Bài 1: Tự hào vùng đất cách mạng Dương Minh Châu

49 năm sau ngày đất nước thống nhất, mảnh đất chiến khu Dương Minh Châu năm nào giờ đã thay da, đổi thịt. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Dương Minh Châu anh hùng không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống.

Huyện Dương Minh Châu đổi thay từng ngày.

Vùng quê cách mạng

Tháng 5.1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn mới, Tỉnh ủy Gia Định Ninh lấy vùng Đông Bắc tỉnh thành lập huyện căn cứ mới mang tên đồng chí Dương Minh Châu - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Tây Ninh.

Tại vùng đất này, Xứ ủy Nam bộ (sau đó là Trung ương Cục miền Nam), Bộ tư lệnh Nam bộ, Bộ chỉ huy Phân liên khu miền Đông, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đứng chân để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chiến khu Dương Minh Châu còn là nơi thành lập hoặc dừng chân của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực Miền như Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Trung đoàn 311, Trung đoàn 16, Trung đoàn 304...; chiến khu cũng là vùng đất khốc liệt hứng chịu nhiều đau thương, mất mát bởi các trận càn và đạn bom chiến tranh.

Sau trận lũ lịch sử Nhâm Thìn tháng 10.1952, lợi dụng lúc quân dân căn cứ Dương Minh Châu đang gồng mình chống đỡ và khắc phục hậu quả thiên tai, thực dân Pháp huy động 20 tiểu đoàn bộ binh càn vào căn cứ hòng tiêu diệt đầu não chỉ huy cách mạng miền Nam, nhưng đã thất bại.

15 năm sau, các lực lượng cách mạng trong vùng căn cứ Dương Minh Châu đã kiên cường đập tan những cuộc càn quét của hàng vạn quân Mỹ vào căn cứ trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ 2 (1966 - 1967), đặc biệt là đánh bại cuộc hành quân Attelboro năm 1966. Cùng với cả nước, quân dân Dương Minh Châu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đóng góp sức người, sức của và góp phần cùng toàn miền đánh bại chiến lược Chiến tranh cục bộ" và “Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ.

Mùa xuân năm 1975, thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy Tây Ninh "huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã", quân dân Dương Minh Châu đồng loạt nổi dậy, tiến công giải phóng quê hương, góp phần giải phóng Tây Ninh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Với những công lao trong kháng chiến và những thành tích phát triển kinh tế - xã hội, huyện Dương Minh Châu có 5 xã và Ban An ninh huyện (nay là Công an huyện) được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Cựu chiến binh dâng hương tại căn cứ Suối Môn nhân kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chuyển mình vươn lên

Ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân huyện Dương Minh Châu tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình chính trị, xã hội và phát triển kinh tế, cùng với đồng bào cả tỉnh tham gia bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng góp của cải, công sức với Nhân dân toàn tỉnh thực hiện thành công hồ Dầu Tiếng - Tây Ninh, hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong suốt chặng đường hơn 70 năm lịch sử vẻ vang của mình, Đảng bộ và Nhân dân huyện Dương Minh Châu nêu cao tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đoàn kết anh dũng trong đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Đến nay, huyện đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ; các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm mà nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra cho từng năm về phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch.

Riêng năm 2023, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt hơn 3.739 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt hơn 7.845 tỷ đồng; giá trị thương mại, dịch vụ đạt 762 tỷ đồng; hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp...

Vui mừng trước sự đổi thay của huyện Dương Minh Châu, bà Lê Thị Hòn, Cựu chiến binh xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu phấn khởi cho biết: Cơ sở hạ tầng của huyện ngày càng khang trang, đổi mới. Đặc biệt, việc đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn đã tạo điều kiện kết nối thuận lợi trong giao thương, lưu thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Kỳ vọng rằng, trong những năm tới, với sự chung sức đồng lòng của các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân, huyện Dương Minh Châu sẽ ngày càng phát triển.

Thong thả trên những con đường rộng đẹp, ngắm nhìn các ngôi nhà cao tầng hiện đại, nhà mái bằng kiên cố san sát hai bên đường thảm nhựa hay bê tông hóa, cảm nhận vùng quê cách mạng đang thay đổi diện mạo từng ngày, ông Lê Trung Trực, ngụ ấp Phước An, xã Phước Ninh cho biết: Người dân Phước Ninh chủ yếu làm nông nghiệp như trồng lúa, mì. Những năm qua, Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, nhờ đó việc vận chuyển nông sản của người dân thuận tiện, mang lại lợi nhuận cao, đời sống của người dân ngày càng khá hơn. "Chúng tôi mong sẽ có thêm nhiều tuyến đường khác được đầu tư xây dựng mới khang trang, rộng đẹp, giúp người dân lưu thông thuận lợi, an toàn hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương"- ông Trực bày tỏ.

Theo UBND huyện Dương Minh Châu, thời gian tới, huyện sẽ quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền; nâng cao hiệu quả đối ngoại đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách hiệu quả và không hình thức;

Tiếp tục đổi mới và xây dựng huyện Dương Minh Châu phát triển bền vững, đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các giải pháp đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của huyện trong phát triển kinh tế.

Vũ Nguyệt

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-tu-hao-vung-dat-cach-mang-duong-minh-chau-a172179.html