà Nội.

Nhưng không thể phủ nhận rằng, văn hóa ứng xử của CBCC Hà Nội đang dần bị lệch chuẩn. Thời gian qua, những sự việc liên quan tới cán bộ có lời lẽ, hành vi không đúng mực liên tiếp bị nêu ra. Còn nhớ, vào hồi tháng 7 năm ngoái, một vị phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân khiến dư luận bất bình bởi cách ứng xử không đúng mực khi người cán bộ này bị nhắc nhở vì đỗ xe sai quy định. Sự việc này chưa kịp lắng xuống thì câu chuyện cán bộ “một cửa” gây khó người dân khi xin cấp giấy chứng tử tại UBND phường Văn Miếu lại dấy lên. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như cán bộ phường biết đồng cảm với người dân, hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng tử để gia đình họ lo hậu sự cho người nhà. Thế nhưng, không những gian nan trong “hành trình” xin giấy chứng tử, người dân này còn bị vị cán bộ phường Văn Miếu quát mắng là “vô văn hóa”.

Trước đó, hàng loạt sự việc xảy ra, như lãnh đạo xã Thạch Thán (Quốc Oai) bị phản ánh đi ăn cưới trong giờ hành chính; cán bộ phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) “om” hồ sơ của dân; cán bộ xã Di Trạch (Hoài Đức) có thái độ không đúng với dân hay câu chuyện một tân sinh viên bị UBND xã Duyên Hà (Thanh Trì) phê bình vào hồ sơ lý lịch, do gia đình chưa đóng tiền xây dựng nông thôn mới… khiến dư luận không khỏi thất vọng bởi hành xử không đúng mực của một bộ phận CBCC. Những biểu hiện lệch lạc này làm ảnh hưởng đến hình ảnh người cán bộ trong mắt nhân dân, trong khi họ đáng ra là đối tượng phải làm gương, làm nòng cốt để tỏa sáng văn hóa tốt đẹp của Thủ đô.

Tại phiên giải trình của HĐND TP Hà Nội về thực hiện hai bộ QTƯX của CBCC, người lao động trong các cơ quan và nơi công cộng trên địa bàn thành phố diễn ra đầu tháng 3-2018, Chủ tịch UBND xã Thạch Thán (Quốc Oai) thừa nhận: "365 ngày làm tốt nhưng chỉ một ngày, một giờ làm không tốt cũng ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân".

TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, dù chỉ là một bộ phận nhỏ CBCC coi thường dân, suy thoái đạo đức lối sống nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đất nước, làm người dân dần mất niềm tin vào CBCC.

Theo luật định, trong văn hóa giao tiếp với nhân dân, CBCC không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, thực tế những hành xử không đẹp của một số CBCC vẫn tồn tại. Vì vậy, để góp phần gìn giữ “thương hiệu” người Hà Nội văn minh, thanh lịch, UBND thành phố đã xây dựng và ban hành QTƯX của CBCC, người lao động trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh những quy định mà CBCC phải tuân thủ, như: Thời gian làm việc, trang phục, tác phong, thái độ khi làm việc, ứng xử với người dân. TS Nguyễn Viết Chức nhận xét, bộ quy tắc được xây dựng công phu, bao quát, là sự sắp đặt ra chân dung văn hóa của người cán bộ với tất cả những yêu cầu cơ bản trong phép ứng xử mà mỗi CBCC cần phải có, qua đó tạo sự hài lòng của người dân khi đến nơi công quyền.

Tấm gương soi "nhiệm màu"

Chúng tôi trở lại phường Văn Miếu sau gần hai năm thành phố ban hành QTƯX và thấy văn hóa ứng xử của cán bộ phường, đặc biệt là cán bộ "một cửa" đã có sự chuyển biến. Thay vì hạch sách, gây khó dễ cho dân như sự việc đáng tiếc xảy ra trước đó, người dân được cán bộ “một cửa” hướng dẫn kê khai hồ sơ với thái độ niềm nở, chu đáo.

Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch UBND phường Văn Miếu, lúc đầu tỏ ra khá e dè. Bà Hà tâm sự, sau sự cố xảy ra, bà Hà thấm thía hơn về trách nhiệm của mình. Theo sự chỉ đạo của thành phố, từ năm 2017, phường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng CBCC nâng cao văn hóa ứng xử, thay đổi tác phong làm việc. Tại các cuộc họp giao ban, đồng chí Chủ tịch UBND phường thường xuyên quán triệt, bên cạnh chuyên môn thì văn hóa ứng xử là hết sức quan trọng đối với CBCC. Việc triển khai QTƯX trong khối cơ quan được phường thực hiện nghiêm túc và cụ thể bằng nhiều hình thức, nội dung; gắn với trách nhiệm của từng CBCC và đưa vào khung đánh giá CBCC hằng tháng từ tháng 7-2018.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Hà chia sẻ về những khó khăn, áp lực của cán bộ phường, đặc biệt là cán bộ “một cửa”. Bà Hà lấy ví dụ về trường hợp của một người dân mà bà đang cầm hồ sơ trên tay. Trường hợp này, người dân có biểu hiện khai hồ sơ không trung thực, nếu cán bộ phường không làm cẩn thận thì có thể xác minh sai. Rồi nhiều trường hợp người dân nổi cáu, thậm chí là lăng mạ cán bộ "một cửa" vì cho rằng cán bộ sách nhiễu, bắt dân phải đi lại nhiều lần, trong khi thủ tục hồ sơ của họ chưa đầy đủ. Tuy nhiên, bà Hà thừa nhận, cái sai của phường Văn Miếu trong sự việc báo chí phản ánh năm 2017 là thiếu tính linh hoạt trong giải quyết công việc.

Văn hóa ứng xử thể hiện nền tảng văn hóa của mỗi CBCC. Bộ QTƯX sẽ là tấm gương soi để CBCC Thủ đô hoàn thiện mình, giải quyết công việc bằng chữ “tâm” và chữ “nhẫn” để thực sự là “công bộc” của nhân dân.

“Sai lầm lớn nhất dẫn đến hành động lệch chuẩn của CBCC là nhận thức không đúng vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình. Để có được sự tín nhiệm của dân, người CBCC cần phải học làm “đầy tớ” của nhân dân theo đúng nghĩa mà Bác Hồ răn dạy. Vì vậy, việc ban hành QTƯX của CBCC, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết”. (TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long)

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

(còn nữa)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bai-1-thuoc-do-su-hai-long-cua-nguoi-dan-551413