Bài 12: Sức mạnh đoàn kết thống nhất trong Đảng

Được hun đúc từ bao gian nan, thử thách trong suốt 90 năm qua, đoàn kết thống nhất đã trở thành truyền thống và cội nguồn sức mạnh trong Đảng. Đoàn kết thống nhất không phải xuôi chiều, mà gắn với tổ chức và kỷ luật chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí. Trong tình hình mới, truyền thống quý báu này càng cần được quan tâm bồi đắp hơn bao giờ hết.

1. Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi trọng việc xây dựng đoàn kết thống nhất trong nội bộ, lấy đó làm cơ sở để tập hợp quần chúng cùng chung sức, chung lòng thực hiện nhiệm vụ chiến lược là "chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"; "đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập". Thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam dù số thành viên không lớn, ở thời điểm lãnh đạo, chỉ đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, nhưng luôn là một khối thống nhất vững chắc. Đó là cơ sở giúp Đảng ta phát huy tối đa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong hoàn cảnh ngặt nghèo khó khăn, hiểm nguy.

Từ đó đến nay, trải qua 90 năm thực hiện sứ mệnh tiên phong dẫn dắt dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nào cũng quan tâm, chăm lo xây dựng tổ chức trong sạch, vững mạnh với trung tâm là sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng. Vấn đề này quan trọng đến mức, trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho Đảng và nhân dân, Người đã nhiều lần nhắc tới hai chữ đoàn kết và chỉ rõ: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Lời dạy của Người về đoàn kết thống nhất trong Đảng tuy ngắn gọn, nhưng làm sáng cả tâm can bao tầng lớp nhân dân Việt Nam; làm toát lên tất cả tầm quan trọng của đoàn kết thống nhất mà mỗi cán bộ, đảng viên phải khắc ghi.

Tiếp thu những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về sự đoàn kết thống nhất, trong các kỳ đại hội Đảng, vấn đề trọng yếu này luôn được đặt ra một cách nghiêm túc, xem xét toàn diện và đề ra những nhiệm vụ giải pháp nhằm xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng ngày càng bền chặt. Trong đó, Nghị quyết Đại hội IX (năm 2001) của Đảng từng yêu cầu: “Từng đảng bộ giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo. Đối với những cấp ủy, tổ chức Đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, kéo bè kéo cánh gây mất đoàn kết nội bộ, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm những người có khuyết điểm”.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy. Một trong số đó là truyền thống đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí.

2. Mặc dù vậy, trong bối cảnh và tình hình hiện nay, những nhân tố gây mất đoàn kết thống nhất trong Đảng vẫn tồn tại và không ngừng tạo ra thách thức. Thực tế, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn nói không đi đôi với làm; bề ngoài thì tỏ ra đoàn kết, nhưng bên trong thì kết bè kéo cánh, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm...

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, Đảng chỉ rõ: “Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty”... Đó là chưa kể, các thế lực thù địch, phản động, phá hoại vẫn tìm đủ mọi cách gây mất đoàn kết, làm chia rẽ trong Đảng. Đây là thực tế đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên phải quan tâm tiếp tục có những giải pháp rèn luyện, giữ gìn, bồi đắp đoàn kết thống nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra rằng, đoàn kết thống nhất trong Đảng có nghĩa là trong Đảng không có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; không có tình trạng kèn cựa địa vị, nói xấu lẫn nhau. Đoàn kết thống nhất là Đảng tuy nhiều người nhưng khi tiến đánh chỉ như một người. Để làm được điều đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc này. Đoàn kết thống nhất trong Đảng phải được xem là một chiến lược lâu dài, là nhân tố tối cần thiết để bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ta càng phải xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất. Chỉ có đoàn kết thống nhất vững chắc, Đảng mới là trung tâm của hệ thống chính trị, là hạt nhân, nhân tố quyết định duy trì khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước tiên, các cấp ủy Đảng và đảng viên cần bảo đảm sự đoàn kết thống nhất về tư tưởng chính trị. Trong đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, từ thống nhất về tư tưởng sẽ đi đến thống nhất về hành động. Trong Đảng cũng như mỗi tổ chức Đảng và đảng viên phải có ý thức cao và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đề cao tinh thần đồng chí yêu thương lẫn nhau. Đặc biệt, trên cơ sở tăng cường tự phê bình và phê bình, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải sàng lọc ra những vấn đề đã, đang và có khả năng làm nảy sinh mâu thuẫn, những cá nhân gây mất đoàn kết nội bộ; kịp thời củng cố tổ chức, khắc phục khuyết điểm đối với những tổ chức Đảng mất đoàn kết; xây dựng và bồi đắp đoàn kết thống nhất trong Đảng từ hạt nhân chính trị ở cơ sở là chi bộ.

Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên phải kiên quyết, quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” và Quy định số 08-QĐi/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải trở thành một nhân tố xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng; từ lời nói đến hành động phải từng bước hình thành chuẩn mực để giữ gìn, bồi đắp tinh thần đoàn kết thống nhất với đồng chí của mình; nói “không” với bệnh quan liêu, độc đoán, chuyên quyền...

Trong bối cảnh đại hội đảng bộ các cấp sắp diễn ra trong năm nay, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vấn đề giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Chỉ có đoàn kết thống nhất, đại hội mới có thể sáng suốt quyết đúng và trúng những vấn đề trọng yếu, mới chọn ra được đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tài phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

(Còn nữa)

Tiến sĩ Phan Đăng Khoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/956717/bai-12-suc-manh-doan-ket-thong-nhat-trong-dang