Bài 10: Tiếp vụ Bicico: Bộ Công an sai hay Bộ Công thương cố tình bao che (?!)

KTNT- Vụ việc bán trộm nguyên liệu tại Công ty Bicico không phải là mới mà được các cổ đông và công nhân Công ty phát hiện và có đơn tố cáo từ năm 2009. Tuy nhiên, qua nhiều cấp chỉ đạo, kể cả công văn chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, sự việc vẫn không được giải quyết và nguyên liệu của Unilever vẫn cứ bị 'tuồn' đều ra ngoài. Thanh tra Bộ Công thương thì cho rằng không có chức năng giải quyết nên đơn tố cáo lại được chuyển về Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và cuối cùng, Tập đoàn lại chuyển về cho người 'bị' tố cáo để… tự xử lý.

BÀI LIÊN QUAN:

>> Bài 1: Ai chỉ đạo Bicico bán trộm nguyên liệu của Unilever?
>> Bài 2: Nhiều uẩn khúc trong việc cách chức một giám đốc
>> Bài 3: Thêm bằng chứng vụ “Bicico bán trộm nguyên liệu của Unilever”>> Bài 4: Unilever Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan điều tra để xử lý vi phạm
>> Bài 5: Bộ Công Thương chỉ đạo làm rõ việc Bicico bán trộm nguyên liệu của Unilever
>> Bài 6: Bộ Công an đề nghị Bộ Công thương thanh tra vụ “bán trộm nguyên liệu tại Bicico”
>> Bài 7: Bộ Công thương sẽ “tăng tốc” xử lý vụ bán nguyên liệu tại Bicico
>>Bài 8: Vụ bán “trộm” nguyên liệu tại Bicico: Tiết lộ “động trời” của “người trong cuộc”!
>> Bài 9: Về vụ Bicico: Thanh tra Bộ Công thương “phớt lờ” đề nghị của Bộ Công an

Sau khi

Báo Kinh tế nông thôn

phản ánh về việc lãnh đạo Bicico bị “tố” bán trộm nguyên liệu dư của Unilever Việt Nam trong thời gian dài, thu lợi hàng chục tỷ đồng, ngày 03/5/2013, Bộ Công an có Công văn số 187/C44 do Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an Đại tá Lê Đình Nhường ký gửi Bộ Công thương đề nghị thanh tra vụ việc, báo cáo về Bộ Công an và nếu có dấu hiệu phạm tội thì đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vào cuộc. Công văn nêu rõ: “Đối với việc phản ánh nêu trên, căn cứ Luật Thanh tra năm 2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kết luận và có thông báo kết quả cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”.

Nhiều công nhân Xí nghiệp Hương Việt đang chờ đợi Thanh tra Bộ Công thương
vào cuộc làm rõ vụ “ăn cắp” nguyên liệu.

Tuy nhiên, không như đề nghị của Bộ Công an và mong đợi của dư luận, ngày 13/5/2013, Chánh Thanh tra Bộ Công thương Nguyễn Đức Thịnh lại ký Công văn số 4114/BCT-TTB gửi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Trong đó, Công văn này khẳng định: “Căn cứ Điều 17, Luật Tố cáo 2011, Bộ Công thương chuyển nội dung phản ánh trên về Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xem xét, xử lý và báo cáo kết quả xử lý về Báo Kinh tế nông thôn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an theo yêu cầu và về Bộ Công thương”. Như vậy, sau một thời gian báo chí và cơ quan chức năng có ý kiến, sự việc lại được “đùn” về Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lại không phải là cơ quan quản lý Nhà nước mà chỉ là cổ đông lớn tại Công ty CP Bicico thì sẽ giải quyết sự việc này như thế nào? Thừa nhận sự “bất lực” này, tại Công văn số 557/HCVN-TTPC ngày 26/4/2013 do ông Ngô Mạnh Hoài, Phó Tổng giám đốc ký khẳng định đã nhận được đơn từ tháng 01/2013 nhưng chỉ “với trách nhiệm là cổ đông lớn tại Công ty Bicico, để giải quyết nội dung đơn tố cáo nêu trên, Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã có Nghị quyết số 27/NQ-HĐTV ngày 31/1/2013 đề nghị Ban Kiểm soát Công ty Bicico kiểm tra việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty liên quan đến việc bán nguyên liệu dư”. Cho đến nay, Ban kiểm soát Công ty Bicico vẫn chưa có báo cáo về cho Tập đoàn.

Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 61/PC-VPCP gửi Bộ Công Thương

Lật lại hồ sơ vụ việc cho thấy, ngày 18/1/2013, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 61/PC-VPCP gửi Bộ Công Thương với nội dung: Văn phòng Chính phủ nhận được đơn tố cáo ông Đặng Hồng Hải, Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị và bà Lương Thanh Loan, Giám đốc Xí nghiệp Hương Việt. Theo quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chuyển đến Bộ Công Thương xem xét, trả lời theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thời điểm đó, Thanh tra Bộ Công thương cho rằng “đây không phải là việc của mình” nên có ngay Văn bản số 06/TTB-QLKNTC để chuyển đơn đến Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với nội dung rất chung chung: “Bộ Công thương nhận được đơn để ngày 31/12/2012 của ông Bùi Văn Hiệp, ông Nguyễn Đình Minh, bà Vương Ngọc Lan, ông Vương Chí Thiệp là cổ đông của Công ty Bicico (đơn được gửi trực tiếp tới Bộ Công thương và đơn do Văn phòng Chính phủ chuyển theo Công văn số 61) tố cáo một số nội dung tại Công ty Bicico… Bộ Công thương chuyển đơn tới Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”. Công văn này do ông Phạm Hùng Sơn, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công thương ký.

Kết quả được dự báo trước, khi đơn được chuyển về Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thì vụ việc không được giải quyết dứt điểm. Khẳng định điều này, bà Lại Thị Nhung, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự (người phát ngôn của Công ty Bicico) khi làm việc với phóng viên Kinh tế nông thôn cho rằng: “Cái vụ ông Hiệp tố cáo mà có kèm băng ghi âm ông Hải chỉ đạo bà Loan bán nguyên liệu là có từ năm 2009, sau đó ông Hải, chị Loan làm báo cáo gửi ra Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Trước đó, Tập đoàn cũng có gửi đơn vào trong này rồi. Ông Hải và bà Loan đã thống nhất trả lời và mọi chuyện đã khép lại. Tôi cũng không rõ kết quả xử lý thế nào… Đa số quan điểm đều dự kiến đề nghị Công an vào cuộc vì chúng tôi không đủ chức năng để điều tra, xử lý...”.

Thanh tra Bộ Công thương cho rằng việc giải quyết đơn thư tố cáo tại Công ty Bicico không phải trách nhiệm của mình, vậy hóa ra, văn bản đề nghị thanh tra của Bộ Công an là trái luật? Chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công thương ở đâu khi mà 51% vốn tại Công ty Bicico thuộc sở hữu Nhà nước?

Nhóm PV Điều tra

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/bai-10-tiep-vu-bicico-bo-cong-an-sai-hay-bo-cong-thuong-co-tinh-bao-che-post14633.html