Bài 1: Vượt lên số phận

Sau hơn 20 năm hoạt động, tín dụng chính sách đã giúp hàng triệu hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách thoát khỏi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Nguồn vốn đã trở thành 'người bạn đường' quan trọng của những người yếu thế, tạo động lực để đồng bào vượt lên hoàn cảnh, số phận, tự tin hòa nhập với cuộc sống…

Tái sinh những cuộc đời lầm lỡ

Để tạo điều kiện cho các trường hợp từng vi phạm pháp luật trở về có công việc ổn định, sớm hòa nhập cộng đồng, các Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã kết hợp với chính quyền, hội đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương để cho vay vốn, tự tạo việc làm… Chương trình có ý nghĩa cả về mặt kinh tế, chính trị và bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

Cán bộ tín dụng luôn bám sát địa bàn, nắm vững nhu cầu để tiếp vốn kịp thời cho người từng lầm lỡ. Ảnh: Khánh Phương

Cán bộ tín dụng luôn bám sát địa bàn, nắm vững nhu cầu để tiếp vốn kịp thời cho người từng lầm lỡ. Ảnh: Khánh Phương

Trở về quê hương sau khi đã chấp hành xong án phạt tù, anh N.V.Đ, ở TP. Biên Hòa, Đồng Nai mong muốn có được việc làm chân chính để sống; tuy nhiên, gia cảnh khó khăn, bản thân không chút vốn liếng giắt lưng. Trước hoàn cảnh đó, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, NHCSXH TP. Biên Hòa đã hướng dẫn anh N.V.Đ làm hồ sơ vay 30 triệu đồng để mua phương tiện tự tạo việc làm, tìm thu nhập cho bản thân.

Một trường hợp khác là anh B.V.T ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện làm hồ sơ đề nghị NHCSXH huyện Xuân Lộc cho vay 40 triệu đồng. Anh B.V.T. chia sẻ, số tiền vay được cộng với chút vốn tích lũy của gia đình, anh đã mạnh dạn đầu tư làm chuồng nuôi dê. Hiện tại, đàn dê phát triển tốt và anh B.V.T đã để dành được 10 triệu đồng gửi tiết kiệm vào NHCSXH như một hình thức tiết kiệm để trả dần vốn vay.

Phó Giám đốc NHCSXH Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường cho hay, NHCSXH xác định, người mới mãn hạn tù là một trong những đối tượng cần được hỗ trợ vay vốn chính sách để tự tạo việc làm, hoàn lương. Đây là việc làm nhân văn, góp phần để người vừa chấp hành xong án phạt tù có điều kiện xây dựng lại cuộc sống, có việc làm ổn định, từ đó kéo họ tránh xa tệ nạn xã hội. Tính riêng từ năm 2021 đến nay, chi nhánh đã thực hiện giải ngân cho 10 khách hàng với số tiền 360 triệu đồng. Các khách hàng vay chủ yếu đầu tư chăn nuôi và chăm sóc vườn tạp tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TP. Biên Hòa.

Tại Đà Nẵng, nhiều thanh niên sau khi mãn hạn tù cũng đã nhận được sự trợ giúp từ chính quyền và NHCSXH. Nhờ đó, họ đã mau chóng bắt nhịp cuộc sống, tự lập, vươn lên bằng chính sức lực của mình. Ông Phạm Văn Doanh, Trưởng phòng Kế hoạch và nghiệp vụ, NHCSXH thành phố cho biết, chương trình cho vay hoàn lương được triển khai từ năm 2015; đến hết tháng 11. 2022, chương trình đã giải quyết cho 344 khách hàng vay vốn với tổng số tiền hơn 8,7 tỷ đồng. Riêng năm 2022, dư nợ cho vay đạt 1,156 tỷ đồng với 49 khách hàng. Trong quá trình vay vốn, hầu hết các khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả, từng bước tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Ông Phạm Văn Doanh chia sẻ thêm, để chương trình cho vay hoàn lương đạt hiệu quả, Phòng giao dịch NHCSXH các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách cho vay tín dụng chính sách để những người từng lầm lỡ nắm thông tin về chương trình, có trách nhiệm và ý thức phấn đấu làm ăn, tiết kiệm để hoàn vốn sau khi vay.

Đồng quan điểm với ông Phạm Văn Doanh, Phó giám đốc NHCSXH Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường cũng cho biết, tuy các cấp chính quyền, hội đoàn thể và NHCSXH luôn đồng hành và khích lệ động viên các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù nhưng không phải đối tượng nào cũng mở lòng đón nhận và mạnh dạn vay vốn chính sách làm lại cuộc đời. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó, danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa được cập nhật thường xuyên, gây khó khăn cho NHCSXH Đồng Nai trong việc thực hiện rà soát và giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng. Một nguyên nhân khác là khi thực hiện vay vốn, khách hàng là người chấp hành xong hình phạt tù không nộp hồ sơ chứng minh là đối tượng thụ hưởng theo quy định để được vay vốn. Do đó, gây khó khăn trong việc cập nhật thông tin về người vay cũng như cung cấp số liệu cho các đơn vị liên quan…

Từ thực tế trên, NHCSXH Đồng Nai đã cùng các đơn vị liên quan bắt tay tháo gỡ khó khăn để đưa vốn chính sách đến với người hoàn lương, trong đó, có phối hợp cập nhật, bổ sung danh sách người chấp hành xong hình phạt tù để ngân hàng làm căn cứ rà soát và xét cho vay. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng theo quy định, trong đó có đối tượng là người chấp hành xong hình phạt tù; phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp tục rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng, nhận diện các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay, hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ vay và giải ngân cho vay theo quy định.

Song, quan trọng hơn, người vừa chấp hành xong án phạt tù cần chủ động tiếp cận với các Tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền địa phương nơi sinh sống để tìm hiểu về vốn vay chính sách. Từ đó, làm căn cứ để thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để tiếp cận nguồn vốn nhân văn này.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-1-vuot-len-so-phan-i319901/