Bài 2: ADJ Việt Nam và nhiều doanh nghiệp thay đổi kết quả tràn lan, ai chịu trách nhiệm?

Như đề cập ở bài viết trước, việc phân loại trang thiết bị y tế của các tổ chức thực hiện dịch vụ này đặt ra nhiều dấu hỏi trong công tác tổ chức cũng như thực hiện phân loại trang thiết bị y tế, nhất là thay đổi về kết quả phân loại so với thời điểm DN làm thủ tục nhập khẩu. Điều này không chỉ gây khó cho các DN hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng này mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, chính sách quản lý đối với mặt hàng.

Làm việc với phóng viên Báo Hải quan (bên phải), Phó Giám đốc Công ty ADJ Việt Nam Dương Quốc Huy hứa trả lời các câu hỏi của Báo Hải quan bằng văn bản. Ảnh: N.Linh.

Thay đổi kết quả đối với hàng đã thông quan

Trở lại câu chuyện Công ty ADJ Việt Nam có hàng loạt thay đổi về kết quả phân loại trang thiết bị y tế nhập khẩu, theo Tổng cục Hải quan, với các thông báo của Công ty cho thấy đơn vị này đã phân loại trang thiết bị chưa chính xác theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-BYT ngày 28/10/2016 của Bộ Y tế nên phải thu hồi để cấp lại bản phân loại mới cho không ít DN nhập khẩu trang thiết bị y tế. Một số thông báo đã điều chỉnh kết quả phân loại trang thiết bị y tế từ loại A sang loại B (hoặc C, D) hoặc ngược lại. Việc điều chỉnh này dẫn tới việc DN không áp dụng đúng chính sách quản lý đối với thực tế mặt hàng NK tại thời điểm DN làm thủ tục hải quan. Bởi, sau cả năm trời từ khi hàng hóa đã hoàn thành thủ tục và được thông quan Công ty ADJ Việt Nam mới có thông báo thay đổi kết quả phân loại.

Đơn cử như trường hợp “máy xét nghiệm nước tiểu” được Công ty ADJ Việt Nam phân loại A tại thời điểm làm thủ tục và thông quan hàng hóa nên DN nhập khẩu chỉ cần Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn do Sở Y tế cấp. Nhưng gần 1 năm sau, Công ty ADJ Việt Nam lại thay đổi kết quả mặt hàng “máy xét nghiệm nước tiểu” sang loại C- sản phẩm thuộc nhóm phải có Giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Nhưng rõ ràng lúc này hàng hóa đã được thông quan, DN nhập khẩu đã bán cho khách hàng nên không thể áp dụng được chính sách quản lý (bằng Giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế).

Làm việc với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ y tế Việt Nam thừa nhận, sau khi nhận được bản phân loại đầu tiên từ Công ty ADJ Việt Nam, Công ty đã sử dụng kết quả này để hoàn thành thủ tục thông quan cho lô hàng. Oái oăm là đến cả 1 năm sau Công ty ADJ Việt Nam lại có thông báo thu hồi kết quả phân loại đã được sử dụng để thông quan lô hàng và cho ra một kết quả phân loại khác (Báo Hải quan đề cập ở bài 1, số báo 136 phát hành ngày 13/11/2018).

Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ, trang thiết bị y tế phân loại A phải có số Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng do Sở Y tế tỉnh, thành phố cấp; loại B, C, D thuộc Danh mục trang thiết bị y tế ban hành kèm Thông tư 30/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế thì phải nộp giấy phép NK do Bộ Y tế cấp.

Để có thông tin từ cơ quan quản lý chuyên ngành, phóng viên Báo Hải quan đã liên hệ với lãnh đạo Vụ Trang thiết bị y tế và công trình y tế (Bộ Y tế). Lãnh đạo Vụ hứa trả lời chi tiết các câu hỏi của phóng viên bằng văn bản, đồng thời phân công một công chức trực tiếp trao đổi thêm một số thông tin liên quan. Theo công chức này, quá trình rà soát đơn vị phát hiện nhiều DN có sai phạm trong phân loại trang thiết bị y tế. Một sai phạm rõ ràng như “khí oxy” là mặt hàng thuộc lĩnh vực dược nhưng một số đơn vị lại phân loại là trang thiết bị y tế…

Báo Hải quan đang chờ những thông tin đầy đủ, chi tiết, rõ ràng từ Bộ Y tế để thông tin đến bạn đọc.

Đề nghị dừng hoạt động phân loại của Công ty ADJ Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan, trước những bất cập nêu trên, tháng 6/2018, Tổng cục Hải quan đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Vụ Trang thiết bị y tế và công trình y tế (Bộ Y tế), đồng thời có văn bản trao đổi về nội dung trên, đồng thời chuyển các thông báo kèm bản phân loại trang thiết bị y tế của Công ty ADJ Việt Nam để Vụ Trang thiết bị y tế và công trình y tế rà soát, xác định sai phạm của Công ty và xem xét xử lý đối với các lô hàng đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại cơ quan Hải quan.

Cho đến nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chưa nhận được ý kiến của đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Y tế, nhưng vẫn tiếp tục nhận được Thông báo thu hồi và cấp lại Bản kết quả phân loại trang thiết bị y tế của Công ty ADJ Việt Nam.

Để quản lý chặt chẽ mặt hàng nêu trên theo quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP, vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyên trách quản lý trang thiết bị y tế rà soát và đánh giá lại năng lực của các tổ chức đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế theo quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP; rà soát lại các tổ chức có thông báo thu hồi, điều chỉnh Bản kết quả phân loại do chính mình thực hiện để có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời có ý kiến chính thức và đề xuất xử lý đối với các lô hàng trang thiết bị y tế đã hoàn thành thủ tục NK tại cơ quan Hải quan song lại có thông báo thu hồi và cấp lại kết quả trang thiết bị y tế.

Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về NK trang thiết bị y tế để các bên liên quan thực hiện đúng, đầy đủ các quy định.

Trong một động thái mạnh mẽ hơn, mới đây, Bộ Tài chính có công văn đề nghị Bộ Y tế thu hồi Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế của Công ty ADJ Việt Nam. Cũng trong công văn này Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế có văn bản yêu cầu Công ty dừng việc phân loại trang thiết bị y tế.

Thực tế, mặt hàng trang thiết bị y tế là hàng hóa nhập khẩu đặc thù phục vụ việc chăm sóc sức khỏe người dân nên việc quản lý trang thiết bị y tế theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP có những quy định quan trọng như: Tất cả các trang thiết bị y tế đều phải được phân loại để làm căn cứ cho việc công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc cấp số đăng ký lưu hành. Việc phân loại trang thiết bị y tế phải được thực hiện bởi tổ chức có điều điều kiện và phải tuân thủ hướng dẫn phân loại theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-BYT quy định chi tiết việc phân loại trang thiết bị y tế, trừ trường hợp được thừa nhận kết quả phân loại theo Thông tư 42/2016/TT-BYT quy định việc thừa nhận kết quả phân loại trang thiết bị y tế.

Đại diện Bộ Y tế, Công ty ADJ Việt Nam có ý kiến gì về vấn đề này? Báo Hải quan sẽ tiếp tục chuyển tải thông tin đến bạn đọc trong những số báo tới.

Thiếu chế tài xử lý Công ty ADJ Việt Nam và những doanh nghiệp vi phạm?

Liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nhập khẩu trang thiết bị y tế phát sinh sau khi hàng hóa đã được thông quan, về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, trường hợp vi phạm hành chính về XNK là 2 năm. Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm

Về xác định hành vi vi phạm: Khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Khoản 2 Điểu 6 Nghị định số 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý trang thiết bị y tế, quy định, tổ chức thực hiện phân loại trang thiết bị y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại đối với trang thiết bị y tế mà mình đã thực hiện phân loại. Tuy nhiên, hiện nay không có chế tài (xử lý) về việc này.

Ngọc Linh- Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bai-2-adj-viet-nam-va-nhieu-doanh-nghiep-thay-doi-ket-qua-tran-lan-ai-chiu-trach-nhiem.aspx